Mùa thu năm 1952, hai điệp viên của Mỹ lên máy bay C47 của Mỹ ở Triều Tiên đi Mãn Châu (Trung Quốc). Nhiệm vụ của hai điệp viên này là cứu một điệp viên khác bị mắc kẹt ở Trung Quốc đã nhiều tháng.
Hai điệp viên và viên phi công không dùng vỏ bọc và không có kế hoạch thoát hiểm cụ thể nào. Họ chỉ nói được rất ít tiếng Quan hoả. Trong màn đêm trăng đầy, máy bay C47 tiến đến địa điểm giải cứu và bị lực lượng mặt đất bắn lên dữ dội. Máy bay bị rơi, làm phi công bị chết và cả hai điệp viên đều bị bắt. Hai điệp viên là John Downey và Richard Fecteau bị tù hơn 20 năm. Fecteau được tha năm 1971 và Downey được tha năm 1973 nhờ cố gắng của Nixon, Henry Kissinger và mẹ của Downey. Mẹ của Downey đã đến Trung Quốc thăm con năm lần.
Việc giải cứu thất bại, tuy nhiên câu chuyện này cho chúng ta thấy thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian đó. Cho rằng Trung Quốc sẽ câu kết với Liên Xô sau khi giành được chính quyền, Mỹ không quan tâm gì đến Trung Quốc. Thậm chí Tổng thống Mỹ Eisenhower và các thành viên khác của chính quyền không chịu tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được quyền, kết quả là các chính sách không thể thực hiện được của Mỹ với đối thủ Mỹ kiên quyết chống.
Câu chuyện về cuộc giải cứu thất bại làm cho chúng ta hiểu thái độ của Mỹ với Trung Quốc trong giai đoạn đó và liên quan đến giai đoạn hiện nay khi quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Câu chuyện này cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi ý thức hệ quan trọng hơn phương thức ra quyết định hợp lý và khi người quyết định chính sách lại hành động phi lý trước kẻ thù mà mình không hiểu hết.
Theo nhiều nhà phân tích, chuyến giải cứu của Downey và Fecteau là một trong những hoạt động “lực lượng thứ ba” của CIA trong chiến tranh Triều Tiên. Ý tưởng về “lực lượng thứ ba” rất thịnh hành trong giới quan chức Mỹ cho rằng người lãnh đạo Trung Quốc không phải là cộng sản thực thụ nhưng cũng không phải toàn quyền theo chủ nghĩa dân tộc mà là người theo xu hướng trung tâm. Theo chính quyền Mỹ thì ủng hộ lực lượng thứ ba, Mỹ có thể khích động hoạt động lật đổ trong lòng địch và làm mất ổn định kẻ thù. Allen Dulles, khi đó là Phó Giám đốc CIA phụ trách hoạch định chính sách cho rằng: “Ta có thể hy sinh vài người. Một số người bị giết. Tôi không muốn khơi đầu một trận đánh đẫm máu, nhưng lại muốn thấy sự việc tiến triển. Tôi cho rằng chúng ta phải liều một chút”.
Ý tưởng về lực lượng thứ ba được đúc kết từ ý muốn Mỹ phải hành động ở Trung Quốc chống Mao. Trung Quốc hoàn toàn đóng cửa và không có cách nào để có thông tin từ Trung Quốc ngoài biện pháp bí mật. Do vậy, chính sách của Mỹ hoàn toàn không liên quan đến thực tế. Eisenhower lại ưa Tưởng Giới Thạch. Do vậy, CIA đã thực hiện chương trình phá hoại chống Trung Quốc.
Hong Kong, nơi cư trú của khoảng một triệu người Trung Quốc trốn cộng sản, dĩ nhiên trở thành trung tâm của lực lượng thứ ba. Liên đoàn vì Trung Quốc Dân chủ và Tự do được CIA ủng hộ đã chiêu mộ người để đào tạo thành lính đánh bộ rồi đưa vào Trung Quốc. Các cơ sở đào tạo ở Okinawa, Saipan và một số đảo Tây Thái Bính Dương của Mỹ đã tiến hành đào tạo lính phản cách mạng. Mỹ cũng đã chọn một tướng của Tưởng Giới Thạch quản lý việc huấn luyện quân.
Ở Saipan đã tổ chức huấn luyện về hệ tư tưởng, nhảy dù, thông tin và chất nổ. Lính mới bay từ Hong Kong sang bằng máy bay của hãng Vận tải Hàng không dân dụng (Civil Air Transport) của CIA, sau này hãng cũng hoạt động tại Việt Nam và Lào với tên mới là Hàng không Mỹ (Air America). Giám đốc vận hành của hãng không lạc quan về cố gắng này. Ông từng nói: “Tôi không chịu được những người tự coi mình là có suy nghĩ ở Washington đã đưa ra những kế hoạch hoàn toàn ngu ngốc này.”
Trong chiến tranh Triều Tiên, 212 điệp viên đã được cài cắm vào Trung Quốc, 111 điệp viên bị bắt và 102 điệp viên bị giết. Không điệp vụ nào thành công cả. Thay vì thúc đẩy phong trào phản cách mạng, hoạt động gián điệp của CIA có tác dụng ngược lại. Trung Quốc đã tăng cường giám sát công dân với lý do Tưởng Giới Thạch và Mỹ đang cấu kết chống nhà nước Trung Quốc.
Trong hai năm từ 1952 đến 1954, Mỹ tin rằng Downey và Fecteau đã chết khi máy bay rơi. Lập luận rằng nếu bắt được hai điệp viên này thì chắc chắn Trung Quốc đã sử dụng họ vì mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên đến tháng 11 năm 1954, Trung Quốc thông báo là hai người này còn sống và là điệp viên của CIA. Tin tức về hai điệp viên đã làm sống lại cuộc tranh luận trong chính quyền Mỹ về Trung Quốc. Lầu Năm góc muốn phong toả bờ biển Trung Quốc, bắt tầu thuyền và thuỷ thủ để mặc cả đổi hai điệp viên.
Trong khi đó, Mỹ tiến hành đàm phán để hồi hương hai điệp viên. Mỹ đưa ra công khai là Downey và Fecteau là nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên vụ việc này đã không được báo chí chú ý. Ngay cả khi Tổng thống Nixon thông báo với báo chí rằng vụ Downey có liên quan đến “điệp viên CIA” và tờ Thời báo New York đăng tin: “Nixon công nhận người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc là điệp viên CIA”, thì dư luận cũng không mấy quan tâm.
Năm 1956, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nhằm thả hai điệp viên. Trung Quốc mời nhà báo Mỹ đến để đưa tin về tình hình đất nước và để đổi lại hai tù binh Mỹ sẽ được tha trên cơ sở Mỹ nhận hai tù binh đó là điệp viên CIA. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Dulles không chấp nhận với lý do Mỹ không thể có thoả thuận với một nước cộng sản. Thái độ cứng rắn của Dulles đã biến Downey thành tù binh chiến tranh Mỹ bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Năm 1958, trại huấn luyện ở Saipan đóng cửa và CIA lại có dự án lực lượng thứ ba mới ở Tây Tạng. Đây cũng là một thất bại thảm hại. Mỹ đã đào tạo và cài cắm điệp viên vào Tây Tạng, mặc dù ngay cả huấn luyện viên cũng không biết Tây Tạng và chưa bao giờ đến Tây Tạng. Không vùng nào ở Tây Tạng được “giải phóng”.
Trong một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1971, Kissinger công nhận là Downey và Fecteau đã làm những điều mà bất kỳ nước nào cũng coi là bất hợp pháp, gián tiếp đề cập đến CIA. Với Chu Ân Lai, đó là lời thú nhận hai người này là điệp viên. Trong năm đó, Fecteau được trao trả tự do tháng Mười hai năm 1971. Tháng Ba năm 1973, Downey được tha trên cầu nối Quảng Đông với Hong Kong.
Trong hồi ký của mình, Downey đã nói thẳng: “Tôi được cử đi chiến đấu vì một nước mà tôi chẳng biết, huấn luyện cho du kích mà tôi chẳng nói tiếng họ; tôi bị bắn rơi trên chuyến bay mà đáng ra tôi không nên ở đó…”. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao những hành động như vậy lại được thông qua? Tại sao việc lật đổ chế độ cộng sản ở Trung Quốc lại gấp gáp như vậy?
Hai điệp viên John Downey và Richard Fecteau là những người tiên phong phải chịu tác động của chính sách không chấp nhận Trung Quốc của chính quyền Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những gì hai điệp viên này phải chịu trong những năm bị giam ở nhà tù Trung Quốc là kết quả của việc Mỹ không chịu chấp nhận thực tế là Trung Quốc đã thuộc về nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây cũng là lời cảnh báo những điều không nên làm vào thời điểm quan hệ hai nước đang xấu đi. Một nhà phân tích cho rằng: “Xu hướng quay trở lại hình mẫu lật đổ bí mật – thực hiện không chỉ trên bộ, dưới biển, trên không mà còn ở những lĩnh vực chưa từng thấy là không gian và không gian mạng, làm chúng ta phải suy nghĩ lại vì những gì đã xảy ra khi điều này được thử nghiệm lần đầu tiên trong lịch sử”. Đây là bài học Mỹ không được quên và các nước khác cần phải ghi nhớ.
T.P