Wednesday, January 15, 2025
Trang chủQuân sựĐiểm yếu khiến hệ thống Patriot dễ trở thành 'mồi săn' của...

Điểm yếu khiến hệ thống Patriot dễ trở thành ‘mồi săn’ của tên lửa Nga

Bức xạ từ tín hiệu radar cực mạnh của Patriot nổi bật trên nền nhiễu trở thành điểm yếu chí tử khiến hệ thống này hiện rõ trước tên lửa Nga.

Một hệ thống Patriot của quân đội Mỹ khai hỏa trong diễn tập bắn đạn thật.


Tyler Rogoway, chuyên gia quân sự của tờ The Drive cho rằng, Patriot là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất từng được phương Tây chuyển giao cho Ukraine và có thể giúp nước này đối phó hiệu quả hơn với những cuộc tập kích đường không, nhưng nó không hoàn hảo và vẫn tồn tại điểm yếu nhất định.

“Nga bắt đầu bằng những nỗ lực đơn giản, sử dụng số lượng tối thiểu tên lửa hiện đại để đánh vào trận địa, với mục tiêu chủ đạo là radar. Nếu không thành công, họ sẽ mở nhiều mũi tấn công bằng UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và Kinzhal, tất cả đều hiệp đồng chặt chẽ nhằm gây quá tải lưới phòng không Ukraine, đặc biệt là hệ thống Patriot”, Rogoway nhận xét.

Không quân Ukraine từng tuyên bố đánh chặn thành công tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga đêm 4/5 bằng cách khai hỏa nhiều quả đạn Patriot, mỗi quả có giá 4 triệu USD, từ các góc khác nhau để đảm bảo vô hiệu hóa mục tiêu. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là đòn thăm dò của Nga nhằm phát hiện và khai thác điểm yếu của Patriot.

Còn theo ông Ian Williams, phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở tại Washington nói với Business Insider rằng: “Luôn có khả năng Patriot sẽ bị đánh trúng”.

Chuyên gia Williams nói thêm, một trong những điểm yếu lớn nhất của Patriot hiện nay là tín hiệu radar mảng pha của nó. Tín hiệu radar này có thể giúp hệ thống Patriot phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa, nhưng cường độ lớn khiến nó trở nên nổi bật giữa nền nhiễu.

Bởi vậy, lực lượng tác chiến điện tử của Nga hoàn toàn có thể thu được tín hiệu radar này, từ đó truy ngược vị trí của tổ hợp. Tín hiệu radar của Patriot cũng có thể được thu thập bằng vệ tinh hoặc máy bay trinh sát không người lái của Nga.

Theo ông Williams, nếu radar được kích hoạt để theo dõi mục tiêu, bất kể đó là loại gì, “nó đều khá dễ phát hiện khi có thiết bị thích hợp”. Ông cho hay trong vụ tập kích ngày 4/5, tình báo tín hiệu Nga đã tìm cách lần theo dấu vết radar và phát hiện vị trí tổ hợp Patriot ở ngoại ô Kiev và đã phóng một tên lửa Kinzhal để thăm dò, nhưng quả đạn bị chính Patriot bắn hạ.

Lực lượng Nga dường như đã phát hiện được tín hiệu đặc trưng từ radar của Patriot và tung ra đòn tập kích ồ ạt ngày 16/5, khiến tổ hợp ở Ukraine không còn khả năng chống đỡ.

Cùng ngày Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal nhằm vào hệ thống phòng không Patriot được Ukraine triển khai ở ngoại ô Kiev. Ukraine cũng ra thông báo phản bác tuyên bố của Nga.

Ukraine hiện chỉ được biên chế hai tổ hợp Patriot cùng nguồn cung đạn tên lửa hạn chế, khiến họ rất khó đối phó nếu Nga tung ra đòn tập kích ồ ạt làm quá tải hệ thống phòng không.

Giới chức Ukraine trước đó nói rằng đợt tập kích rạng sáng 16/5 “dữ dội bất thường”, với “số lượng tối đa tên lửa được phóng trong thời gian ngắn nhất” nhắm vào Kiev. Các chỉ huy quân đội Ukraine tuyên bố bắn hạ toàn bộ 18 tên lửa, trong đó có 6 quả Kinzhal, cùng 9 UAV các loại được Nga triển khai.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng con số do Kiev cung cấp cao gấp 3 lần mức cho phép của Moskva trong mỗi đòn tấn công, khẳng định lực lượng Ukraine “thường xuyên nhầm lẫn” về chủng loại tên lửa Nga triển khai.

Một điểm yếu khác của Patriot là hệ thống này khá cồng kềnh và không có tính cơ động cao như các tổ hợp phòng không tầm ngắn. Một tổ hợp Patriot gồm nhiều bệ phóng, xe chỉ huy và kiểm soát, trạm cấp điện, đài radar cùng hàng chục nhân sự vận hành.

“Sau mỗi lần bị tập kích, Ukraine có thể thay đổi trận địa, nhưng vẫn không thể khắc phục được điểm yếu về tín hiệu radar. Họ chỉ có thể hạn chế nguy cơ bằng cách trang bị hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả hơn và chỉ bật radar của Patriot khi cần thiết”, Williams nói.

Chuyên gia này cho rằng một giải pháp tiềm năng khác cho Ukraine để bảo vệ Patriot là sử dụng mồi bẫy, giống như cách họ chế tạo các hệ thống HIMARS giả bằng gỗ và cao su bơm hơi để đánh lừa tên lửa đối phương.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông nhận định Ukraine vẫn cần phương Tây hỗ trợ một giải pháp công nghệ cao để ngăn Nga thu thập tín hiệu điện tử từ radar của Patriot, bảo vệ hệ thống phòng không tỷ USD này hiệu quả hơn.

Các chuyên gia nhấn mạnh những hệ thống phòng không như Patriot “không phải phép màu hay lá chắn không thể xuyên thủng” nếu không có các biện pháp bảo vệ thích hợp, dù chúng có tính năng kỹ chiến thuật rất hiện đại. “Đó chỉ là giấc mơ của Hollywood, chiêu bài quảng cáo của các doanh nghiệp quốc phòng. Hệ thống Patriot có thể bị tấn công, gây quá tải và gặp trục trặc”, Rogoway nói.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo đòn tập kích rạng sáng 16/5 có thể chỉ là mở đầu cho những chiến dịch tấn công ngày càng phức tạp từ Nga, với mục đích cao nhất là phá hủy hoàn toàn hệ thống Patriot và năng lực phòng không của Ukraine.

“Hãy sẵn sàng đón nhận thông tin hệ thống Patriot hư hỏng hoặc bị phá hủy. Đó là bản chất cuộc chiến, đặc biệt khi đối thủ là Nga, quốc gia vẫn sở hữu năng lực tác chiến đáng gờm và đã dành hàng chục năm xây dựng phương án đối phó những lá chắn như Patriot”, Rogoway nêu quan điểm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới