Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Gác tranh chấp, cùng khai thác”, bẫy hiểm?

“Gác tranh chấp, cùng khai thác”, bẫy hiểm?

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra khái niệm “Gác tranh chấp, cùng khai thác”. Sau Đặng, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì quan điểm khôn ngoan này.

Tại sao không là “cùng khai thác chung”? Nếu theo khái niệm này thì Biển Đông là của chung, quốc gia nào cũng có thể khai thác khoáng sản, hải sản, nhất là nguồn lợi dầu khí khổng lồ. Nhưng Trung Quốc đã đặt ở đây một cái bẫy hiểm. Tức là, có những vùng đặc quyền kinh tế trên biển thuộc về các nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép. Nếu công nhận “gác tranh chấp” vô hình trung đã thừa nhận vùng biển đó thuộc về Trung Quốc.

Hiểu thấu tâm can ông bạn vàng nhiều mưu kế cho nên suốt mấy chục năm qua không một quốc gia nào chấp nhận cụm từ “gác tranh chấp, cùng khai thác” và chưa hề ký kết bất cứ điều gì để có thể “khai thác chung”. Cuộc đấu trí sang đến đầu thế kỷ XXI vẫn tiếp tục căng thẳng.

Mới đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines đã đề cập đến việc tìm giải pháp giải quyết các bất đồng trên biển, mà tránh nhắc tới việc gác lại các tranh chấp lâu nay. Hôm 1/5, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết, Trung Quốc đã đồng ý thảo luận với Philippines về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông. Cụ thể, hôm 22/4 , trong chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tới Manila, ông Tần cam kết “sẽ cùng nhau giải quyết các bất đồng về vùng biển mà hai nước đều có những yêu sách chủ quyền”.

Còn ở Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim phát biểu trước Quốc hội hôm 3/4, đã tuyên bố: Tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở Biển Đông. Và, Malaysia “sẵn sàng thương lượng về các mối quan ngại của Trung Quốc về những hoạt động này”.

Dẫu Philippines và Malaysia chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà chịu nhún. Hai nước ở thế yếu hơn so với Trung Quốc, chấp nhận đàm phán nhưng tránh không sa vào bẫy của Bắc Kinh.

Về nội dung “khai thác chung” xin nhắc lại rằng, nó khác rất xa “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã kiên trì quan điểm này, đồng thời sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự để đe dọa. Các đội tàu của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Philippines…

Thực hiện chiến lược quen thuộc của nước lớn là “cây gậy và củ cà rốt”, Bắc Kinh vừa đe dọa, trừng phạt, vừa nhử mồi ngon ngọt, kêu gọi các quốc gia khai thác chung.

Không phải bẫy hiểm của Trung Quốc không có lúc sắp săn được con mồi. Năm 2016, Tổng thống Philippines R. Duterte đã có những động thái tiến gần Trung Quốc và quay lưng với Mỹ. Ông muốn giành những lợi thế kinh tế từ Trung Quốc, chấp nhận những điều mà Trung Quốc yêu cầu. Hai nước đã ký một số thỏa thuận về khai thác chung, nhưng cho đến nay các thỏa thuận vẫn nằm trên giấy, chưa hề có kết quả cụ thể nào.

Ông Duterte trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, đã buộc phải hủy bỏ tất cả những tuyên bố của mình về khai thác chung với Trung Quốc. Ông đã vỡ mộng khi thấy Trung Quốc hứa hẹn rất nhiều, hứa đầu tư hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế Philippines, nhưng trên thực tế thì không đáng bao nhiêu.

Đầu năm 2023, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Thăm Trung Quốc. Ông và chủ tịch Tập Cận Bình đã có một tuyên bố chung, trong đó có nhắc đến “khai thác chung”. Cũng mới chỉ xới xáo như vậy nhưng kế hoạch đã rơi vào đại bại, khi Tòa án Tối cao Philippines ra một quyết định cứng rắn. Quyết định này thật thuyết phục khi nêu rõ: Thỏa thuận ba bên (JSMU) – được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) và Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC) -ký từ 2005, đã hết hiệu lực từ năm 2007. Có tới 15 năm không ra tuyên bố, vậy tại sao khi Marcos “con” đi Trung Quốc trở về, lại tuyên bố sẵn sàng “khai thác chung”? Như vậy, thỏa thuận ba bên thăm dò địa chấn ở Biển Đông trở nên “vô hiệu”.

Phán quyết của Tòa án Philippines được xem như sự bác bỏ quyết định khai thác chung của tổng thống Marcos Jr. Nếu tổng thống ký các thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc sẽ là “vi hiến”.

Trung Quốc cũng thường xuyên tìm cách gây sức ép để Việt Nam chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nhưng cho tới nay, Hà Nội chỉ chấp nhận thương lượng dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC-1982). Trong khi Việt Nam kiên trì chủ trương dựa trên UNCLOC thì Trung Quốc lại muốn lấy “Đường lưỡi bò” làm… tiêu chí (!), mặc dù cái “lưỡi” ấy đã bị Tòa án quốc tế PCA ở Lahaye “cắt” phăng từ năm 2016.

Trong quan hệ giữa hai nước Trung -Việt không chỉ có vấn đề Biển Đông, mà có quá nhiều thứ Bắc Kinh muốn ép Hà Nội “gác tranh chấp”. Nhưng đó là câu chuyện dài. Khi thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cùng với đồng nhiệm Trung Quốc ra tuyên bố chung, trong đó có một phần bao gồm “bốn điểm liên quan đến Biển Đông”. Ở điểm ba, hai nhà lãnh đạo “nhất trí thúc đẩy bàn bạc về hợp tác phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất”.

Hai ông cũng thống nhất rằng, trước mắt Việt Nam và Trung Quốc sẽ chỉ nhất trí đàm phán về các biện pháp giải quyết “mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên”. Bước quá độ ấy sẽ kéo dài bao lâu? Câu trả lời là: “cùng tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”.

Thế là “cái bẫy” vẫn giương ra. Và miếng pho mát miễn phí của Bắc Kinh vẫn chưa có con mồi nào động tới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới