Tuesday, November 19, 2024
Trang chủQuân sựNhững câu hỏi lớn về cuộc phản công của Ukraine

Những câu hỏi lớn về cuộc phản công của Ukraine

Giữa bối cảnh giao tranh giành Bakhmut vẫn tiếp diễn sau nhiều tháng, cả Nga và Ukraine đều đang cạn kiệt lực lượng và hỏa lực để giành từng mét đất trong thành phố. Hiện chưa rõ liệu điều đó có ảnh hưởng đến khả năng tấn công và phòng thủ của hai bên hay không.

Binh lính Ukraine lái xe tăng gần Bakhmut.


Nga đã sẵn sàng cho cuộc phản công của Ukraine. Các nước phương Tây huấn luyện và cung cấp vũ khí mới cho Kiev. Tuy nhiên, thời điểm, chiến lược và địa điểm thực hiện chiến dịch chỉ có Ukraine biết rõ.

Ukraine sẽ không công khai các thông tin trên bởi chúng bao gồm các chiến dịch phức tạp theo nhiều tầng lớp và cần đảm bảo yếu tố bất ngờ – vốn là những điều kiện để tăng cường lợi thế trước thềm cuộc tấn công. Như Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nhận định vào tuần trước, Kiev hiện đang tiến hành một số “hành động” phản công.

Ukraine đứng trước sức ép giành lại lãnh thổ Nga kiểm soát cũng như phải chứng minh rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đang được sử dụng hiệu quả. Kiev cũng phải cho thấy cuộc xung đột tiêu hao hiện nay sẽ không rơi vào bế tắc.

“Đó là một chiến dịch mà chính Ukraine cũng phải chịu một số tổn thất hoặc phải từ bỏ một số vùng lãnh thổ, chẳng hạn như Bakhmut”, Polina Beliakova, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế John Sloan Dickey cho hay.

Bất kỳ cuộc phản công nào cũng đều liên quan đến nhiều chiến dịch, kéo dài hàng tuần và thậm chí hàng tháng. Giữa bối cảnh giao tranh giành Bakhmut vẫn tiếp diễn sau nhiều tháng, cả Nga và Ukraine đều đang cạn kiệt lực lượng và hỏa lực để giành từng mét đất trong thành phố. Hiện chưa rõ liệu điều đó có ảnh hưởng đến khả năng tấn công và phòng thủ của hai bên hay không.

Dưới đây là những câu hỏi lớn về cuộc phản công của Ukraine, trong đó câu hỏi lớn nhất có lẽ là điều gì sẽ xảy ra sau sự kiện này và điều đó sẽ tiết lộ gì về tương lai của cuộc xung đột.

Vì sao cuộc phản công của Ukraine là tâm điểm chú ý?

Các mục tiêu của Ukraine vẫn không thay đổi: Đó là chấm dứt sự kiểm soát của Nga đối với các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Crimea.

Dự kiến, Ukraine tiến hành cuộc phản công vào mùa xuân sau khi nhận được các phương tiện quân sự và sự hỗ trợ từ phương Tây. Thời điểm diễn ra có thể là sau mùa bùn lầy.

Trên thực tế, Ukraine không thể duy trì thế phòng thủ lâu dài nếu cuộc xung đột bắt đầu rơi vào bế tắc bởi điều đó có liên quan đến các thực tế chính trị, nhất là tại phương Tây. Chính Mỹ cũng đặt câu hỏi về khả năng Ukraine giành lại tất cả các vùng lãnh thổ (đặc biệt là Crimea) nhưng họ vẫn muốn chứng kiến một số tiến triển trên chiến trường. Lý do thực sự mà cuộc phản công của Ukraine trở thành tâm điểm chú ý là: Kiev đứng trước sự thúc ép và áp lực từ bên ngoài để chứng minh rằng họ có thể triển khai hiệu quả vũ khí phương Tây và đánh bại Nga.

Điều này càng lâu diễn ra thì nguy cơ sự ủng hộ cho Ukraine suy giảm càng lớn. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống Biden tuần trước yêu cầu ngừng “sự hỗ trợ không giới hạn” cho Kiev.

Đặc biệt, về đạn dược và các phương tiện quân sự, kho vũ khí của phương Tây không phải là vô hạn và các nước này cần thời gian để tăng cường sản xuất nhằm cung cấp cho Ukraine những gì họ cần. Ngoài ra, sự dịch chuyển chính sách, nguồn lực và những nghi ngại về khả năng phản công của Ukraine cũng có thể làm phức tạp điều đó.

Cuộc phản công của Ukraine khó có thể dẫn đến một chiến thắng quyết định chỉ sau một đêm. Nga đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và tăng cường phòng tuyến ở những vị trí Ukraine có thể tấn công.

Ukraine sẽ chưa thể phản công cho tới khi được chuẩn bị đầy đủ. Kiev cần huấn luyện quân đội và bổ sung khả năng cung ứng lẫn hậu cần. Tiến công trước khi thực sự sẵn sàng sẽ là một thảm họa với Ukraine. Dù vậy, nước không có nhiều thời gian vì sự kiên nhẫn của phương Tây đang cạn dần.

Vũ khí phương Tây tác động thế nào đến cuộc phản công của Ukraine?

Đầu năm nay, phương Tây đã thay đổi lập trường và cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Tổng cộng, Mỹ và đồng minh đã hỗ trợ Kiev khoảng 230 xe tăng.

Ukraine cũng sở hữu xe tăng nhưng chủ yếu là xe tăng cũ thời Liên Xô và sau 1 năm xung đột, nhiều xe tăng không thể sử dụng và không có phụ tùng thay thế.

Trong khi đó, các phương tiện của phương Tây sẽ dễ thay thế và bảo trì hơn, đặc biệt sau khi các quan chức cho biết một trung tâm bảo dưỡng xe tăng Leopard đã được thành lập ở Ba Lan. Ngoài xe tăng, phương Tây cũng cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh và xe chở quân nhân bọc thép. Tất cả phương tiện này đều có vai trò quan trọng trong một cuộc phản công.

Những cam kết được đưa ra dường như rất hứa hẹn, rằng các phương tiện sẽ được chuyển giao và binh lính Ukraine được huấn luyện để sử dụng chúng. Nhưng Kiev có quá nhiều loại xe tăng và xe bọc thép từ các quốc gia khác nhau. Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và xe tăng Challenger 2 của Anh sử dụng các loại pháo hoàn toàn khác nhau và đạn dược giữa 2 xe tăng này không tương thích với nhau.

“Việc sử dụng tất cả phương tiện được cung cấp và duy trì chúng trong thời gian dài thực sự là một thách thức lớn”, Sonny Butterworth, nhà phân tích cấp cao tại công ty tình báo quốc phòng Janes cho hay.

Nga và Ukraine đã chuẩn bị thế nào?

Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề trong năm qua. Tài liệu bị rò rỉ gần đây của Lầu Năm Góc cho thấy con số thương vong của nước này là 124.000 – 131.000 binh lính. Sau 1 năm giao tranh và mở rộng đáng kể quân đội, Ukraine phải huy động thêm binh lính. Những binh lính mới đang lấp đầy vị trí của các binh lính dày dạn kinh nghiệm và được huấn luyện bài bản. Điều đó đã tạo ra tình trạng thiếu đồng đều trong quân đội Ukraine.

“Điểm dễ tổn thương ở đây là sự gắn kết lực lượng. Chúng ta không biết liệu họ có thể chiến đấu cùng nhau hay không”, ông Beliakova cho hay.

Chất lượng lực lượng của Ukraine cũng bị đặt câu hỏi. Các đội quân được tổ chức lại, huấn luyện và trang bị vũ khí phương Tây sẽ có lợi thế nhất định nhưng “khó có thể nói lực lượng này thực sự sẵn sàng ở mức độ nào. Dĩ nhiên điều đó còn phụ thuộc vào thời điểm thực tế của cuộc phản công”, ông Kofman cho hay.

Điều đó có lẽ sẽ ảnh hưởng đến việc Ukraine có thể đạt được đột phá trên quy mô lớn trước các phòng tuyến của Nga. Các phòng tuyến này chủ yếu vẫn chưa được thử thách trước các vũ khí mới của phương Tây nhưng Moscow đã tăng cường chúng trước thềm cuộc phản công. Sự chuẩn bị này khiến cho bất kỳ chiến dịch nào của Ukraine đều phải trả giá lớn và đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Các nước phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine vào đầu năm nay nhưng Kiev đang sử dụng đạn dược với tốc độ nhanh hơn khả năng thay thế của Mỹ và NATO. Thậm chí nếu Ukraine được chuẩn bị và trang bị đầy đủ thì câu hỏi lớn đặt ra là liệu Mỹ và đồng minh có thể cung cấp những gì Ukraine cần để củng cố các thành quả và tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo hay không.

Điều gì xảy ra sau cuộc phản công?

Đây có lẽ là câu hỏi lớn nhất về cuộc phản công của Ukraine. Kiev muốn đẩy Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Moscow hiện kiểm soát khoảng 1/6 lãnh thổ Ukraine và tăng cường các cuộc tấn công để đạt được mục tiêu của mình.

Bất kỳ cuộc phản công nào đều khiến Ukraine phải trả giá về lực lượng và vũ khí. Nếu nước này muốn tiếp tục các chiến dịch, phương Tây sẽ phải tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Tuy nhiên, nguồn cung từ phương Tây không phải là vô hạn. Cuộc phản công mùa xuân thành công sẽ cho phương Tây thêm thời gian để tập trung nguồn cung và tăng cường sản xuất nhưng Mỹ và đồng minh sẽ không dễ dạng hỗ trợ thêm các vũ khí hạng nặng như xe tăng cho Ukraine.

“Nếu Ukraine cần thêm vũ khí trong tương lai, chúng sẽ đến từ đâu”, ông Butterworth đặt câu hỏi.

Trước thềm Ukraine phản công, phương Tây đã nhắc lại sự ủng hộ cho Ukraine. Nhưng cuộc phản công càng kéo dài, mà vốn có thể sẽ mất nhiều thời gian, thì cái giá mà Ukraine phải trả sẽ ngày càng lớn.

Rủi ro hiện nay không phải là cuộc xung đột ở Ukraine sẽ đi vào bế tắc mà là việc phương Tây bắt đầu nhận ra điều đó.

“Nếu Ukraine không thành công, sẽ có nhiều lời kêu gọi đàm phán với Nga với lý do rằng xung đột không thể giải quyết bằng con đường quân sự”, bà Beliakova nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới