Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLuật gián điệp gây khó cho doanh nhân TQ

Luật gián điệp gây khó cho doanh nhân TQ

“Luật chống gián điệp sửa đổi” mới, cùng với việc chính quyền Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất cảnh, đang gây ra nhiều rủi ro cho các du khách đến nước này, bao gồm cả các chuyên gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp và học giả.

Người dân băng qua ngã tư tại một khu mua sắm ở Hong Kong vào ngày 30/10/2022.

Kênh thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, các nhà lập pháp Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua “Luật Chống gián điệp sửa đổi”.

Điều luật được thông qua tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Luật chống gián điệp hiện hành, được thông qua vào năm 2014, có tác dụng kiểm soát và bảo vệ công tác chống gián điệp. Theo ông Wang Aili thuộc Uỷ ban Pháp luật của Uỷ Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc CHNDTH, luật này đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia Trung Quốc.

Luật chống gián điệp hiện hành của Trung Quốc chỉ làm rõ các vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia, chứ không đưa ra định nghĩa cụ thể về “lợi ích quốc gia”.

“Luật chống gián điệp sửa đổi” mới được thông qua đã mở rộng định nghĩa về các hoạt động gián điệp; cụ thể, hành vi tổ chức tấn công mạng vào các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo mật, hoặc các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, sẽ được coi là hoạt động gián điệp.

Theo ông Wang, đối tượng cần bảo vệ khỏi các hành vi gián điệp giờ đây cũng bao gồm tất cả các tài liệu, dữ liệu, tài nguyên, và bài viết liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia.

Đạo luật mới cho phép giới chức Trung Quốc tổ chức các cuộc điều tra chống gián điệp, từ đó cho phép họ truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử và thông tin cá nhân của người dân ở Trung Quốc, đồng thời siết chặt việc xuất cảnh ra khỏi Trung Quốc.

Các thiết bị điện tử bao gồm cả điện thoại và máy tính xách tay cá nhân.

Những định nghĩa mơ hồ của đạo luật mới đang gây ra nhiều rủi ro cho người nước ngoài ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với rất nhiều cá nhân đang cung cấp các dịch vụ doanh nghiệp như thu thập, chế tạo, sử dụng và xử lý dữ liệu.

Theo đó, các hoạt động kinh doanh cơ bản như thu thập thông tin thương mại, có thể sẽ bị cáo buộc là vi phạm luật.

Ngay cả trước khi có luật mới, các công ty nước ngoài cũng đã “lọt vào tầm ngắm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Gần đây, giới chức Trung Quốc đã đột kích văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Co, và nhân viên của công ty này bị thẩm vấn. Trước đó, công ty kiểm toán toàn cầu Deloitte và công ty tư vấn Mintz Group cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Mintz Group là một công ty lớn của Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ phân tích doanh nghiệp, thẩm định và điều tra tham nhũng. Văn phòng Bắc Kinh của công ty này cũng đã bị đột kích, và 5 nhân viên người Trung Quốc của Mintz Group đã bị bắt giữ.

Hồi năm 2013, công ty tư vấn rủi ro ChinaWhys do nhà báo người Anh Peter Humphrey thành lập tại Trung Quốc đã xảy ra sự cố. Sau khi được thuê để điều tra các cáo buộc hối lộ liên quan đến công ty dược phẩm GSK, ông Humphrey và người vợ quốc tịch Mỹ của ông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ với tội danh “thu thập thông bất hợp pháp về công dân Trung Quốc”. Họ bị giam cầm khoảng hai năm, và đã được thả tự do vào hồi tháng 6/2016.

“Tuy trên báo chí không đăng tin, song tôi biết rằng có rất nhiều các công ty tư vấn nước ngoài khác cũng đang bị chính quyền Trung quốc ‘quấy nhiễu’”, ông Humphrey viết sau khi nghe tin về sự cố của công ty Bain & Co.

Công ty Wind là một công ty thống kê, chuyên cung cấp cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bằng sáng chế, tài liệu đấu thầu, cũng như số liệu thống kê chính thức. Hầu hết các doanh nghiệp Ở Trung Quốc đều đăng ký làm đối tác của công ty này. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng không có động thái hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài gia hạn đăng ký với Wind.

Theo một báo cáo mới của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders, ĐCSTQ đã và đang mở rộng phạm vi pháp lý để áp đặt các lệnh cấm xuất cảnh, và đang gia tăng cấm xuất cảnh đối với tất cả mọi người ở Trung Quốc, bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền cho đến các nhà báo nước ngoài.

Trung Quốc bành trướng kiểm soát quốc nội và quốc ngoại
Bản báo cáo mang tên “Trapped: China’s expanding use of exit bans”, tạm dịch là “Bị cầm tù: Trung Quốc tăng cường cấm xuất cảnh” đưa ra dữ liệu chính thức và đánh giá về luật mới của Trung Quốc.

Bản báo cáo đã tường thuật lại những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân, để có cái nhìn rõ hơn về những “chiến lược” của Trung Quốc như: sử dụng lệnh cấm xuất cảnh để trừng phạt các nhà hoạt động nhân quyền và gia đình họ, giam giữ thân nhân của những người Trung Quốc đang sinh sống tại nước ngoài để uy hiếp họ phải trở về nước, kiểm soát các nhóm dân tộc thiểu số, sử dụng chính sách ngoại giao con tin, và dọa dẫm các nhà báo người nước ngoài.

Trung Quốc cũng đã thông qua các sửa đổi, cho phép cấm xuất cảnh đối với bất kỳ ai được coi là có nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia của Trung Quốc và đang thuộc diện bị điều tra (áp dụng với cả người Trung Quốc và người nước ngoài).

Hiện nay Trung Quốc có ít nhất 15 đạo luật phục vụ cho việc cấm xuất cảnh. Để việc cấm xuất cảnh được triệt để hơn nữa, kể từ năm 2018 đến tháng 7/2023, chính quyền Trung Quốc cũng đã sửa đổi và bổ sung không dưới 5 luật mới.

Bản báo cáo cho biết “Hiện nay ước tính có ít nhất khoảng vài chục nghìn người ở Trung Quốc đang đang bị cấm xuất cảnh”.

“Nhiều người ngoại quốc làm việc cho các công ty có liên quan đến vấn đề tranh chấp dân sự cũng bị cấm rời khỏi Trung Quốc. Cách diễn đạt mơ hồ có chủ ý trong ‘Luật Tố tụng Dân sự’ của Trung Quốc khiến cho những cá nhân thậm chí không liên quan đến tranh chấp cũng có thể bị mắc kẹt ở Trung Quốc”.

Doanh nhân người Ireland, ông Richard O’Halloran, đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hơn 3 năm (2019 đến 2022) vì ông làm việc cho một công ty có liên quan đến tranh chấp thương mại, mặc dù ông không hề có bất kỳ liên quan nào đến tranh chấp này.

Một nghiên cứu khác tiết lộ rằng có 128 người nước ngoài đã bị cấm rời khỏi đất nước từ năm 1995 đến năm 2019.

Đi du lịch ở Trung Quốc tiềm tàng nhiều rủi ro mới
Trong một số trường hợp, việc gây khó dễ cho người nước ngoài tại là một phần trong chính sách ngoại giao con tin của Bắc Kinh, một đòn ăn miếng trả miếng nhằm vào các chính phủ nước ngoài, hoặc một chiến thuật để đạt được những nhượng bộ.

Hồi tháng 12/2018, chính quyền Trung quốc đã bắt giữ hai người Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor, để trả đũa việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu.

Ông Kovrig nguyên là nhà ngoại giao Canada và là cố vấn cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, còn ông Spavor là chuyên gia tư vấn về Triều Tiên.

Khi bà Mạnh được trả tự do sau khi đồng ý với một thỏa thuận hoãn truy tố liên quan đến các cáo buộc gian lận ngân hàng và chuyển khoản ở Hoa Kỳ, ông Kovirg và ông Spavor cũng được trả tự do.

Thực tế, luật sư, thẩm phán và tòa án cũng chỉ là những đặc vụ của ĐCSTQ.

Vào hồi tháng 2/2023, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đưa ra chỉ thị, yêu cầu các trường luật, luật sư và thẩm phán tại Trung Quốc phải “phản đối và chống lại các quan điểm sai lầm của phương Tây như ‘chính phủ hợp hiến’, ‘tam quyền phân lập’ và ‘sự độc lập’ của cơ quan tư pháp'”.

Gần đây, 2 luật sư nhân quyền nổi tiếng là luật sư Xu Zhiyong và luật sư Ding Jiaxi, đã bị xét xử trong các phiên toà bí mật, và bị kết án hơn 10 năm tù vì tội danh lật đổ chính quyền.

Trong vài năm trở lại đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo khách du lịch tới Trung Quốc, rằng chính quyền Bắc Kinh thường xuyên sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh để “đạt được thế đòn bẩy trong việc thương lượng đối với các chính phủ nước ngoài”.

Bộ Ngoại giao Úc cũng khuyên khách du lịch đến Trung Quốc nên “thận trọng cao độ”.

Có lẽ đã đến lúc cập nhật lại những hướng dẫn du lịch liên quan đến Trung Quốc, để cho những ai đang có ý định ghé thăm nước này có một cái nhìn cụ thể về những rủi ro gia tăng khi đến thăm Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới