Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Ferdinand Marcos Jr “hơn” người?

Ông Ferdinand Marcos Jr “hơn” người?

“Cầu được ước thấy”, ngày 3/5, Mỹ đã công bố các hướng dẫn mới trong Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, trong đó làm rõ các trường hợp tấn công trên Biển Đông.

Ông Ferdinand Marcos Jr. (trái) trao đổi với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington (Mỹ) vào ngày 1/5/2023.

Có thể nói, đây là kết quả quan trọng nhất chuyến công du 4 ngày tới Mỹ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr – chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Philippines tới cường quốc số 1 thế giới sau hơn 10 năm, nhằm củng cố liên minh Mỹ – Philippines trong một bối cảnh phức tạp, nhiều thách thức.

Một khi đã xác định “củng cố” nghĩa là liên minh này từng lỏng lẻo? Chắc chắn rồi. Điều đó thể hiện rõ nhất thời gian cuối nhiệm kỳ tổng Duterte. Quan hệ Philippines – Mỹ từng có lúc xuống tới mức ông Duterte ra lệnh hủy Hiệp định Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ – văn kiện được hai bên ký từ năm 1998, căn cứ pháp lý để binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines tham gia các cuộc tập trận quân sự cũng như các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Đáp lại, ông chủ Nhà trắng khi ấy là Donald Trump đã giận dữ rằng: Tốt thôi, Mỹ càng đỡ tốn.

Về sau, chính những hành động ngang ngược trên Biển Đông cùng sự thất hứa về khoản của Trung Quốc về khoản viện trợ 24 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) để vực dậy nền kinh tế Philippines đang khó khăn, đã khiến ông Duterte đồng ý khôi phục lại hiệp định này vào tháng 7/2021. Còn về phía Washington, chẳng phải “giận mà thương”, cái chính, Nhà trắng thừa biết, cắm chân ở Philippines quan trọng như thế nào trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt trong kiềm chế sự lộng hành của Trung Quốc trên Biển Đông, nên một khi Manila đã “mở lòng” thì Washington cũng sẵn sàng “mở dạ” để thể tất cho sự nông nổi của ông bạn đồng minh Đông Nam Á. Gần đây, họ còn được đền đáp thêm qua việc được Manila đồng ý cho sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, gì thì gì, Manila vẫn còn cay đắng với bài học mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc năm 2012. Sự mất mát đó liên quan trực tiếp đến Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) giữa hai nước.

MDT ký từ năm 1951, là hiệp ước liên minh lâu đời nhất của Mỹ tại Châu Á. Theo đó, Mỹ và Philippines cùng cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Vậy mà, khi vụ việc tại bãi cạn Scaborough vào hồi căng thẳng tháng 6/2012, tổng thống Philippines Benigno Aquino III hối hả đáp tới Washington nhằm gửi tín hiệu về sự thống nhất trong liên minh Mỹ – Philippines. Đáp lại, Mỹ hành xử theo kiểu giữ sự “mơ hồ chiến lược” về ý nghĩa của MDT – một kiểu “bật đèn xanh” để Trung Quốc tinh ý và ma mãnh được thể ngồi xổm lên Thỏa thuận “hai bên cùng rút tàu” với Philippines trước đó, sau đó, chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này cho tới nay. Đó cũng là nguồn cơn trực tiếp khiến Philippines đệ trình hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (PCA) năm 2013 – một vụ kiện đình đám, kéo dài tới 3 năm, kết thúc bằng Phán quyết ngày 17/6/2016 với thắng lợi cơ bản thuộc về Philippines.

Hẳn ông Ferdinand Marcos Jr, dù ngồi vào ghế nóng tổng thống chưa dài, nhưng đã kịp nghiền ngẫm những bài học từ sự kiện Scaborough. Thế nên, nhân dịp 70 năm MDT ra đời, ông nằng nặc phải có một thỏa thuận cụ thể với người Mỹ, tránh kiểu tù mù, chung chung, thậm chí vô trách nhiệm…

Có lẽ, không thể né tránh mãi đòi hỏi chính đáng của ông bạn đồng minh Đông Nam Á, cũng là sự đền đáp lại ưu ái cho phép sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở những vị trí đắc địa vừa được Manila ban tặng, “Hướng dẫn phòng thủ song phương” dài 6 trang đã được nhất trí tại Washington ngày 3-5 đưa ra các điều khoản được coi là “rõ ràng” (?) về mức độ cam kết trong hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Philippines – là bản hướng dẫn đầu tiên sau 70 năm hiệp ước được ký kết. Truyền thông quốc tế cho biết, theo hướng dẫn mới nhất, hiệp ước phòng thủ chung sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công trên Biển Đông hoặc nếu các tàu tuần duyên bị tấn công. Hướng dẫn này cũng đề cập các hình thức chiến tranh hiện đại, bao gồm cả “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc sử dụng lâu nay nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn trên Biển Đông.

Có bao giờ cũng hơn không. Không phủ nhận có được Hướng dẫn là một thành công quan trọng, chứng tỏ tổng thống Ferdinand Marcos khôn hơn những người tiền nhiệm.

Nhưng Manila cũng cần nhớ rằng “mọi lý thuyết đều là màu xám…”. Hướng dẫn nói cho cùng là lý thuyết. Trung Quốc vốn láu cá, ma mãnh, luôn nghĩ ra vô vàn thủ đoạn để gây hấn với các đối thủ trên Biển Đông. Trong trường hợp đó, Hướng dẫn vừa đạt được liệu có thể bao gồm hết, nói cách khác, có “làm rõ” được hết các tình huống và thủ đoạn Trung Quốc cố tình tạo ra trong thực tế để “lách” bản Hướng dẫn Mỹ và Philippines vừa đạt được hay không?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới