Ngày 22.5, vào ngày Mỹ kí thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt với Papua New Guinea, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng công bố kế hoạch hành động 12 điểm nhằm tăng cường sự can dự của New Delhi với khu vực, như các quan chức Ấn Độ cho biết, để đáp ứng nguyện vọng phát triển của người dân các đảo quốc Thái Bình Dương.
Kế hoạch hành động 12 điểm
Tờ Times of India đưa tin, Thủ tướng Modi phát biểu với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương rằng, họ có thể tin tưởng vào Ấn Độ như một đối tác đáng tin cậy, ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
Phát biểu của Thủ tướng Modi được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác giữa Ấn Độ và các đảo quốc Thái Bình Dương (FIPIC) lần thứ 3, diễn ra tại Papua New Guinea ngày 22.5.
Hội nghị do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Papua New Guinea, Thủ tướng James Marape chủ trì. Thủ tướng James Marape cho biết, các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ ủng hộ sự dẫn dắt của Ấn Độ tại các diễn đàn toàn cầu.
Trong khi đề cập đến những vấn đề mà Nam bán cầu Global South (gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á) phải đối mặt như thiếu lương thực, nhiên liệu, phân bón và thuốc men, Thủ tướng Modi nói: “Trong những thời điểm thử thách này, câu ngạn ngữ “hoạn nạn có nhau” đã chứng minh giá trị: Khi ta gặp hoạn nạn có bạn giúp đỡ, đó mới chính là người bạn tốt. Tôi rất vui vì Ấn Độ đã sát cánh cùng những người bạn ở các quốc đảo Thái Bình Dương trong thời gian thử thách này. Cho dù đó là vaccine hay thuốc thiết yếu, lúa mì hay đường, Ấn Độ, với khả năng của mình, đã và đang hỗ trợ tất cả các nước đối tác”.
Kế hoạch hành động 12 điểm của Thủ tướng Modi dựa trên các ưu tiên và nhu cầu chung của các quốc đảo Thái Bình Dương. Chương trình đầu tiên trong kế hoạch là mở một bệnh viện chuyên khoa tim mạch tầm khu vực ở Fiji mà Ấn Độ sẽ hỗ trợ xây dựng, cùng một trung tâm công nghệ thông tin và an ninh mạng ở Papua New Guinea.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra khẳng định, New Delhi đang làm việc với các quốc đảo Thái Bình Dương theo cách không làm tăng nợ và trên cơ sở những ưu tiên được lãnh đạo của các quốc gia trong khu vực nêu rõ.
Thủ tướng Modi cũng tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc đảo Thái Bình Dương đối với các cải cách của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho biết, tiếng nói của Nam bán cầu cũng sẽ gây được tiếng vang mạnh mẽ trong Hội đồng Bảo an và vì điều này, cải cách các thể chế quốc tế nên là ưu tiên chung.
Mặc dù các quốc đảo Thái Bình Dương có diện tích đất liền tương đối nhỏ và cách xa Ấn Độ, nhưng nhiều quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và mang đến những cơ hội hợp tác hiệu quả, đầy hứa hẹn. Cam kết của Ấn Độ đối với 14 quốc đảo Thái Bình Dương là một phần trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ.
Cạnh tranh địa chính trị
Chuyến thăm của ông Modi tới Papua New Guinea – chuyến thăm đầu tiên của bất kì Thủ tướng Ấn Độ nào – có ý nghĩa quan trọng. Chuyến thăm diễn ra giữa cuộc cạnh tranh địa chính trị do sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực giàu tài nguyên này, đặc biệt là dưới hình thức hiệp ước an ninh mà Bắc Kinh đã kí với Quần đảo Solomon vào năm ngoái.
Mỹ đáp trả bằng thỏa thuận quốc phòng mà Ngoại trưởng Antony Blinken đã kí với Thủ tướng Papua New Guinea Marape hôm 22.5. Mặc dù nội dung cụ thể của thỏa thuận chưa được công bố, song theo CNN, thỏa thuận quốc phòng mới dự kiến sẽ mở rộng khả năng tiếp cận của Mỹ với các cơ sở quân sự và các cơ sở khác ở Papua New Guinea, củng cố các mối quan hệ an ninh của Washington ở Nam Thái Bình Dương.
Phản ứng trước thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Papua New Guinea, Trung Quốc cho biết, nước này không phản đối trao đổi bình thường và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên nhưng cảnh báo về “trò chơi địa chính trị”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho hay, “điều chúng ta cần cảnh giác là tham gia vào các trò chơi địa chính trị dưới danh nghĩa hợp tác và chúng tôi tin rằng, không có sự hợp tác nào nhằm vào bất kì bên thứ ba nào”.
T.P