Saturday, November 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThảm kịch “bán tài sản” ở nhiều DN Việt

Thảm kịch “bán tài sản” ở nhiều DN Việt

Phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 9/5, được nhiều báo trích dẫn. Trong đó, ông đề cập đến tình trạng “nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, đấy là việc rất đáng lo ngại và bán có 50% giá thực. Người mua là ai, người mua toàn là nước ngoài”.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán tài sản cho nước ngoài

Theo Bộ trưởng, câu chuyện trên đã được “cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ cho nền kinh tế”.

Phát biểu của lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư đặt trong bối cảnh những khó khăn của doanh nghiệp và giải pháp cần thiết, cả về tín dụng lẫn cải cách môi trường kinh doanh, cắt giảm giấy phép con, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức…

Tuy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không nêu “doanh nghiệp lớn” và “tài sản” đã bán cụ thể là gì, tuy nhiên qua tường thuật của báo chí và bình luận mạng xã hội cho thấy dư luận rất chú ý đến cảnh báo của Bộ trưởng.

Nhìn chung có hai luồng ý kiến về vấn đề này.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng mua bán, sáp nhập (M&A) là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. Không phải bây giờ mà nhiều năm nay các tập đoàn nước ngoài đã M&A doanh nghiệp trong nước, thương vụ điển hình là Beverage (ThaiBev đứng sau) chi 4,8 tỷ USD mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco… Vì vậy, không nên quá lo lắng về thị trường M&A mà thực ra đây là tín hiệu tích cực vì “nước ngoài đánh giá tốt về triển vọng kinh tế của chúng ta cũng như giá trị tài sản thì họ mới mua”. Suy cho cùng tài sản đó ở trên đất nước chúng ta, tạo công ăn việc làm và đóng thuế ngân sách, thì nước ngoài mua đâu có đáng lo.

Nhóm ý kiến thứ hai đưa ra góc nhìn thận trọng hơn, cho rằng nguy cơ ở đây là có những mảng kinh tế trọng yếu của đất nước mà chúng ta “cần phải giữ” có thể bị nước ngoài thâu tóm thông qua mua bán, sáp nhập.

Cách đây một tháng, trên trang cá nhân của mình, tôi cũng đã đề cập đến chuyện một tập đoàn kinh tế lớn trong nước đang phải bán dần tài sản là các mảng kinh doanh của tập đoàn. Tôi cho rằng cảnh báo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là đáng lưu ý. Nhìn ra nước ngoài, chúng ta sẽ thấy rằng tuy họ vận hành kinh tế thị trường thông thoáng nhưng không phải nước ngoài muốn mua tài sản nào trong nước cũng được. Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã ban hành sắc lệnh ngăn chặn việc Broadcom – công ty có trụ sở ở Singapore, mua lại Qualcomm, nhà sản xuất chip di động hàng đầu của Mỹ.

Mới đây, khi Credit Suisse – ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ, gặp khó khăn thì Chính phủ nước này đã can thiệp để ngân hàng lớn nhất của họ là UBS mua lại. Thông báo về việc UBS tiếp quản Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết cuộc giải cứu này sẽ “đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ”. Có thể thấy việc chính phủ can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia, nhất là đối với các tập đoàn lớn, là hết sức bình thường.

Chúng ta đều hiểu rằng tài sản của các doanh nghiệp lớn trong nước không hình thành một cách tự nhiên, mà phải qua quá trình tích lũy có sự hỗ trợ (theo quy định pháp luật) của nhà nước và ủng hộ của thị trường (khách hàng là người dân trong nước). Vì vậy tài sản đó tất nhiên thuộc về một doanh nghiệp cụ thể nhưng cũng là nguồn lực của đất nước. Và có những nguồn lực vừa quan trọng lại vừa hữu hạn.

Vì vậy, tôi cho rằng có những tài sản thay vì để cho nước ngoài thâu tóm trong lúc khó khăn này thì chúng ta nên xem xét đến giải pháp là chia nhỏ, rồi thực hiện theo quy luật kinh tế, mảng nào không xoay chuyển được thì cho phá sản, mảng nào còn tốt sẽ tách ra độc lập, hoặc chuyển sở hữu cho các tập đoàn Việt Nam khác có năng lực để họ tiếp tục quản lý.

Với giải pháp này, nhiều mảng kinh doanh vẫn có thể tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam, và tài sản hữu hình, vô hình ấy vẫn là sở hữu của Việt Nam.

Cách làm này được gọi là “tái cấu trúc”. Kinh tế thuận lợi hay khó khăn thường theo chu kỳ, nếu vì chu kỳ khó khăn hiện nay mà để doanh nghiệp lớn trong nước phải bán rẻ tài sản quan trọng thì rất không nên, bởi vì đến lúc thuận lợi chúng ta muốn xây dựng lại không dễ dàng, thậm chí là không thể. “Tái cấu trúc” là một cách để giữ lại tài sản tốt hiện tại và chuẩn bị cho tương lai phát triển.

Còn nếu chúng ta cứ để mặc cho việc thâu tóm diễn ra thì sao? Hệ lụy của việc bán cho nước ngoài một tài sản, nhất là tài sản có giá trị lớn, không đơn giản như là một trường hợp M&A bình thường như nhiều người nghĩ. Bởi một cơ sở sản xuất kinh doanh lớn thường là một phần trong hệ sinh thái bao gồm nhiều thành phần khác nhau tham gia.

Việc một cơ sở sản xuất – kinh doanh quan trọng chuyển sở hữu có thể kéo theo việc thay đổi các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư nguyên liệu từ trong nước ra nước ngoài, dẫn đến giảm sản lượng trong nước, mất việc làm trong nước, tăng sản lượng và việc làm ở nước ngoài. Tức là giảm lợi thế cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước, chuyển lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nước ngoài.

Nếu tài sản là một chuỗi bán lẻ chẳng hạn, thì việc chuyển sở hữu ra nước ngoài có thể sẽ kéo theo hệ lụy bất lợi cho cả ngành sản xuất. Vì người sở hữu chuỗi bán lẻ mới đương nhiên sẽ ưu tiên, ưu đãi nhiều hơn cho các nhà cung cấp, các thương hiệu quen thuộc trong hệ sinh thái của họ từ nước ngoài. Dẫn đến các nhà sản xuất trong nước sẽ mất cơ hội kinh doanh, hoặc chí ít là không còn cơ hội kinh doanh thuận tiện như trước, như khi chuỗi bán lẻ ấy còn thuộc sở hữu trong nước.

Đó là mới là nhìn theo góc độ kinh tế đơn thuần, còn những vấn đề khác cũng đòi hỏi thận trọng từ góc độ xã hội. Mong rằng sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta sẽ có những hành động cần thiết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới