Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cam kết giải quyết bất đồng”: tin được không?

“Cam kết giải quyết bất đồng”: tin được không?

Cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc và Philippines đã cam kết hợp tác cùng nhau giải quyết các bất đồng ở Biển Đông. Sự “cam kết” đó đang khiến dư luận nghi ngờ.

Tàu tuần tra duyên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines

Cho dù đây là tuyên bố được đưa ra tại cuộc gặp giữa hai nhân vật có thẩm quyền là Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo tại thành phố Pasay của Philippines, dư luận vẫn có lý do chính đáng để hoài nghi kết quả thực tế của nó.

Hoài nghi vì Biển Đông tới nay vẫn là câu chuyện quá phức tạp. Những người quan tâm tình hình đều biết, bất đồng/tranh chấp về biển và đảo liên quan 5 nước 6 bên, bao gồm: Trung Quốc bên đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” đòi tới gần 90% Biển Đông; còn lại, là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Dễ nhận ra: Trung Quốc có thể coi như “một bên”, xung đột với “bên kia” gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, cộng thêm Brunei và Đài Loan liên quan nhưng lâu nay, vì các lý do tế nhị, hiếm khi có các động thái phản đối Trung Quốc. Trong thực tế, có thể kể thêm Indonesia. Quốc đảo này không có tranh chấp, yêu sách, nhưng gần đây bị kéo vào cuộc do bị Trung Quốc liên tục gây hấn ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna đang kiểm soát.

Trong cái thế đó, Mỹ – dưới con mắt của Trung Quốc đã làm cái việc chẳng quân tử chút nào. Cùng với đe nẹt, dạy bảo Bắc Kinh đừng có ngỗ ngược quá trớn, Washington ve vãn các nước trong khu vực ngả về phía mình.

Không thể nói Mỹ không thành công. Philippines từ chỗ “thân” Trung Quốc đến vậy, mà gần đây bỗng ra mặt “thoát Trung” để mặn mà trở lại với Mỹ. Bằng chứng là nước này, thay vì trước đó từng quả quyết hủy bỏ, đã đồng ý gia hạn hiệu lực Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Kế đó, Philippines và Mỹ tổ chức đều đều các cuộc tập trận chung với quy môt ngày càng lớn…Gần đây nhất, thêm một điều Bắc Kinh tức tối là việc Manila đồng ý cho phép Washington sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Dù Philippines đình kèm điều kiện với Mỹ không sử dụng các căn cứ trên gây hấn với bên thứ ba, nhưng Bắc Kinh vẫn lâm vào trạng thái vừa giận, vừa lo sốt vó.

Giận vì Manila “bội bạc” mau nóng đấy, mà cũng mau nguội tình cảm mặn mà từng có trong lần ông Duterte thăm Trung Quốc năm 2019.

Lo vì với việc nâng thêm căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines, Mỹ – đối thủ đáng kể nhất đang gằm ghè Trung Quốc ở Biển Đông, có thể ví như “thêm tay thêm chân” để mà vùng vẫy, lấn át Trung Quốc. Đó là chưa kể, không chừng, Mỹ qua mặt Philippines để từ một căn cứ quân sự được Manila cho sử dụng phóng tên lửa hỗ trợ bà Thái Anh Văn trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công thu hồi.

Chính thế, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mới hối hả bay tới Philippines ngay sau thông tin Philippines dành sự ưu ái cho Mỹ được công bố. Không nói ra, nhưng hàm ý của chuyến thăm Philippines chính thức của ông Tần Cương chắc chắn phải có nội dung đề nghị Philippines suy nghĩ nghiêm túc về điều mà Bắc Kinh từng cảnh báo là “không rước sói vào nhà” .

Và trong chuyến công du này, vì mục đích lớn lao hạn chế Mỹ ở khu vực và Biển Đông, ông Tần Cương buộc phải chẹp miệng thống nhất với nhà ngoại giao Philippines tuyên bố: “Lãnh đạo hai nước nhất trí bất đồng ở Biển Đông không phản ảnh tổng thể mối quan hệ song phương. Các khác biệt này không nên ngăn cản hai nước tìm cách kiểm soát và giải quyết bất đồng một cách hiệu quả, đặc biệt liên quan đến quyền của các ngư dân Philippines”.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thế, nói và làm khác nhau. Bằng chứng là chỉ vài ngày sau chuyến chuyến thăm của ông Tần Cương, dư luận Philippines đã phải nổi giận trước việc lực lượng bảo vệ bờ biển nước này, công bố: từ ngày 18 – 24/4, họ đã xác định được hơn 100 “tàu dân quân biển Trung Quốc” hiện diện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 322 km của Philippines.

Vụ việc căng thẳng tới mức, một tàu Trung Quốc đã “thực hiện các thao tác nguy hiểm” ở khoảng cách khoảng 46 m so với tàu Philippines. Trong khi đó, hai tàu khác của Trung Quốc thể hiện “chiến thuật hung hăng”, tạo ra các “mối đe dọa đáng kể cho sự an toàn và an ninh của tàu Philippines và thủy thủ đoàn”.

Mới cam kết, hứa hẹn với nhau ngày trước, ngay hôm sau đã gây hấn ngang ngạnh đến thế, vậy thì dư luận không nghi ngờ sao được cái gọi là “cam kết” giữa ông Tần Cương và ông Enrique Manalo?

Một bài học cho những người cả tin vậy!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới