Wednesday, January 1, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMạng xã hội “trói buộc” người dùng như thế nào?

Mạng xã hội “trói buộc” người dùng như thế nào?

Khi cuộc sống đang được chuyển dần lên mạng internet, các công ty công nghệ có thể “vẽ” được chân dung chi tiết về mỗi cá nhân: thích gì, xem gì hay có cảm xúc như thế nào với mỗi loại nội dung.

Thống kê người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.


Theo thống kê mới nhất của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu) Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, trung bình mỗi ngày sử dụng internet khoảng 7 giờ, với nhiều hoạt động giải trí, kết nối xã hội, mua sắm trước đây chỉ được thực hiện trong đời thực (offline) nay đã chuyển sang trực tuyến (online).

Mạng xã hội – nơi dễ dàng thu thập thông tin người dùng

Trong thời đại dữ liệu là một loại “dầu mỏ” mới thì các hoạt động online mang lại nguồn tài nguyên vô tận cho các công ty công nghệ dõi theo từng đường đi nước bước của người dùng. Các công ty công nghệ có thể vẽ được chân dung chi tiết về mỗi cá nhân: thích nghe gì, xem gì, có cảm xúc như thế nào khi đọc từng loại tin tức, từ đó gợi ý cho chúng ta xem những nội dung tương tự luân phiên nhau. Song, đằng sau những gợi ý đó chính là các thuật toán với cơ chế “thao túng” cảm xúc và hành vi người dùng.

Giới chuyên gia nhận định, mạng xã hội là một nơi rất dễ dàng để thu thập thông tin.

“Ban đầu khi đăng ký tài khoản, chúng ta đã chủ động cung cấp cho các nền tảng những thông tin cá nhân về nhân khẩu học (như giới tính, chủng tộc, tuổi tác, ngôn ngữ, vị trí địa lý) và các chủ đề quan tâm. Trong suốt quá trình sử dụng mạng xã hội, chúng ta cũng tạo ra dữ liệu cho các nền tảng hiểu mình hơn – chẳng hạn như đăng bài (nội dung, hình ảnh, video, hashtag, thời gian đăng, khoe với bạn bè rằng bạn đang ở đâu, đang làm gì…) hoặc tương tác với bài đăng của người khác”, chuyên gia khoa học dữ liệu Đặng Văn Quân phân tích.

Bên cạnh đó, khi cài đặt ứng dụng, người dùng cũng đã cấp quyền để các nền tảng này liên tục truy cập và thu thập thông tin từ thiết bị lên mạng, ví dụ như bộ nhớ, thư viện ảnh, danh bạ điện thoại, wifi, …

“Tất cả những dữ liệu cá nhân này sẽ được mã hóa thành một vector dữ liệu mà máy có thể hiểu được. Các vector liên tục được tính toán lại mỗi giờ, mỗi ngày do thói quen, sở thích người dùng có thể thay đổi. Các bài đăng cũng sẽ được mã hóa thành các vector. Một mô hình học máy sẽ so sánh các vector chứa thông tin người dùng với các vector chứa thông tin bài đăng để dự đoán ra bài đăng nào có thể được người dùng quan tâm trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Dữ liệu càng chi tiết thì việc dự đoán càng chính xác”, ông Quân cho hay.

Thực tế, các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok hay Youtube đều có những mô hình gợi ý hoặc xếp hạng bài đăng khác nhau để quyết định xem thông tin nào cuối cùng sẽ đến tay người dùng.

Việc bị thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân có tính hai mặt. Mặt lợi là người dùng sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi được gợi ý những bài đăng mà mình yêu thích và kết bạn với những người mới cùng sở thích. Đồng thời, tiếp cận quảng cáo sản phẩm phù hợp sở thích.

Mặt trái là người dùng dễ bị nghiện và dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Khi sở thích, nhu cầu được đáp ứng một cách dễ dàng, dẫn đến nguy cơ người dùng thiếu kiểm soát cả về nhu cầu giải trí, mua sắm. Hoặc con người dễ thay đổi theo chiều hướng xấu khi liên tục tiếp xúc với thông tin 1 chiều…

Mạng xã hội đang lạm dụng dữ liệu cá nhân người dùng

Còn theo chuyên gia học máy Trần Hữu Nhân, nhìn từ góc độ luật pháp, khi các mạng xã hội sử dụng thông tin để làm lợi cho họ thì người dùng là nạn nhân.

“Khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, chúng ta sẽ ấn “I agree” và thường không đọc thỏa thuận người dùng, bởi lẽ chúng dài nhiều trang, hoặc dẫn link nên người dùng không rõ các mạng xã hội hay công ty công nghệ đứng đằng sau mạng xã hội sẽ được phép dùng những thông tin gì, vào lúc nào, cho mục tiêu gì. Thậm chí, chúng ta có thể đã đồng ý cho họ dùng thông tin cá nhân của mình. Nói cách khác chúng ta đã vô tình cung cấp thông tin cho bên thứ 3”, ông Nhân bày tỏ.

Các mạng xã hội cho phép người dùng kết nối với nhau, nền tảng tưởng như được cung cấp miễn phí nhưng thực ra là doanh nghiệp lấy dữ liệu người dùng để bán hàng kiếm lợi nhuận.

“Vấn đề ở đây là khi lấy được thông tin thì người sở hữu những thông tin đó là ai? Là cá nhân người dùng hay các doanh nghiệp sở hữu nền tảng? Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền riêng tư của cá nhân. Nghị định mới nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho thấy thông tin cá nhân của người Việt Nam là của người Việt. Nhìn từ góc độ luật pháp, nếu một doanh nghiệp hoặc tổ chức lấy dữ liệu cá nhân để phục vụ cho việc kinh doanh hoặc vận hành bộ máy của họ mà không được sự đồng ý rõ ràng của người dùng nghĩa là người dùng đang là nạn nhân”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, các mạng xã hội là miễn phí và đem lại sự kết nối tiện nghi cho mọi người. Nhưng để vận hành một mạng xã hội cần rất nhiều hệ thống, con người và tiền bạc. Các công ty công nghệ đứng sau mạng xã hội là doanh nghiệp, họ cần lợi nhuận. Họ phải sử dụng dữ liệu người dùng để bán quảng cáo, hướng người mua tới những bên thứ ba cung cấp sản phẩm, hoặc triển khai nhiều mô hình kinh doanh khác.

Điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân là hãy tự bảo vệ dữ liệu của mình. Học được cách phân loại những thông tin nào có thể chia sẻ lên mạng xã hội và những thông tin nào không, biết được cách trao quyền hoặc rút lại các quyền về dữ liệu khi cần thiết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới