Dấu hiệu “tan băng” trên thị trường địa ốc đã bắt đầu xuất hiện khi hàng loạt dự án bắt đầu khởi động, niềm tin của nhà đầu tư tăng nhiệt.
Các nút thắt được tháo gỡ
Thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, pháp lý dự án đã được Chính phủ liên tục có động thái tháo gỡ kể từ giữa năm 2022. Bước sang quý I, Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng TMCP bắt đầu công bố hạ lãi suất huy động. Bên cạnh đó, gói 120.000 tỷ đồng dành cho người mua NOXH cũng chính thức đi vào thực tế.
Về pháp lý dự án, tại Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ và các địa phương liên tục có động thái tháo gỡ điểm nghẽn về dự án, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: “Có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản”.
Đáng chú ý, tại TP.HCM, 116 dự án bất động sản cũng đã được gỡ vướng mắc. Một số dự án lớn của các doanh nghiệp địa ốc tại các tỉnh như Đồng Nai đang được gỡ vướng.
Nguồn vốn cơ bản được khơi thông, bài toán về cung bất động sản dần gỡ vướng, thị trường địa ốc đón lực đỡ từ dòng tiền ngoài. Cụ thể, các thương vụ mua bán, sáp nhập M&A và dòng tiền FDI gia tăng mạnh mẽ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD. Trong đó kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 766 triệu USD, chiếm 14,1%. Trong năm 2022, hoạt động M&A diễn ra khá sôi động, có những thương vụ M&A lên đến hàng chục triệu USD.
Các dự án rục rịch khởi động, niềm tin gây dựng
Trái với diễn biến thị trường trầm lắng ở thời điểm giữa và cuối năm 2022, đến hiện tại, nhiều dự án đã bắt đầu rục rịch khởi động trở lại. Tại Hà Nội, chủ đầu tư mạnh tay tổ chức chương trình trải nghiệm dự án, mở bán như khu căn hộ cao cấp Moonlight 1 (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), khu đô thị Vinhomes Smart City tiếp tục mở bán căn hộ tại toà Tonkin…
Tại các tỉnh, nhiều dự án bắt đầu kế hoạch truyền thông làm nóng thị trường. Tại Tuyên Quang, dự án Flamingo Tân Trào bắt đầu rục rịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hay tại Long An, dự án King Hill Residences (khu dân cư Đạt Thuận Phát) cũng khởi động chạy. Tại TP.HCM, nhiều dự án quay trở lại truyền thông đẩy mạnh nguồn hàng còn tồn hoặc mở bán dự án mới như dự án căn hộ cao cấp Elysian…
Theo nhận định Batdongsan, những động thái về chính sách của Chính phủ cho thấy sự chủ động và kì vọng phục hồi nhanh hơn so với chu kì trước. Dự báo tín hiệu đảo chiều sẽ bắt đầu ngay cuối 2023, chỉ bằng nửa thời gian phục hồi và đảo chiều so với giai đoạn khó khăn 2008 – 2013.
Trước đó, theo Báo cáo tâm lý đầu tư do Batdongsan.com công bố tháng 1/2023 có tới hơn 80% số người được khảo sát đang sở hữu bất động sản sẽ vẫn có ý định tiếp tục mua thêm trong năm 2023. Đặc biệt có 64% số người thu nhập trên 100 triệu/tháng cho biết sẽ mua thêm bất động sản.
Kết quả khảo sát này cho thấy, niềm tin xuống tiền vào bất động sản của các nhà đầu tư luôn giữ vững. Thực tế, một số nhà đầu tư cho thấy ngay cả trong giai đoạn thị trường bất động sản xấu nhất, thanh khoản bị “đóng băng” thì lĩnh vực chung cư, văn phòng cho thuê và căn hộ cho thuê vẫn “sống khỏe”.
“Theo sát diễn biến của thị trường, các nhà đầu tư sành sỏi cũng đang nghiêm túc suy xét, điều chuyển dòng tiền theo hướng có lợi nhất để đón đầu đà phục hồi trong tương lai. Lãi suất huy động tiền gửi giảm là chỉ dấu cho thấy trạng thái “bỏ trứng nhiều giỏ” cần được kích hoạt sớm. Trong đó bất động sản, với những dấu hiệu rõ rệt về sức phục hồi đang dần trở lại vị thế vốn có. Nhà đầu tư đang chờ thời điểm thích hợp và “săn tìm” dự án phù hợp để trở lại thị trường”, anh Nhật Thông, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 14 năm nhận định. “Thị trường đang bắt đầu rã băng và cơ hội đầu tư đã xuất hiện”.
T.P