Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgười Việt tiếp tay cho TQ đưa sinh vật ngoại lai vào...

Người Việt tiếp tay cho TQ đưa sinh vật ngoại lai vào Việt Nam

Bất chấp bị cấm nhập và buôn bán tại Việt Nam, tôm hùm đất Trung Quốc vẫn được rao bán với giá 500-600 nghìn đồng/kg. Khách mua tôm hùm đất được ship hàng tận cửa, hàng tươi sống có thể thả bể nuôi ăn dần.

Tôm hùm đất sống lại được rao bán nhiều tại thị trường Việt.


Tôm tươi sống ngày nào cũng về

Người tiêu dùng không còn quá xa lạ với con tôm hùm đất vô cùng nổi tiếng tại Trung Quốc. Loại tôm này chỉ nhỏ như con tôm sú, thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Những ngày gần đây, tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên “chợ mạng”, từ loại xông nhiệt cho tới tươi sống. Các đầu mối bán tôm hùm đất cho biết, hàng thường về theo ngày, khách lấy lẻ và lấy sỉ có giá khác nhau.

Trong vai một chủ một nhà hàng muốn nhập tôm hùm đất về chế biến các món ăn phục vụ thực khách, PV. VietNamNet liên hệ với một đầu mối tên Bùi Duy Thái (tên nhân vật được thay đổi) tại Hà Nội, hỏi giá các loại tôm hùm đất. Người này cho biết có 2 loại gồm: tôm sống (đang bơi) và tôm ngộp (tôm vừa chết).

“Hôm nay chỉ còn tôm ngộp giá 330.000 đồng/kg, tôm hùm đất sống đã hết hàng. Sáng mai tôm sống về có giá 590.000 đồng/kg”, anh Thái nói. Loại tôm hùm đất anh nhập về size 35-37 con/kg. Theo anh, đây là size tôm lớn nên giá cũng cao hơn thị trường.

Khi ngỏ ý lấy sỉ, anh Thái cho biết, lấy 10kg trở lên mỗi lần sẽ có giá 500.000 đồng/kg tôm sống. Hàng về theo ngày nên tôm đảm bảo sống khoẻ, mua về thả trong bể nước tôm sống được vài ngày.

Một đầu mối khác tên Nguyễn Thị Mai (ở Hà Nội) cũng cho biết, tôm hùm đất được nhập về từ Trung Quốc. Hiện, chị có loại tôm xông nhiệt và tôm sống. Với loại xông nhiệt có giá 300.000 đồng/kg, hàng lúc nào cũng có sẵn. Riêng loại tươi sống 2-3 ngày sẽ về một chuyến, chị bán với giá 500.000 đồng/kg.

Tôm hùm đất sống nhập về được các đầu mối bên Trung Quốc đóng sẵn vào từng túi lưới, sau đó cho vào thùng xốp có đá lạnh. Tôm về đến nơi đảm bảo sống khoẻ.

Theo chị, với hàng xông nhiệt hay được quán ăn chọn nhập về làm hàng vì giá rẻ hơn hàng sống. Còn người dân mua về ăn thường chọn tôm sống, bởi chất lượng thịt sẽ thơm ngọt hơn. Song, do là hàng sống nên rất ít khi có sẵn, đa phần khách mua phải đặt trước.

Thời điểm đầu năm 2019, loại tôm hùm đất Trung Quốc có đặc điểm 2 càng đỏ, thân màu đất đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Theo người bán, tôm hùm đất vẫn còn sống, mua về có thể thả nhốt ở bể một tuần mà không chết.

Giá loại tôm này trên thị trường khi đó khá rẻ, chỉ từ 200.000-230.000 đồng/kg nếu mua sỉ, còn mua lẻ giá dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg tuỳ loại. Một số đầu mối chuyên bán sỉ cũng tiết lộ, các khách là các nhà hàng ở Hà Nội, TP.HCM thường nhập tương đối nhiều vì đây đang là món đặc sản gây sốt trên thị trường, được nhiều người chuộng mua về ăn.

Hàng cấm buôn bán tại Việt Nam

Trao đổi với PV. VietNamNet về tình trạng buôn bán tôm hùm đất Trung Quốc trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Loại tôm này có tên trong Phụ lục 2 Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam – ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Vì vậy, để được nhập khẩu tôm hùm đất sống, người nhập khẩu phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép nhập khẩu theo quy định. Đến thời điểm này, Cục Thú y chưa hướng dẫn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống, ông nhấn mạnh.

Với tôm hùm đất đông lạnh, ông Long cho biết, theo quy định sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải bảo đảm điều kiện có nguồn gốc từ các cơ sở có trong Danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thủy sản vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; đồng thời phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng.

“Hiện nay, Cục Thú y không nhận được đề nghị kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất đông lạnh để làm thực phẩm”, ông khẳng định.

Năm 2019, tôm hùm đất từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam, xuất hiện la liệt trên thị trường. Bộ NN-PTNT khi đó phải gửi công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát.

Theo Bộ NN-PTNT, tôm hùm đất là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.

Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.

Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp. Bởi, tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến…

Khả năng thích nghi tốt với môi trường biến chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ở Việt Nam, rất nhiều loại sinh vật ngoại lai được nhập khẩu về để làm cảnh, sau bị phát tán ra môi trường và đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp tiêu diệt triệt để. Ví dụ như ốc bươu vàng, bèo tây, cây trinh nữ thân gỗ, cây bông ổi, cá dọn bể, sâu róm,…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới