Quảng Ninh có 118,82 km đường biên giới với Trung Quốc, trải dài qua 3 địa bàn Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu. Phát huy lợi thế này cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh đã mở rộng không gian phát triển ra các địa phương giáp biên, xây dựng những sản phẩm đặc thù nhằm níu chân du khách.
Từ ngày 15.3.2023, Quảng Ninh bắt đầu đón những đoàn khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau thời gian dài gián đoạn vì dịch COVID-19.
Ngày 16.3.2023, những đoàn khách du lịch Việt Nam đã bắt đầu tham quan Trung Quốc trở lại.
Tính đến hết quý I.2023, Móng Cái đã đón 199.914 lượt người, tăng 62% cùng kỳ; tổng nộp ngân sách nhà nước về dịch vụ du lịch đạt 17,013 tỉ đồng, tăng 73% cùng kỳ.
Theo dự báo của Chi hội Du lịch lữ hành Móng Cái, dịp nghỉ lễ 30.4 -1.5 sẽ có khoảng 5.000 khách du lịch đến Móng Cái để làm thủ tục XNC tham quan TP Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc). Ảnh: Đoàn Hưng
Năm 2023, thành phố Móng Cái đặt ra mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, địa phương tập trung khai thác hiệu quả 5 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, tạo cho du khách có những trải nghiệm ấn tượng khi đến với Móng Cái như: Sản phẩm giao thoa ẩm thực Việt – Trung; Sản phẩm xe du lịch tự lái; Sản phẩm du lịch thể thao – golf; Sản phẩm du lịch một quốc gia 2 điểm đến gắn với chương trình tham quan TP Móng Cái (Việt Nam) – TP Đông Hưng và Khu Phòng Thành (Trung Quốc); hệ thống khách sạn cao cấp và trung tâm thời trang thương hiệu hàng hóa cao cấp…
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Móng Cái, cho biết: “Thành phố đã có kế hoạch tổ chức trên 30 các hoạt động, sự kiện, lễ hội thu hút du khách trong năm 2023.
Ngay trong kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5, Móng Cái sẽ tổ chức một loạt các chương trình như: Lễ hội ẩm thực; Khánh thành địa điểm cung cấp các sản phẩm Ocop, đặc sản địa phương; Liên hoan Dân vũ, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian…
Tâm điểm của chuỗi hoạt động du lịch chào hè là lễ hội “Móng Cái – Dấu ấn nơi địa đầu Tổ quốc” tổ chức tại cửa khẩu Ka Long (Cửa khẩu quốc tế Móng Cái) tối 29.4”.
Còn tại huyện biên giới Bình Liêu, thế mạnh của địa phương là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ cùng cảnh sắc thiên nhiên khoáng đạt, kỳ thú. Theo định hướng, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Riêng năm 2023, Bình Liêu dự kiến đón 150.000 lượt du khách, trong đó phấn đấu khoảng 1000 lượt khách quốc tế.
Ông Hoàng Ngọc Ngò – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu – cho biết: “Bình Liêu đang hướng đến du lịch 4 mùa gắn với các sự kiện văn hóa thể thao như: Lễ hội đình Lục Nà, hội Soóng Cọ, hội Kiêng gió, hội mùa vàng, hội hoa sở.
Dịp 30.4 – 1.5 năm nay, huyện sẽ tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc. Ngoài việc mời gọi các công ty lữ hành đến tham quan trải nghiệm xây dựng tour, tuyến, huyện cũng đang tập trung vào các hoạt động quảng bá, tuyên truyền để du khách mọi miền biết đến”.
Bà Nguyễn Thị Nhung – Giám đốc Công ty CP Việt Way chi nhánh Quảng Ninh cho biết: “Du lịch vùng biên có thể góp phần khắc phục những hạn chế về du lịch mùa vụ tại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Để làm được điều đó, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước”.
T.P