Wednesday, January 15, 2025
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiNhững vũ khí mạnh nhất Việt Nam tự sản xuất

Những vũ khí mạnh nhất Việt Nam tự sản xuất

Trước khi biến Israel trở thành 1 quốc gia sở hữu tổ hợp quân sự quốc phòng hùng mạnh như ngày nay, cố Tổng thống Shimon Peres đã không ít lần bị chế giễu bởi giấc mơ của mình.

Máy bay trinh sát không người lái hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do Tập đoàn Viettel sản xuất có trọng lượng 26kg, bay liên tục 3 tiếng đồng hồ, với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km

Vào những năm 1950, Shimon Peres (cha đẻ của mô hình Quốc gia khởi nghiệp, người khai sinh ra ngành công nghiệp quốc phòng Israel), lúc bấy giờ đang ở tuổi 27, đã được giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho quân đội. Chính tại thời điểm này, ông cùng người bạn của mình là kỹ sư Al Schwimmer đã có khát vọng xây dựng ngành công nghiệp hàng không do chính người Israel làm chủ. Ý tưởng này ngay lập tức bị các lãnh đạo khác trong nước “dè bỉu”, khi mà thời điểm đó, họ còn chưa sản xuất nổi chiếc xe đạp. Nhưng Peres không bận tâm đến điều này. Dưới sự ủng hộ của David Ben – Gurion – Thủ tướng đầu tiên của Israel, họ đã giúp đỡ Al Schwimmer sáng lập tập đoàn tư nhân Công nghiệp Hàng không (IAI) vào năm 1953 với 70 nhân viên. Thời gian đầu, công ty chủ yếu bảo dưỡng máy bay cho không quân nước này. Nhưng chỉ 6 năm sau, họ đã sản xuất được chiếc máy bay đầu tiên dựa theo thiết kế của Pháp với tên gọi Trutkit. Đến nay, chỉ riêng ngành hàng không, Israel đã sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới. Không chỉ sản xuất máy bay chiến đấu, mà còn tiên phong trong công nghệ không gian, họ trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có khả năng tự phóng tên lửa vào vũ trụ từ năm 1988 bên cạnh các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc…

Thực sự kết quả này là quá khủng đối với một quốc gia khi mà theo thông tin từ các nhà dân số học, họ mới chỉ có hơn 9 triệu dân vào năm 2020. Cách đó chếch về phía Đông hơn 7600km, tức là khoảng gần 15 chiều dài đường xích đạo, mà cụ thể là trong những năm gần đây, người Việt cũng đã khởi tạo cho những khát vọng tương tự, quyết tâm tạo nên thực tại mới với ngành quốc phòng Công nghệ cao. Vậy, Việt Nam đã bắt tay vào thực hiện những khát vọng của mình ra sao? Tôi xin phép điểm mặt những loại vũ khí và kỹ thuật quân sự quan trọng mà người Việt đã tự tay chế tạo làm chủ.

1. Kỹ thuật ẩn nấp và ngụy trang

Đầu tiên không thể không nhắc đến loại kỹ thuật ẩn nấp và ngụy trang, thứ mà người Việt được coi là bậc thầy. Đối với kỹ thuật ngụy trang thô sơ đã làm nên tên tuổi quân đội Việt Nam trong các cuộc chiến gần đây, xin phép không bàn tới vì nó đã quá nổi tiếng. Cái mà chúng ta cần điểm danh là những công nghệ ngụy trang hiện đại hơn. Trước hết, đó là “sơn tàng hình”, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công loại sơn hấp thụ sóng radar, có ký hiệu là PD RAP-MEH sử dụng để sơn phủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật. Lớp sơn dày 1mm có khả năng hấp thụ trên 94% đối với loại sóng radar có tần số từ 8 đến 12GHz. Thời gian sống của sơn sau khi pha trộn từ 2,5 đến 3 giờ. Theo thông tin từ giới thợ sơn lâu năm, làm chủ được công nghệ sơn tàng hình tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay chủ yếu chỉ có Mỹ, Nhật và Nga. Trong điều kiện xung đột leo thang, các đại gia có thể mạnh dạn đầu tư loại sơn này để tăng khả năng tàng hình cho biệt thự miệt vườn nhà mình. Tuy nhiên, thời gian sống của sơn hơi ngắn, nên cứ sau vài giờ, cần tổ chức sơn lại để biệt thự có thể tiếp tục tàng hình.

Kỹ thuật ngụy trang, công nghệ Vũ khí bơm hơi thì Việt Nam được xếp vào loại “lừa tình” hạng nặng. Nhà máy Z176 – Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã thành công trong việc chế tạo các loại vũ khí bơm hơi không khác gì hàng hiệu. Có thể kể đến như: xe tăng T-55, tổ hợp tên lửa S-300PMU1, tiêm kích đa năng Su-30MK2…. Vũ khí bơm hơi Việt Nam chế tạo với công nghệ vật liệu đặc biệt, theo đúng kích thước của vũ khí thật, có thể triển khai và thu hồi trong thời gian ngắn, khó phân biệt ở khoảng cách 100m. Vật liệu thậm chí còn phát ra tín hiệu hồng ngoại, hoặc phản xạ sóng radar như thật, nhằm đánh lừa phương tiện trinh sát công nghệ cao. Lợi ích của các loại vũ khí “lừa tình” này thì quá rõ, nó khiến đối phương lãng phí hỏa lực. Đơn cử như mỗi lần mất 1 quả tên lửa 2 triệu đô để bắn vào trận địa vũ khí bơm hơi thì chẳng mấy chốc mà khánh kiệt nền kinh tế của đối thủ. Trong khi đó, lực lượng thật lại tập kích ở 1 khu vực hoàn toàn khác sẽ khiến quân địch bất ngờ không kịp ứng phó.

Theo trang quân sự Sina của Trung Quốc, việc sử dụng vũ khí ngụy trang là 1 chiến thuật thuộc loại “đáng nể” trong lịch sử quân sự thế giới, đánh lừa kẻ thù, giảm bớt tỷ lệ tổn thất, che giấu chiến lược thực sự. Đó là điểm Quân đội Việt Nam đang làm rất tốt. Tờ Avia.pro của Nga đánh giá: “Các sản phẩm của Việt Nam có bề ngoài giống vũ khí thật đến kinh ngạc. Trong chiến tranh hiện đại, nó khiến đối phương tốn rất nhiều nỗ lực, tiêu diệt nhầm mục tiêu giả, nâng cao khả năng sống sót của các hệ thống thật”. Một số chuyên gia trong nước nhận định: “Những phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ khí ngụy trang này, chắc chắn có sự góp phần không nhỏ với các ý tưởng đến từ lĩnh vực tư nhân, rất nhiều ý tưởng đã cho ra lò những thành phẩm hoàn hảo như: ô tô, trực thăng, thậm chí là nhà lầu, biệt phủ, đủ chủng loại”.

2. Súng bộ binh Công nghiệp Quốc phòng

Việt Nam đã tự chủ gần như hoàn toàn về vũ khí trang bị cho các sư đoàn bộ binh với hàng loạt nhà máy trải dài trên cả nước. Theo nguồn tin từ giới “xã hội nâu” mặc dù sản phẩm không có loại súng hoa cải huyền thoại, những nhà máy sản xuất vũ khí Z111 thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa, vẫn được coi là nhà máy chế tạo súng bộ binh khét tiếng bậc nhất tại Việt Nam. Nó được đầu tư dây chuyền sản xuất súng Galil rất hiện đại do Israel chuyển giao, với quan điểm luôn tôn trọng, mua đầy đủ giấy phép bản quyền liên quan khi sử dụng lại bất kỳ thiết kế vũ khí nào trên thế giới.

Đầu tiên khi nhắc đến súng trường tấn công, quân đội Việt Nam có thể thoải mái lựa chọn với hàng tá mẫu súng được Z111 tự sản xuất và hoàn toàn làm chủ từ A đến Z. Có thể kể đến tiêu biểu như các mẫu súng Galil ACE 31, Galil ACE 32, với sơ tốc đạn đầu nòng lần lượt là 600m/s và 680m/s, chúng đều sử dụng cỡ đạn 7,62 mm với tốc độ bắn khoảng 700 phát một phút, hộp tiếp đạn là 30 viên. Loại súng này rất nhỏ gọn với khối lượng chỉ khoảng hơn 3kg. Súng ACE 31 dài chỉ 650mm, còn ACE 32 loại báng gập dài 815mm. Do thường xuyên phải hoạt động ở khu vực nhỏ hẹp, chật chội, nên lực lượng trinh sát và đặc nhiệm được trang bị đồng bộ súng ACE 31, nhằm thay thế cho các loại AKS và M18 trước đây có chiều dài lên tới gần 1m.

Tiếp đến, những mẫu súng HK1 và GK 3 do nhà máy Z111 thiết kế sản xuất. Chúng được các kỹ sư Việt Nam thiết kế “lai ghép” tối ưu giữa Galil ACE và AKM. Thân súng Galil ACE cho tốc độ bắn lên tới 700 phát/phút, còn nòng súng AKM dài hơn, giúp sơ tốc đạn lên tới 715 m/s, khiến đường đạn căng và động năng tốt hơn. Không chỉ có vậy, nhà máy Z111 còn tự sản xuất các loại súng tiểu liên và súng máy. Súng tiểu liên STL-1A (một số tài liệu gọi là STL-A1) được Việt Nam tự sản xuất, chào bán tại triển lãm vũ khí ở Jakarta (Indonesia) vào tháng 11/2018. Dựa trên bản quyền thiết kế của hệ súng AK-103 mua từ Nga, STL-1A được người Việt nâng cấp mạnh mẽ, sử dụng công nghệ sơn chống ăn mòn mới. Bộ phận gỗ được thay bằng nhựa cao phân tử giúp tăng độ bền. Ống giảm thanh, ống ngắm quang học và quang điện tử được tích hợp để cạnh tranh sòng phẳng với các loại súng tân tiến nhất trên thế giới.

Súng tiểu liên STL-15 được Việt Nam cải tiến, tự chế tạo dựa trên bản quyền thiết kế của PP-91 Bizon, 1 loại súng đang được biên chế cho lực lượng chống khủng bố và các đơn vị đặc nhiệm của Nga. Nó sử dụng loại đạn 9x19mm.

Súng máy PKMS được đánh giá là dòng súng máy tiêu chuẩn tốt nhất thế giới, Việt Nam cũng đã hoàn toàn làm chủ việc sản xuất loại súng này theo giấy phép mua của Nga. PKMS có thể tích hợp trên xe thiết giáp, được trang bị ống ngắm đêm, cỡ đạn 7.62x54mm, băng đạn lên tới 250 viên. Tầm bắn lên tới 1.500 m, sơ tốc đầu nòng 825m/s. Khối lượng súng chỉ khoảng 20kg bao gồm cả đạn và giá 3 chân. Nhờ đó, chỉ cần duy nhất một xạ thủ để có thể tác chiến.

Trong cuộc cạnh tranh ngay trong nước, Nhà máy Z125 (tại Sóc Sơn, Hà Nội) cũng đã lên tiếng với hàng loạt thế hệ súng hạng nặng do chính nhà máy này làm chủ. Tiêu biểu có thể kể đến là Súng phóng lựu liên thanh AGS-17 và súng cối 100mm. Súng phóng lựu liên thanh AGS-17 là vũ khí gọn nhẹ, tổng khối lượng khoảng 31kg, nhưng có tốc độ bắn rất cao, lên tới 400 phát/phút. Nó sử dụng loại đạn có độ sát thương mạnh, hộp tiếp đạn hình tròn chứa được 29 viên. Tầm bắn của súng khoảng 800m với thước ngắm cơ khí và lên tới 1,7km với thước ngắm quang học. Vì vậy, nó là khắc tinh của chiến thuật chiến tranh “biển người”. Súng cối 100mm là sản phẩm do kỹ sư Việt Nam tự thiết kế hoàn toàn, phần khó nhất là công nghệ đúc nòng Z125 cũng đã làm chủ. Nòng súng cối làm việc trong điều kiện nhiệt độ, áp suất khắc nghiệt, nên đòi hỏi rất cao về công nghệ vật liệu. Không chỉ vậy, đạn súng cối 100mm tích hợp tính năng hẹn giờ điện tử cũng đã được người Việt thử nghiệm thành công, nó có tác dụng cắt nổ rất chính xác, “đạn mẹ rải đạn con” đúng mục tiêu mong muốn.

Nhà máy Z117 (tại Sóc Sơn, Hà Nội) cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Họ đã nghiên cứu và cho ra lò dòng súng cối triệt âm STA 50 và đạn cối triệt âm CTA-50 ST. Đây là hệ vũ khí gọn nhẹ, trang bị cho cá nhân, tốc độ bắn đạt tới 15 phát/phút, khử được tiếng nổ, ánh lửa và khói đầu nòng, nhiệt không bị truyền vào vỏ ống phóng, lại không bị giật, rất thích hợp cho tác chiến của lực lượng đặc nhiệm. Các linh kiện và thiết bị phụ trợ cho súng như: ngòi, hạt lửa, thuốc phóng, kính ngắm ban ngày… được chế tạo tại các nhà máy Z121, Z131, Z195. Đối với súng chống tăng, quân đội Việt Nam hoàn toàn làm chủ, sản xuất khá nhiều chủng loại, trong đó nổi bật phải kể đến là Súng chống tăng RPG-29 và SPG-9T2. Súng chống tăng RPG-29 một loại hỏa thần diệt tăng khét tiếng, có giấy phép thiết kế được mua từ Nga, được đặt định danh tại Việt Nam là SCT-29. Đây là loại súng không giật, cỡ nòng 105mm, tổ tác chiến từ 2 tới 3 người, trang bị cả kính ngắm ban đêm và kính ngắm ban ngày, với độ phóng đại 2,7 lần. Nó có khối lượng rỗng 12,1 kg với chiều dài 1m. Còn khi đã nạp đạn, nó nặng 18,8 kg và dài 1,85m. RPG-29 có sức mạnh vượt trội của loại đạn 2 tầng nổ, với tầm hiệu quả là 500m. Đạn lõm phía trước cỡ 64mm chịu trách nhiệm phá giáp phản ứng nổ trên xe tăng. Đầu đạn thứ 2 cỡ 105mm sẽ xuyên giáp chính của xe.

Không chỉ có súng, Việt Nam còn tự chế tạo được đạn, và đặt định danh là DCT-7. Vì vậy, việc mạnh dạn khai hỏa ồ ạt khi cần cũng là điều không phải lăn tăn nhiều.

Nếu cần tầm bắn xa hơn, ngay lập tức quân đội Việt Nam sẽ rút ra khẩu Súng chống tăng không giật SPG-9T2, một sát thủ xe tăng do nhà máy Z125 Việt Nam tự sản xuất, trên cơ sở mua giấy phép và cải tiến từ mẫu SPG-9 của Nga. Nó có khối lượng 47.5kg, cỡ nòng 73mm. Khi sử dụng đạn nổ lõm PG-9 NVT, súng có khả năng xuyên thép dày 550mm ở khoảng cách 1,3km. Với đạn nổ mạnh OG-9BG1, súng có cự ly lên tới 6,5km. Còn nếu dùng đạn PG-9NT, nó có thể tiêu diệt các loại tăng thiết giáp hiện đại được trang bị giáp phản ứng nổ. Vũ khí này có thể lắp đặt lên các xe quân sự, nhằm tăng khả năng cơ động. Nó sử dụng kính ngắm quang học PGO-9, khuếch đại hình ảnh 4 lần, và kính ngắm PGN-9IR được dùng cho bắn đêm.

Súng bắn tỉa OSV-96, một loại súng bắn tỉa hạng nặng mà nhà máy Z111 hoàn toàn tự sản xuất được với cái tên SBT-12M1 sau khi mua giấy phép thiết kế của Nga. Đây là mẫu súng bắn tỉa công phá với uy lực rất lớn nhờ sử dụng cỡ đạn 12,7 x 108 mm. Với hàng loạt chi tiết tinh vi đòi hỏi công nghệ sản xuất rất cao nên việc Việt Nam hoàn toàn tự sản xuất được, đã khiến truyền thông thế giới khá bất ngờ. Súng có trọng lượng rỗng khi chưa lắp kính ngắm quang học là 12,9 kg. Chiều dài tổng thể hơn 1.7m, thế nhưng riêng phần nòng, đã dài tới hơn 1m. Vì vậy, nó được thiết kế cho phép gấp gọn để tiện hành quân. Hộp tiếp đạn của OSV-96 có sức chứa 5 viên, sơ tốc đầu đạn 900m/s. Tầm bắn hiệu quả 900m vào ban đêm, và lên tới 2.000m vào ban ngày. Động năng của đầu đạn có thể xuyên thủng thép dày 20mm từ cự ly 700m nên OSV-96 thường được trang bị cho lực lượng đặc nhiệm, với mục tiêu phá hủy trạm radar, trung tâm điều khiển, hệ thống cảm biến, hoặc các loại xe bọc thép hạng nhẹ…

3. Pháo phòng không

AK-630 là một loại pháo cao tốc tự động nòng xoay, mang 6 nòng, cỡ nòng 30 mm. Tuy nó được thiết kế với nhiệm vụ chủ yếu là phòng không, nhưng với tốc độ bắn 5000 viên/phút cùng khả năng xoay 360 độ, AK-630 có thể tiêu diệt các mục tiêu như tàu, thuyền, máy bay, tên lửa chống hạm, và các mục tiêu rất phức tạp khác. Pháo phòng không AK-630M, do Việt Nam sản xuất sau khi mua bản quyền thiết kế của Nga được cho là bản nâng cấp vượt trội so với dòng AK-630. Đó là một quá trình nỗ lực nghiên cứu kéo dài suốt từ năm 2013. Loại pháo này là vũ khí tiêu chuẩn được trang bị trên chiến hạm Gepard và tàu tên lửa Molniya của Hải quân Việt Nam. Loại đạn 30mm của pháo cũng đã được Việt Nam chế tạo thành công, giúp quân đội có thể khai hỏa thoải mái khi cần.

4. Tên lửa

Trước hết phải kể đến nhiên liệu tên lửa, Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công loại nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195. Đây là sản phẩm dùng cho động cơ hành trình của tên lửa phòng không, có chất lượng hoàn toàn tương đương với sản phẩm cùng chủng loại của Nga và Mỹ (1 loại công nghệ rất phức tạp, và luôn được các quốc gia giữ bí mật). Loại nhiên liệu hỗn hợp này được sử dụng phổ biến trong nhiều loại tên lửa từ tầm ngắn đến các loại tên lửa cấp chiến dịch, chiến lược. Đây là thành quả của rất nhiều nỗ lực, bước đầu giúp sửa chữa 1 số loại tên lửa đang có, nhưng sẽ là tiền đề tạo sự tự tin đẩy mạnh ngành công nghiệp tên lửa quốc gia.

Tên lửa chống tăng CTVN-18 – một loại tên lửa được Việt Nam tự sản xuất dựa trên cải tiến nguyên mẫu 9M14 Malyutka từ thời Liên Xô, với kích thước hình dạng khá giống phiên bản 9M14-2T do Serbia giới thiệu. Một số nguồn tin cho rằng: giữa hai nước đã có sự hợp tác. Thay đổi đáng kể nhất là đầu đạn đơn tầng được thay thế bằng đầu đạn nổ kép để phá giáp phản ứng nổ phía ngoài. Sau đó, đầu đạn chính tiếp tục chọc thủng lớp giáp phía trong của mục tiêu, với khả năng xuyên thép dày tới 800mm. Vận tốc của tên lửa nâng cấp lên 135 m/s, với tầm bắn hiệu quả từ 500m đến 3.000 m. Tên lửa phòng không Vác Vai IGLA. Đây là loại tên lửa được Liên Xô đưa vào sử dụng từ năm 1981. Dù vậy tới ngày nay, nó vẫn là ác mộng với trực thăng và máy bay, tên lửa tầm thấp và thậm chí là tên lửa hành trình. Toàn hệ thống IGLA có khối lượng 17,9 kg, trong đó khối lượng tên lửa là 10,8 kg, đầu nổ nặng 2,5 kg chứa 585 mảnh. Nó có chiều dài tổng thể là 1,57m, đường kính thân là 72mm, tầm bắn 5,2 km và trần bay là 3,5 km, đạn tên lửa 9M39 của IGLA trang bị đầu dò hồng ngoại, thu nhận tín hiệu hồng ngoại phát ra từ động cơ của mục tiêu. Việc tự sản xuất thành công tên lửa Vác Vai IGLA trong nước đã giúp Việt Nam tiết kiệm khá nhiều ngân sách vì trông thì nhỏ gọn nhưng giá của nó khá chát, 1 cò tên lửa ở khu vực Trung Đông vẫn hay có nguồn hàng được chiết khấu cao cho biết hệ thống phóng của IGLA lên tới hơn 100.000 USD, còn đạn thì có giá khoảng hơn 70.000 USD, bắn một quả là lớ ngớ gần như mất ngay một con xe Vinfast.

5. Hệ thống cảnh báo và phát hiện mục tiêu

Quân đội Việt Nam đã sản xuất thành công radar RV 02 theo công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay, nó được chuyển giao bản quyền thiết kế của hệ thống radar Vostok-e theo hợp đồng giữa Việt Nam và Belarus (2013-2017) RV02 được Việt Nam chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế chế tạo ở tất cả các khâu từ cơ khí đến phần mềm với chiều cao 11m, tốc độ quay 6 vòng/phút, hệ thống định vị hiện đại. RV02 có khả năng phát hiện mục tiêu cách xa hàng trăm km, trên hầu như mọi loại địa hình và thời tiết kể cả các mục tiêu sử dụng công nghệ tàng hình. Khối lượng của dàn ăng-ten lên tới 18 tấn nhưng RV02 có thời gian triển khai thu hồi chỉ từ 10 đến 15 phút nhờ được tích hợp trên các xe chuyên dụng với hệ thống điều khiển tự động bằng thủy lực. Trong khi đó, các đài radar cũ có thời gian triển khai và thu hồi lên tới 60 phút. Bên cạnh radar RV 02, người Việt còn thiết kế xây dựng hệ thống cảnh báo vùng trời tự động, đó là hệ thống VQ1-M do tập đoàn viễn thông quân đội Viettel nghiên cứu, chế tạo. Câu chuyện này vẫn là một thương vụ với người Israel nhưng lại là thương vụ không thành công. Lúc đầu Việt Nam định mua một hệ thống tương tự của Israel với giá 100 triệu USD kèm theo chuyển giao công nghệ nhưng Israel cho rằng:

“Người Việt khá vui tính, 100 triệu đô sẽ chỉ đủ để mua hệ thống chứ không đủ để mua công nghệ”. Và các kỹ sư trẻ của Viettel mặc dù “nhà bao việc” đã quyết định sẽ tự lực nghiên cứu. Những thành quả mà Viettel đạt được sau hơn 3 tháng đầu đã khiến phía Israel bất ngờ vì vậy họ quyết định quay lại giảm giá xuống 60 triệu USD với cam kết sẽ có chuyển giao công nghệ. Điều này lại vô tình giúp các kỹ sư Viettel hiểu rằng họ đang đi đúng hướng. Vì vậy, cái giá 60 triệu USD bị từ chối một cách lịch sự. Hơn 3 tháng nữa trôi qua, những người Israel trở lại chào hàng nhân tiện tham quan kết quả của Viettel, họ bất ngờ đến mức phải phá vỡ tiền lệ kinh doanh của mình khi đề nghị một mức giá “sale kịch sàn” 20 triệu USD, nguyên nhân là vì họ biết rằng, ở Việt Nam lúc này chưa áp dụng luật chống bán phá giá đối với các sản phẩm quân sự. Thế nhưng rất tiếc, nỗ lực của họ chỉ được đáp lại bằng lời cảm ơn nồng ấm từ các kỹ sư Việt Nam. Tại thời điểm bạn đang đọc bài này, hãy yên tâm vì hệ thống VQ1-M chắc chắn là đang chạy như ngựa với sự quản lý của Quân chủng Phòng không Không quân. Hệ thống này cảnh giới vùng trời dựa trên việc tự động thu thập tất cả dữ liệu trinh sát của các trạm radar, các khí tài trinh sát quang học, trinh sát hồng ngoại được triển khai trên mặt đất, trên biển và trên không. Nó tự động xử lý dữ liệu để tạo ra toàn bộ bức tranh vùng trời Việt Nam theo thời gian thực, cho phép quân đội phản ứng ngay lập tức với mọi bất thường.

6. Máy bay

Ngay từ năm 1978, quân đội Việt Nam đã bắt đầu chương trình thiết kế chế tạo máy bay, với chủ nhiệm là viện trưởng Viện kỹ thuật quân sự không quân – Trương Khánh Châu. Đến tháng 9/1980, một trong những mẫu phi cơ đầu tiên do chính tay người Việt thiết kế, chế tạo của giai đoạn sau thống nhất đã cất cánh thành công. Đó là máy bay quân sự mang mã hiệu TL-1. Nó đạt tới vận tốc 220 km/h, độ cao 1.400m.

Năm 1984, thế hệ máy bay tiếp theo mang mã hiệu HL-1 được hoàn thành, với tốc độ lên tới 356km/h, trần bay 4.500m, thời gian bay tối đa là 4h, vũ khí trang bị 8 rocket. Kế hoạch tiếp theo là chế tạo 1 thế hệ thủy phi cơ HL-2. Tuy nhiên, thực sự rất đáng tiếc khi mà đến năm 1987, kế hoạch đã bị tạm dừng vô thời hạn do những khó khăn về kinh tế lúc bấy giờ. Rất may, trong những năm gần đây, các chương trình phát triển máy bay đã được tái khởi động. Tuy nhiên, máy bay chiến đấu có người lái hiện đại là không hề đơn giản, nếu lao vào đầu tư, sẽ rất lâu mới có thể đuổi kịp những siêu cường hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam đã quyết định chuyển hướng đi tắt sang loại máy bay quân sự không người lái hạng nhẹ, với rất nhiều ưu điểm trong tác chiến hiện đại. Tất nhiên là chúng phải hoàn toàn vượt trội so với các mẫu UAV M96 và M96D cũng do chính tay người Việt tự thiết kế chế tạo (1996).

Trong những năm gần đây, khá nhiều mẫu UAV Việt Nam tự sản xuất đã ra đời, nhưng xin phép chỉ tập trung vào các mẫu UAV quân sự, mà điển hình là Viện Kỹ thuật Phòng không – không quân với không ít thế hệ đã ra lò. Tương đối nổi bật là mẫu UAV-02 được thiết kế và trình làng vào năm 2013, với hai động cơ phản lực, sải cánh 2,8m, chiều dài thân 2,5m, tốc độ lên tới 350 km/h, bán kính hoạt động 100km, trần bay tối đa 8.000m. UAV-02 nặng 38kg khi nạp đủ nhiên liệu với thời gian hoạt động tối đa là 45 phút. Sau đó, với sự nâng cấp mạnh mẽ, dòng UAV-03 đã ra đời sử dụng động cơ phản lực thế hệ mới cho tốc độ cận âm. Thể tích bình nhiên liệu lớn hơn giúp thời gian bay lâu hơn. Nó có tổng khối lượng lên tới 70kg khi nạp đủ nhiên liệu.

Viện Hàng không Vũ trụ của tập đoàn Viettel cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Dòng UAV VT-Patrol do họ chế tạo có sải cánh 3,3m, khối lượng 26kg, vận tốc đạt tới 150km/giờ, cự ly hoạt động 50 km. Nó có khả năng hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ xuống tới 10 độ C, trinh sát bằng camera hồng ngoại full HD, giúp tạo ra những cảnh quay sắc nét ngay cả vào ban đêm, đồng thời cho phép nhận dạng đối tượng từ khoảng cách 600m.

Kém miếng nhiều khi tạo cảm giác rất khó chịu vì vậy, viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã công bố 1 lèo luôn 5 mẫu UAV vào cuối năm 2013. Trong đó loại lớn nhất có tầm hoạt động 100km, trần bay 3km, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian bay trên 6 giờ bất kể điều kiện ngày hay đêm. Không dừng ở đó, trong những năm gần đây, viện đã thử nghiệm thành công UAV tầm xa. Đó là chiếc HS-6L có sải cánh khá lớn, dài khoảng 22m, tốc độ hơn 200km/h, tầm bay lên tới 4.000km, thời gian hoạt động 35 giờ liên tục, sử dụng công nghệ dẫn đường vệ tinh. HS-6L có khả năng mang camera trinh sát, radar, và có thể nâng cấp để mang vũ khí.

Trong thời bình, các chủ shop online hoàn toàn có thể đầu tư để ship hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, vì khoảng cách theo đường chim bay của chiều dài lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng hơn 1650km, tương đối đơn giản so với tầm hoạt động 4000km của UAV này. Với việc trang bị động cơ Rotax 914 khét tiếng của Áo, giúp HS-6L của Việt Nam có khả năng cơ động không khác gì những UAV hàng đầu thế giới như MQ-1 Predator của Mỹ, Hermes 900 của Israel cũng đang dùng loại động cơ này. MQ-1 Predator của Mỹ trang bị tên lửa không đối đất, không đối không, và sở hữu động cơ Rotax 914, giúp tốc độ bay lên tới 217km/h, thời gian bay liên tục 24 giờ, đã hoạt động rất thành công ở chiến trường Afghanistan và Pakistan. Nhiều chuyên gia cho rằng, loại UAV của Việt Nam không chỉ có tác dụng trinh sát, tấn công bằng các vũ khí mang theo, mà thậm chí còn có thể tấn công theo phong cách kamikaze nếu cần.

7. Tàu quân sự mặt nước

Một số loại tàu tiêu biểu có thể kể đến như sau: Tàu tên lửa lớp Molniya là lớp tàu chiến chống ngầm và chống hạm. Tính đến năm 2020, Hải quân Việt Nam sở hữu 8 tàu. Trong đó, 2 tàu đầu tiên được thi công tại Nga, 6 chiếc còn lại do Việt Nam tự chế tạo theo giấy phép đã mua của Nga. Tàu có chiều dài 56m, sườn ngang 10,5m, lượng giãn nước khi đầy tải là 550 tấn, mớn nước 2,5m, tốc độ tối đa hơn 60km/h. Thủy thủ đoàn là khoảng 40 người. Phạm vi hoạt động: 3000km ở tốc độ 26 km/h, hoạt động độc lập trong 10 ngày. Nó được trang bị đầy đủ tên lửa diệt hạm, tên lửa phòng không, và cũng được triển khai pháo AK-630M do Việt Nam tự sản xuất.

Tàu tuần tra đa năng cỡ lớn DN-2000. DN-2000 là một lớp tàu tuần tra biển, do Việt Nam chế tạo trên cơ sở mua thiết kế lớp tàu OPV-9014 của Hà Lan. Nó dài hơn 90m, sườn ngang 14m, lượng giãn nước khi đầy tải 2400 tấn, tốc độ tối đa khoảng 39km/h, và tầm hoạt động là hơn 9000km, thời gian hoạt động liên tục trên biển là 40 ngày. Tàu có thể mang theo máy bay trực thăng và xuồng cứu hộ. Do là tàu tuần tra biển nên nó chủ yếu trang bị pháo và súng máy.

Tàu tuần tra SPA-4207, đây là dòng tàu tuần tra cao tốc, được tổng Công ty Sông Thu tự thiết kế chế tạo, có mục đích bảo vệ bờ biển và ứng cứu hàng hải. Tàu có chiều dài tổng thể gần 43m, sườn ngang hơn 7m, tốc độ tối đa hơn 47km/h. Việc hạ thủy thành công thêm 2 chiếc vào năm 2019, đã nâng tổng số tàu bàn giao cho Bộ Tư lệnh-Bộ đội Biên phòng lên 4 chiếc.

Tàu tuần tra lớp TT-400TP. Lớp tàu này do Công ty đóng tàu Hồng Hà – Việt Nam cải tiến, tự sản xuất sau khi mua thiết kế công nghệ của Ukraina. Nó có nhiệm vụ: bảo vệ căn cứ, bảo vệ tàu dân sự, trinh sát, và tiêu diệt tàu hộ tống, tàu đổ bộ của địch. Tàu có trọng tải choán nước là gần 480 tấn khi đầy tải. Chiều dài 54m, sườn ngang hơn 9m, mớn nước 2,7m. Với 3 động cơ diesel (MTU) cho tốc độ tối đa 59km/h, tầm hoạt động 4600km ở tốc độ 26 km/h. Thời gian hoạt động liên tục trên biển là 30 ngày, chạy vô tư trong điều kiện gió cấp 10.

Theo tính toán của Hồng Hà, chi phí đối với mỗi con tàu là khoảng hơn 1 triệu USD khi Việt Nam tự sản xuất, trong khi các cò môi giới trên tạp chí Jane’s cho biết: “Giá thị trường 1 chiếc tàu như vậy ít nhất vào khoảng 10 đến 15 triệu đô”.

8. Tàu ngầm

Trong lĩnh vực này, cái tên nổi bật lại không phải là một công ty quân đội nào đó, mà lại là một doanh nhân tại Thái Bình – ông Nguyễn Quốc Hòa. Năm 2014, mặc dù chỉ với một xưởng cơ khí công nghệ ở tầm trung, nhưng với khát khao và niềm tin mãnh liệt, ông và đội ngũ của mình đã cho ra mắt tàu ngầm Trường Sa 1. Đây là một trong những tàu ngầm lớn nhất và phức tạp nhất do người Việt chế tạo, với tốc độ tối đa 40km/h, tầm hoạt động 800km, lặn sâu tới 50m, lượng choán nước khi lặn là 12 tấn. Thời gian lặn tối đa 15 giờ và thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày. Tới năm 2016, ông Nguyễn Quốc Hòa tiếp tục cho chạy thử thành công tàu ngầm Hoàng Sa mini dưới sự thẩm định của hội đồng Bộ Quốc phòng. Nó nặng 9 tấn, tốc độ tối đa 13 km/h, chiều dài 7m, chiều cao 2m, sườn ngang 2,5m, và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn lên tới 72h liên tục, với thủy thủ đoàn là 2 người.

Đến năm 2019, doanh nhân Thái Bình một lần nữa khiến giới truyền thông “hốt hết cả hoảng”, khi ông công bố các hình ảnh mẫu tàu ngầm mới mang tên Trường Sa 2. Con tàu dài 9m, nặng 22 tấn, sức chứa tối đa 6 thủy thủ. Theo tiết lộ, nó có vận tốc sẽ đạt tới 35 km/h, lặn sâu tối đa 250m, tầm hoạt động 3.000 km. Trường Sa 2 được xem như phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm Kilo 636, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại mới, có thể kể đến các hệ thống: điều khiển tự động, liên lạc thủy âm khi lặn, liên lạc tầm xa khi nổi, camera dưới nước, hệ thống dò quét đáy biển…

Quân đội Việt Nam thì đang có dự án lớn hơn, nhưng vẫn đang trong quá trình thiết kế chế tạo, vì vậy, nó chưa có tên, và vẫn được truyền thông thế giới tạm gọi là “Dự án tàu ngầm 100 tấn của Việt Nam”. Với thiết kế theo phong cách tàu ngầm mini, không loại trừ khả năng nó sẽ được “kẹp” vào tàu ngầm Kilo mà Việt Nam sở hữu để thực hiện những hải trình dài ngày trên biển. Khi đến gần mục tiêu, tàu ngầm mini sẽ được thả ra. Đó là cách thức hoạt động khá phổ biến trong các lực lượng hải quân trên thế giới. Tuy nhiên, các thông tin hé lộ về loại tàu ngầm 100 tấn của Việt Nam là chưa nhiều. Nếu thuyền trưởng nào đang đọc mà có thêm thông tin, đề nghị cung cấp cho bà con.

9. Vũ khí trên không gian mạng

Khi cư dân mạng ngày một nhiều thì không gian mạng chắc chắn là mặt trận xu thế của tương lai. Những loại vũ khí không gian mạng do Việt Nam tự nghiên cứu phát triển là không ít. Có thể kể đến như hệ thống điều hành và giám sát an ninh SOC (Security Operations Center), hệ thống chống tấn công từ chối dịch vụ, hệ thống ngăn chặn và chống tấn công có chủ đích… và khá nhiều hệ thống khác do công ty an ninh mạng thuộc tập đoàn viễn thông quân đội phát triển. Tất nhiên, đó chỉ là vài ví dụ, vì còn nhiều sản phẩm của các đơn vị khác nữa. Và đặc biệt là chúng ta đang tạm thời chưa muốn nhắc đến các loại vũ khí được sử dụng trong giới siêu anh hùng trên cộng đồng mạng – một lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến bậc nhất của người Việt.

Các loại vũ khí của người Việt tự sản xuất, không chỉ để sử dụng trong nước, mà còn phục vụ mục tiêu xuất khẩu quốc phòng. Tiêu biểu là các hợp đồng xuất khẩu tàu tuần tra sang Venezuela, hợp đồng tàu Besant-1 loại tàu cứu hộ cho tàu ngầm với lượng giãn nước trên 2000 tấn cho Hải quân Australia. Hai hợp đồng với 60 tàu tuần tra cho đối tác Nigeria. Các hợp đồng khác với Philippines cũng đang được xúc tiến. Nhiều hợp đồng liên tiếp trong những năm gần đây cho thấy: thị trường vũ khí quân sự đang bắt đầu sôi động, chuyên gia môi giới có năng lực trong lĩnh vực này có lẽ sẽ lên ngôi.

Trong chiến tranh, vũ khí hiện đại là chưa đủ nếu thiếu sự đề cập đến tinh thần chiến đấu. Lịch sử đã chứng minh không ít cuộc chiến, quân đội có vũ khí hiện đại vượt trội vẫn phải thua chạy tan tác khi mà tinh thần chiến đấu tỏ ra yếu kém. Đó là vấn đề muôn thuở mà chúng ta không bao giờ được lãng quên.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới