Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ xoay trục, chuyển hướng đầu tư BRI từ cơ sở hạ...

TQ xoay trục, chuyển hướng đầu tư BRI từ cơ sở hạ tầng sang công nghệ

Sáng kiến “​​Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc đang chuyển từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn sang lĩnh vực công nghệ sinh học, trung tâm dữ liệu.

Trung tâm dữ liệu của chính phủ Senegal ở Diamniadio là dự án hợp tác với Trung Quốc, với các máy chủ do Huawei Technologies cung cấp.


Nikkei dẫn số liệu ghi nhận của fDi Market – bộ phận nghiên cứu của Financial Times, cho biết trong năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào công nghệ thông tin, truyền thông và linh kiện điện tử đạt tổng cộng 17,6 tỷ USD, gấp sáu lần so với năm 2013 – thời điểm Trung Quốc ra mắt sáng kiến ​​”Vành đai, Con đường” (BRI).

Trong các dự án về công nghệ thông tin mà Trung Quốc bơm tiền đầu tư theo sáng kiến BRI có trung tâm dữ liệu mới của Chính phủ Senegal. Dự án này hoàn thành vào năm 2021. Đây là cơ sở hợp tác giữa Chính phủ Senegal và Trung Quốc, với các máy chủ do Huawei Technologies cung cấp.

Cheikh Bakhoum – Tổng Giám đốc của Senegal Numerique, cơ quan nhà nước của Senegal quản lý cơ sở dữ liệu, cho biết trung tâm đã mang dữ liệu trở lại Senegal. Trước đó, dữ liệu của Chính phủ Senegal được lưu trữ trên các máy chủ nước ngoài do các công ty phương Tây điều hành. Điều này giúp giảm chi phí, cũng như đảm bảo chủ quyền về kỹ thuật số.

Senegal cũng đã lắp đặt một tuyến cáp quang biển và camera giám sát đô thị bằng tiền của Trung Quốc. Theo ông Cheikh Bakhoum, dữ liệu từ các camera được phân tích bằng phần mềm chuyên dụng.

“Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được phát triển trong nước này vào cuối những năm 2000”, Dai Mochinaga, Phó Giáo sư tại Viện Công nghệ Shibaura của Nhật Bản cho biết.

“Xu hướng này tăng mạnh vào khoảng năm 2013, khi Huawei mở rộng đầu tư ra nước ngoài”, ông Dai Mochinaga nói thêm.

Bên cạnh công nghệ thông tin, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh cho công nghệ sinh học. Trong giai đoạn 2013 – 2022, tăng trưởng ở lĩnh vực này tăng 29 lần, đạt 1,8 tỷ USD.

Trong đó, phát triển vaccine COVID-19 là ví dụ điển hình. Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2022, tiếp cận đến cả các quốc gia ở khu vực châu Âu.

Công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Bioscatics (Trung Quốc) đã cấp phép công nghệ phát triển vaccine sử dụng RNA thông tin (còn gọi mRNA) cho công ty khởi nghiệp Etana Biotechnologists (Indonesia). Công ty này hoàn thành cơ sở sản xuất vaccine vào năm ngoái, với mục tiêu sản xuất 100 triệu liều.

Sự chuyển hướng đầu tư của Trung Quốc sang lĩnh vực như công nghệ thông tin và công nghệ sinh học cũng đồng nghĩa với sự sụt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn thuộc sáng kiến BRI.

Đầu tư vào phát triển nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống 1% so với thập kỷ trước trong bối cảnh nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính. Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết không xây mới nhà máy điện than ở nước ngoài.

Chi tiêu cho các dự án liên quan đến kim loại như sản xuất nhôm, cũng đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2018.

Lý do một phần xuất phát từ việc đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học ít tốn kém hơn. Chi phí trung bình đầu tư cho mỗi dự án nhiên liệu hóa thạch là 760 triệu USD, khai thác mỏ là 160 triệu USD. Trong khi đó, chi phí trung bình đầu tư cho mỗi dự án công nghệ sinh học chỉ cần 60 triệu USD, còn dịch vụ công nghệ thông tin là 20 triệu USD.

Điều này có nghĩa là ít rủi ro hơn cho nước tiếp nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trung Quốc bị cáo buộc đẩy các nền kinh tế mới nổi vào “bẫy nợ”, khiến những nước nhận dự án phái gánh khoản nợ lớn, đồng thời giành quyền kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng như cảng biển khi quốc gia đó không thể trả nợ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới