Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ thúc đẩy bán hàng rong để giải quyết thất nghiệp

TQ thúc đẩy bán hàng rong để giải quyết thất nghiệp

Chính sách Zero Covid đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Sau khi tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhậm chức, ông liên tục kêu gọi vốn nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân để cứu nền kinh tế. Thế giới bên ngoài nhận thấy rằng “nền kinh tế hàng rong”, hay còn gọi là “nền kinh tế vỉa hè” do Thủ tướng tiền nhiệm Lý Khắc Cường từng đề xuất đã xuất hiện trở lại tại nhiều nơi ở Trung Quốc.

Một người bán dâu tây trên xe lưu động đang kiểm tra điện thoại của mình trong khi đứng chờ khách tại một khu phố người Hàn (Korea town) ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào ngày 31/3/2023.

Hãng thông tấn Trung ương (CNA) Đài Loan ngày 25/4 đưa tin, thời gian gần đây trên đường vành đai 2 của Bắc Kinh xuất hiện lẻ tẻ các quầy hàng rong, hoặc là ở bên ngoài các trung tâm mua sắm lớn, hoặc là ở trong các ngõ nhỏ cạnh các con ngõ nổi tiếng trên Internet. Các mặt hàng được bày bán đều là những phụ kiện và đồ chơi đơn giản, chúng được đặt trên các tấm giấy carton với kích thước “50×50”, trông các chủ sạp đều là “người vất vả”.

Bài báo cho biết, sau 3 năm đại dịch, “nền kinh tế hàng rong” lại xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh, nhưng vẫn bị giới hạn bởi các chính sách và sẽ không xuất hiện ở khu vực nội đô. Chúng chỉ được xuất hiện ở khu vực ngoại vi của Bắc Kinh, thời gian mở cửa bị giới hạn từ 4h chiều đến 11h tối vào các ngày từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật.

Ví dụ, ông Lưu Thu Văn (Liu Qiuwen), 33 tuổi, người gốc Bắc Kinh, vốn là một giáo viên tiếng Anh. Ông nói rằng vì dịch bệnh, các cơ sở giảng dạy không thể vận hành, về sau có thể mở các lớp học nhưng do chính sách đánh vào lĩnh vực dạy thêm, họ không còn công việc.

Dịch bệnh kéo dài 3 năm đã thay đổi sự nghiệp của ông Lưu một cách chóng mặt, giờ đây ông là chủ của một xe bán hàng tại khu chợ ở quận Thông Châu. Ngoài bán cánh gà và cơm, ông còn bán Takoyaki và bánh mì kẹp xúc xích kiểu Trung Quốc, ông bận rộn tới 1h sáng mới về đến nhà.

Theo bài báo, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Bắc Kinh, mà còn xuất hiện ở quận Thanh Phố và quận Mẫn Hàng của Thượng Hải, ở Hàng Châu cũng đã nới lỏng các hạn chế về bày bán vỉa hè. Điều này phản ánh mong muốn của người dân về một nền kinh tế năng động, có thể kiếm tiền, kiếm sống.

Chính sách “Zero Covid” kéo dài đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn hại nặng nề, hàng loạt doanh nghiệp và các hộ kinh doanh buôn bán phải đóng cửa, người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Ngoại giới nhận thấy rằng, “nền kinh tế hàng rong” đã bắt đầu lặng lẽ quay trở lại, và nhiều nơi cũng đã đề xuất khuyến khích thử nghiệm việc “bày bán bên ngoài”.

Hồi tháng Một năm nay, Bắc Kinh đã đề xuất chính sách “bày bán bên ngoài”. Tới ngày 20/2, Thượng Hải công bố “Ý kiến ​​​​hướng dẫn về hoạt động kinh doanh vỉa hè”. Vào tháng 9 năm ngoái, Thượng Hải đã sửa đổi “Quy định quản lý vệ sinh môi trường và diện mạo thành phố Thượng Hải”, theo đó không còn cấm tuyệt đối các “quầy hàng ven đường”.

Hôm 13/3, Hàng Châu chính thức thông báo rằng Cục quản lý đô thị sẽ nới lỏng hơn nữa các điều kiện phê duyệt về vỉa hè. Tại 52 khu kinh doanh thông minh, phố thương mại đặc trưng, ​​khu vực chợ đêm và một số khu kinh doanh cấp quận, sẽ tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa và thương mại ngoài trời.

Chính sách dựng quầy hàng hiện nay thực chất giống với “nền kinh tế hàng rong” mà ông Lý Khắc Cường đề xuất vào năm đó, mục đích đều là để làm dịu làn sóng thất nghiệp đang gia tăng.

Tại kỳ họp Lưỡng Hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức vào tháng 5/2020, Thủ tướng khi đó là ông Lý Khắc Cường đã đề xướng “nền kinh tế hàng rong” nhằm giảm bớt áp lực kinh tế. Sau đó, nhiều thành phố nhanh chóng bắt nhịp “cơn sốt hàng rong”. Nhưng chỉ vài ngày sau, chính quyền đột nhiên thay đổi giọng điệu tuyên truyền, “nền kinh tế hàng rong” của ông Lý Khắc Cường bất ngờ bị Bộ Tuyên truyền Trung ương “cấm sóng”. Sự kiện này đã làm dấy lên đồn đoán về cuộc đối đầu giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường.

Sau khi nhậm chức vào năm nay, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng nóng lòng muốn cứu nền kinh tế. Ông thường xuyên tham gia các sự kiện công khai liên quan đến kinh tế, đồng thời không ngừng kêu gọi đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân mở cửa hơn nữa, v.v.

BBC trước đây từng đưa tin rằng, ông Lý Cường đang phải đối mặt với ba vấn đề lớn. Thứ nhất là gây dựng lại niềm tin của doanh nghiệp tư nhân; thứ hai là thu hút đầu tư nước ngoài; thứ ba là giúp Trung Quốc vượt qua cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 15/3, tỷ lệ thất nghiệp khảo sát được của lao động từ 16 – 24 tuổi ở Trung Quốc cao gần gấp 4 lần tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 – 59 tuổi. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2023. Theo dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố, tổng thuế thu nhập cá nhân thu được từ tháng Một đến tháng Hai năm nay đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy số người thất nghiệp đang tăng cao.

Ông Bạch (Bai), hiện đang làm việc trong một công ty luật ở Bắc Kinh, nói với tờ The Epoch Times rằng, do suy thoái kinh tế, hiện nay môi trường việc làm nói chung không lạc quan, ngay cả người có bằng thạc sĩ cũng rất khó tìm được việc làm, và xu thế chung của giới trẻ là ‘nằm thẳng’.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới