Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVJA không chơi “game tài chính”

VJA không chơi “game tài chính”

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Vietjet diễn ra vào chiều ngày 26/04, Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo nói về hoạt động mua máy bay mà nhiều người lầm tưởng là “game tài chính”.

Trả lời cổ đông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Những năm trước, Vietjet có những khoản thu nhập từ bán tàu bay và ở bên ngoài không có thông tin về tình hình đặt hàng của Vietjet nên có đánh giá chưa chính xác về hoạt động đặc thù này của Vietjet, có thể tưởng đây là một “game” về tài chính.

Bà Thảo khẳng định, đây là một việc làm bình thường và giải thích: Vietjet đặt một số lượng lớn tàu bay và nhận trong thời gian dài theo kế hoạch. Khi đặt số lượng lớn với đối tác chiến lược, Vietjet nhận được điều kiện và giá mua phù hợp và tốt hơn thị trường. Với giá tốt hơn thị trường, khi chuyển nhượng, bán tàu bay này ra thì sẽ có chênh lệch. Chênh lệch này hoàn toàn chính đáng . Vietjet mua sỉ rồi bán lại theo giá thị trường và thu tiền thật sự. Nếu có điều kiện thuận lợi, Vietjet giữ lại tàu bay và thu xếp các nguồn tài chính dài hạn để sở hữu tàu bay.

Vietjet cũng có phương thức như thuê tài chính. Đây cũng là một dạng thuê mua, công ty sẽ thanh toán dần tiền thuê cho tới một kỳ nhất định thì sẽ sở hữu tàu bay.

Vietjet cũng có phương thức thuê vận hành, có thể bán tàu bay cho đối tác, nhưng sẽ thuê lại để vận hành. Vietjet bán giá thị trường và thuê lại theo giá thực ra khá tốt so với thị trường bởi lẽ, Vietjet có tàu bay tốt và đồng nhất mà đã được sản xuất và đặt hàng riêng cho Vietjet, với chủng loại mẫu mã tiên tiến và hiện đại.

Bà Phương Thảo nói thêm, đôi khi cũng nhận được thông tin đánh giá: Vietjet theo kế hoạch khai thác dự án có 100 tàu bay, vậy tại sao lại đặt tới 300-400 chiếc? Nữ Chủ tịch giải thích, tàu bay cũng có tuổi đời của nó, nếu muốn duy trì đội tàu bay mới thì có thể đặt tàu bay mới về và đưa những tàu bay cũ ra khỏi đội tàu. Nhờ vậy, đội tàu của Vietjet luôn trong trạng thái mới và hiện đại.

Về kế hoạch phát triển tàu bay năm 2023, đại diện Vietjet cho biết, đã đạt được những thỏa thuận có ý nghĩa với hai nhà cung cấp Airbus và Boeing về kế hoạch cung cấp tàu bay theo thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên, sau đại dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc giao máy bay cũng bị ảnh hưởng.

Tổng Giám đốc Đinh Việt Phương chia sẻ, kế hoạch phát triển của các hãng hàng không trên thế giới có đạt được hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc có được đảm bảo đủ số lượng tàu bay phục vụ cho nhu cầu khai thác thương mại hay không.

Trong năm 2020-2022, do tác động của đại dịch COVID-19 và địa chính trị, khả năng cung ứng tàu bay của hai nhà sản xuất lớn của Boeing và Airbus bị ảnh hưởng. Hai nhà sản xuất đều phải giảm số lượng sản xuất so với trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Thứ hai là sau đại dịch, nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế của nhiều quốc gia, nhất là châu Âu, Mỹ, Trung Đông và châu Á, tăng rất mạnh. Điều này dẫn tới nhu cầu sử dụng tàu bay của các hãng đều tăng.

Ông Phương khẳng định, Vietjet sẽ tiếp tục nhận tàu bay A330 theo đúng kế hoạch đặt ra để đảm bảo nhu cầu phát triển mạng bay cho các quốc gia và điểm đến xa hơn. Vietjet tiếp tục nhận tàu bay A321 trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Airbus và Boeing đã xác nhận các slot để giao tàu bay cho Vietjet theo đúng yêu cầu của công ty và nói thêm, điều này sẽ củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư và cổ đông về việc thực hiện được kế hoạch năm 2023.

Đại hội cổ đông Vietjet 2023 đã thông qua kế hoạch tăng đội tàu bay lên 87 chiếc (bao gồm đội tàu thân rộng Airbus A330 9 tàu), khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách. Từ nay đến tháng 6-2023, hãng tiếp tục mở rộng mạng bay với các đường bay quốc tế mới gồm Phú Quốc – Hongkong, Đà Nẵng – Hongkong, TP.HCM – Brisbane (Úc).

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Đại hội cổ đông đặt mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường về số lượng hành khách vận chuyển và hiệu quả; đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất tàu bay Airbus, Boeing, đảm bảo giao nhận máy bay đúng tiến độ; mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ: dịch vụ mặt đất, dịch vụ đào tạo, kinh doanh số; tối ưu hóa hoạt động vận hành, các giải pháp tài chính để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Kế hoạch doanh thu hợp nhất cho năm 2023 là trên 50.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng.

Trong quý I năm nay, Vietjet đã mở mới 10 đường bay (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế) và khai thác 31,3 nghìn chuyến bay, vận chuyển 5,4 triệu lượt hành khách (tăng 57% và 75% so với quý 1/2022), trong đó vận tải hành khách quốc tế đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách, chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.

3 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu vận chuyển hàng không 12.880 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 168 tỉ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so với cùng kỳ năm 2022.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới