Trung Quốc phát hiện ngôi mộ cổ trên vách đá “được bảo quản rất tốt” từ thời nhà Hán ở Trùng Khánh – thành phố nổi tiếng được xây dựng trên núi.
China News đưa tin, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ngôi mộ cổ trên vách đá thời nhà Hán (206 trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên) với tổng cộng 56 di vật, bao gồm kiếm sắt, tượng người hầu và động vật, gạch khắc chữ Trung Quốc, tại quận Giang Bắc của Trùng Khánh.
Các nhà khảo cổ học địa phương lưu ý, trên thực tế rất hiếm tìm thấy một ngôi mộ trên vách đá không bị hư hại do trộm cắp.
Wang Wei – người đứng đầu đoàn khai quật – cho biết ngôi mộ ở trong tình trạng tốt đến mức các nhà khảo cổ có thể nhìn thấy diện mạo ban đầu của một ngôi mộ thời nhà Hán.
“Ngôi mộ hoàn chỉnh này có giá trị lịch sử cao hơn nhiều đối với các chuyên gia, đặc biệt là khi nghiên cứu về văn hóa mai táng độc đáo của nhà Hán” – Jing Shen, chuyên gia văn hóa ở Trùng Khánh, nói với tờ Hoàn cầu Thời báo.
Vào thời nhà Hán, những đám tang lớn đã rất phổ biến đối với những người có khả năng chi trả.
“Những hình vẽ trên gạch của lăng mộ cực kỳ biểu cảm, đặc biệt là mô tả về thế giới bên kia”, Jing nói thêm.
Ngôi mộ bao gồm một lối thoát nước, một cánh cửa bịt kín, một hành lang và một buồng mộ.
Đây không phải là lần đầu tiên một ngôi mộ thời nhà Hán được phát hiện ở Trùng Khánh.
Năm 2015, bốn ngôi mộ cũng được tìm thấy ở quận Jiangbei tại công trường xây dựng gần một trường tiểu học.
Bên trong những ngôi mộ được khai quật, người ta tìm thấy một số lượng lớn đồ gốm sử dụng hàng ngày, cũng như ly rượu, bình và bát đặt xung quanh ngôi mộ để tạo cảnh tiệc tùng.
Các nhà khảo cổ học địa phương cho biết vào thời điểm đó, chủ nhân của ngôi mộ có thể là một địa chủ, tương tự như tầng lớp trung lưu hiện nay.
Năm 2010, lăng mộ nhà Hán cũng được phát hiện tại khu đô thị chính của Trùng Khánh. Các chuyên gia tin rằng việc phát hiện ra những ngôi mộ cho thấy nơi này từng là một khu vực thịnh vượng với dân số đông đúc trong thời nhà Hán.
“Vào thời nhà Hán, Trùng Khánh cách xa thủ đô ở phía bắc Trung Quốc. Các cuộc khai quật cho thấy sự thịnh vượng của khu vực phía tây nam này, mặc dù cách xa trung tâm chính trị thời đó” – Jing nói.
T.P