Hai tuần trước khai mạc SEA Games 32, Campuchia tuyên bố miễn phí ăn, chỗ ở, di chuyển cho tất cả các đoàn vận động viên tham dự. Cú “chơi trội” này khiến dư luận hết sức ngạc nhiên và bất ngờ.
Ai chẳng biết, trong ASEAN, Campuchia là quốc gia nghèo, xếp cùng nhóm với Lào, Myanmar. Lẽ thường, “nhà có điều kiện” thì mới hào phóng; còn khó khăn thì phải tính toán, chắt chiu từng đồng, từng hào. Vậy mà Campuchia lần này, trong vai trò nước chủ nhà SEA Games 32 lại bỗng dưng làm cú “chơi trội”?
Nhiều người còn nhớ năm 2017, nghĩa là 4 năm sau khi Campuchia đăng ký đăng cai SEA Games 32, rồi được Liên đoàn SEA Games gật đầu chọn làm chủ nhà vào năm 2016, trái với sự nôn nóng, vồ vập, hồ hởi của nhiều người, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng “dội gáo nước lạnh” với tuyên bố trên Khmer Times – tờ báo lớn của xứ Chùa Tháp: “Nếu muốn tổ chức SEA Games, chúng tôi phải chi hàng triệu USD để xây dựng địa điểm thi đấu và ăn ở cho vận động viên. Chúng tôi thà dùng ngân sách đó để xây đường xá, cầu cống còn hơn”.
Thông cảm cho ông Hun Sen đi. Có thể hiểu được tại sao nhà lãnh đạo Campuchia lại thành ra một người thực dụng đến thế. Thời điểm đó, các cơ quan chức năng Campuchia đã tính sơ sơ, nước này sẽ phải tốn 200 triệu USD để có tổ chức thành công được SEA Games 32.
200 triệu USD – con số đó là lớn hay nhỏ? Quá nhỏ so với nước giàu. Nhưng với Campuchia, thì là lớn. Lớn vì theo Ngân hàng thế giới (WB), GDP năm 2021 của Campuchia chỉ là 27 tỉ USD; như vậy chi phí cho SEA Games 32 chiếm 0,74 con số trên. Trong khi đó SEA Games 31 tại Việt Nam chi phí 51 triệu USD, chỉ chiếm 0.014 GDP (Việt Nam không phải đầu tư nhiều vào cơ sở thi đấu vì đã có sẵn) của Việt Nam mà nhiều người đã kêu tốn.
Đó cũng là lý do, sau tuyên bố trên, có người từng trách ông Hun Sen là nhà lãnh đạo “bủn xỉn”. Họ cũng đồng thời lo ngại rằng chính phủ nước này sẽ lệnh cho các cơ quan chức năng cân nhắc, tính toán lại mọi sự, từ đó nghi ngờ Campuchia sẽ gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị.
Tuy nhiên sau đó, với việc không những không bàn đi tính lại về việc có/không thành quốc gia chủ nhà SEA Games 32, mà còn triển khai ráo riết, bảo đảm tiến độ, chất lượng cho tổ chức SEA Games 32, người Campuchia đã đã xua đi tất cả những lời hoài nghi về quyết tâm cùng năng lực tổ chức một sự kiện thể thao lớn của khu vực.
Chưa hết, hai tuần trước khai mạc SEA Games 32, Campuchia bất ngờ miễn phí ăn, chỗ ở, di chuyển cho tất cả các đoàn vận động viên tham dự. Cú “chơi trội” này khiến dư luận bất ngờ. Bất ngờ bởi với số lượng vận động viên tham dự tới 10 nghìn người, ước tính, phải chi hơn 500.000 USD/ngày để đài thọ cho các đoàn vận động viên nước ngoài đến tham dự sự kiện, ông chủ nhà hào phóng Campuchia sẽ “thiệt hại” một số tiền lớn bù đắp vào khoản kinh phí chi ra cho SEA Games 32.
Chừng như lường tới việc dư luận sẽ đay lại tuyên bố tủn mủn của mình hơn 4 năm trước, đích thân ông Hun Sen đăng đàn. Khác hẳn 4 năm trước, lần này, ông Hun Sen rặt giọng “trên tiền”: “Chúng tôi không cần tiền từ việc bán vé hay các hình thức quảng cáo. Chúng tôi cần một thứ to tát hơn, đó là thế giới thừa nhận Campuchia, biết về Campuchia”.
Với những gì đã diễn ra: một lễ khai mạc hoành tráng, bản sắc, ấn tượng; công tác tổ chức tươm tất, chu đáo; không xảy ra sự cố; miễn phí, miễn vé xem một số môn thi đấu…cùng thành tích ấn tượng những ngày thi đấu đầu tiên của Đoàn nhà, Campuchia quả thật đã gặt hái nhiều nhiều về hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Điều đó cho thấy, ông Hun Sen thực sự là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa khi dốc sức vào cuộc chơi lớn.
Vậy mà nhiều người vẫn lăn tăn: liệu có gì đằng sau cú “chơi trội” nêu trên? Căn cứ nào để một người vừa than thân trách phận nghèo, nay bỗng chơi sang, vung tiền như tỷ phú?
Hóa ra, đằng sau câu chuyện miễn phí bất ngờ này liên quan đến ông bạn Trung Quốc.
Bắc Kinh với Phnom Penh thân thiết thế nào, ai chẳng biết. Họ biết vai trò Campuchia trong việc cố tình ngăn chặn Hội nghị Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 ở Phnom Penh năm 2012 ra tuyên bố chung vì liên quan vấn đề Biển Đông. Họ biết năm 2016, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia thành viên ASEAN sau Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc, cũng Campuchia chưa ai, đã phản đối Hội nghị đề cập tới phán quyết này trong tuyên bố chung.
Gần đây, dư luận cũng biết chuyện quân cảng Ream của Campuchia có thể trở thành một phần quan trọng trong “chuỗi ngọc trai” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, làm bàn đạp quân sự ra thế giới…
Tất cả đã nói lên quan hệ mang tính “ân oán giang hồ” giữa Bắc Kinh và Phnom Penh. Thế nên, khi Campuchia tổ chức SEA Games 32 kêu khó, lẽ nào Trung Quốc lặng thinh. Con số chính thức: Trung Quốc đã tài trợ toàn bộ kinh phí 160 triệu USD xây dựng tổ hợp thể thao Morodok.
Nhưng như câu của người Việt Nam “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, năm 2009, khi Lào đăng cai SEA Games 25, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã tài trợ 100 triệu đô la cho Vientiane để xây dựng khu vực sân vận động chính. Đổi lại sau đó, nhà thầu Trung Quốc được Lào cấp 1.600 hécta “đất vàng” gần khu vực Tháp That Luang, biểu tượng của xứ Lào, ngay trung tâm thủ đô Vientiane, để xây dựng một khu phố người Hoa (Chinatown), gồm 50.000 dân.
Lần này, với số tiền tài trợ cho Campuchia còn lớn hơn nhiều, không ít người đang đặt ra câu hỏi, khi SEA Games 32 kết thúc, liệu có thể thêm một Chinatown sừng sững, bề thế tại trung tâm thủ đô Phnom Penh hay không?
T.V