Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiden muốn “làm lành” với TQ

Biden muốn “làm lành” với TQ

Tòa Bạch Ốc mong muốn khôi phục các kênh đối thoại thường xuyên với Bắc Kinh. Vài tháng trước, khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua không phận Hoa Kỳ, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hủy chuyến công du tới Trung Quốc vào đầu tháng 2 và làm quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nusa Dua, trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, ngày 14/11/2022.

Washington có kế hoạch bắt đầu khôi phục đối thoại ở cấp nội các, hy vọng điều này sẽ giúp nối lại các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Tập Cận Bình.

Trong gần hai tháng qua, để nối lại đối thoại kinh tế, Washington và Bắc Kinh đã thảo luận về chuyến đi tiềm năng tới Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby xác nhận rằng chính quyền Mỹ vẫn đang đàm phán với Trung Quốc về một chuyến đi của hai vị bộ trưởng. Trong chuyến đi, họ sẽ thảo luận với Bắc Kinh về các vấn đề thương mại và kinh tế.

“Tổng thống coi mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chiến lược. Ông ấy cũng tin rằng Hoa Kỳ đang ở vị thế tuyệt vời để thành công trong cuộc cạnh tranh đó”, ông Kirby nói với The Epoch Times. “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và chúng tôi muốn giữ cho các đường dây liên lạc luôn hoạt động”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ mong muốn sớm đến thăm Trung Quốc.

Ông nói với The Washington Post vào ngày 03/05: “Tôi nghĩ điều quan trọng là … chúng ta phải thiết lập lại các đường dây liên lạc thường xuyên ở tất cả các cấp và trong chính phủ của chúng ta”.

Ông tuyên bố rằng chính quyền Biden rất muốn đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước sẽ “không dẫn đến xung đột”.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở California (Mỹ) vào đầu tháng 4, sau đó là các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, đã làm xấu thêm quan hệ Mỹ – Trung.

Ngày 17/04, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ buộc tội hai cá nhân vì họ đã thay mặt cho Bắc Kinh để điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở khu phố Tàu tại Manhattan. Vụ việc khiến Washington tức giận. Tòa Bạch Ốc đã chỉ trích Bắc Kinh vì các hoạt động ác ý của họ trên đất Mỹ.

“Loại hành vi đó là không thể chấp nhận được”, ông Kirby nói.

Bất chấp căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai nước, Tổng thống Biden được cho là đang sắp xếp tham gia một hội nghị thượng đỉnh khác cùng với ông Tập; nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra lạnh nhạt về ý tưởng này. Cả hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần cuối vào ngày 14/11/2022 tại Bali, Indonesia, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.

“Tại thời điểm này, ông Tập thậm chí không nhận một cuộc điện thoại nào từ tổng thống Mỹ”, ông Josh Rogin, cây viết của tờ Washington Post, đã nhận xét như vậy trong một bài báo gần đây.

Ông Rogin lập luận rằng việc Tổng thống Biden theo đuổi chính sách ngoại giao kinh tế là rất rủi ro và sẽ chẳng dẫn đến đâu.

“Tìm kiếm đối thoại như vậy có ý nghĩa về mặt chính trị, nhưng nó làm giảm nhẹ áp lực mà Hoa Kỳ áp lên Trung Quốc mà không giúp Hoa Kỳ đạt được lợi ích thực sự”.

Khi được hỏi tại sao chính quyền Biden vẫn theo đuổi một cuộc gặp với Trung Quốc, ông Kirby nói rằng điều cần thiết là giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Ông nói: “Hãy nhìn xem, mối quan hệ Mỹ -Trung là mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất trên thế giới”. Theo ông, nguyên nhân của sức ảnh hưởng đó bắt nguồn từ các vấn đề kinh tế và thương mại hơn là các mối lo ngại về an ninh.

“Đó là lý do tại sao việc đưa Ngoại trưởng Blinken đến Bắc Kinh là rất quan trọng. Đó là lý do tại sao việc để các Bộ trưởng Yellen và Raimondo đến đó để bàn về những vấn đề này là rất quan trọng. Chính vì chúng tôi không đồng tình về mọi thứ với người Trung Quốc nên chúng tôi muốn tiếp tục nói chuyện với họ”.

Tháng trước, các quan chức của Bộ Thương mại Mỹ đã tới Bắc Kinh và Thượng Hải để đặt nền móng cho một chuyến đi của Bộ trưởng Raimondo.

Vào tháng 4, bà Yellen cũng cho biết bà hy vọng sẽ đến Bắc Kinh “vào thời điểm thích hợp”.

“Mong muốn của tôi là tham gia một cuộc đối thoại quan trọng và thực chất về các vấn đề kinh tế với người đồng cấp mới của chính quyền Trung Quốc”, bà nói trong bài phát biểu về mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung tại Đại học Johns Hopkins.

Trong một bài phát biểu gần đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã nêu bật những thách thức mà ông phải đối mặt khi làm tan băng mối quan hệ với Bắc Kinh.

“Những gì chúng tôi thực sự cần là sự tham gia rộng rãi hơn ở cấp nội các, và Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho điều đó”, ông Burns nói vào ngày 02/05 tại một sự kiện của Trung tâm Stimson.

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng chính quyền ở đây cũng sẽ sẵn sàng. Và tại thời điểm này, thật khó để tôi dự đoán khi nào việc nối lại [các kênh] tương tác sẽ diễn ra, nhưng chúng tôi chưa bao giờ ủng hộ việc đóng băng mối quan hệ này”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới