Sau khi Hà Nội lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động gây mất an ninh trên Biển Đông, ảnh hưởng tới các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của phía Việt Nam.
Vào ngày 25/5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tố cáo “tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC) 1982”.
Bà Hằng yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá khác ra khỏi khu vực vì đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Yêu cầu chính đáng của Việt Nam đã không được tôn trọng. Hôm qua, 26/05, Bắc Kinh đã thẳng thừng xổ toẹt yêu cầu này, cho rằng tàu Trung Quốc chỉ hoạt động “bình thường” trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này.
Hãng tin Anh Reuters đưa tin: Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Các tàu liên quan của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bình thường trong phạm vi quyền tài phán” của Trung Quốc (!).
Không chỉ lạnh lùng tuyên bố, Mao Ninh ngầm ý đe dọa: “Chúng tôi đã duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền lợi hợp pháp bằng mọi giá”.
Cái “bên liên quan” ấy là bên nào? Không ai lạ gì hành động cản phá trắng trợn của Trung Quốc đối với việc khai thác dầu khí của Việt Nam trên vùng biển này. Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự Án Myoushu của Đại Học Mỹ Stanford về Biển Đông, cho biết: Tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5 đến nay. Chúng xuất hiện gần các Lô dầu khí mà Việt Nam cùng với Nga đang hợp tác khai thác. Có thời điểm hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển qua Lô khí đốt 04-03, do Vietsopetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam vận hành.
Tàu Trung Quốc cũng liên tục lượn quanh các Lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn Nga Gazprom và PetroVietnam. Đây là hai lô mà Trung Quốc liên tục vu cáo là nằm trong vùng biển của họ và đã cho đấu thầu để cấp phép khai thác (!).
Cũng theo Ray Powell, khi bị Việt Nam phản đối, tàu Trung Quốc đang ở khu vực Lô 129, do Vietgazprom điều hành. Hôm 26/5, tàu Hướng Dương Hồng 10 và 5 tàu hộ tống vẫn ngang nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, gần các lô khí đốt mà các công ty Nga khai thác.
Không để cho đối phương lấn lướt, hai tàu kiểm ngư của Việt Nam luôn theo sát đội tàu của Trung Quốc, giữ khoảng cách 200 đến 300 mét.
Được biết, tàu Hướng Dương Hồng 10 do Viện nghiên cứu 708, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thiết kế. Tàu được chế tạo vào tháng 6/2012 với số vốn được cấp lên tới 200 triệu nhân dân tệ. Tàu dài 93 m, rộng 17,4 m, sâu 8,8 m, tổng trọng tải 4.502 tấn. Tàu có ưu biệt là tiếng ồn nhỏ, chấn động ít, chạy tốc độ nhanh. Trên tàu lắp một số thiết bị như súng bắn nước cực mạnh.
Không phải là bây giờ Trung Quốc mới xua loại tàu này ra “nghiên cứu khoa học, điều tra môi trường tài nguyên” trong vùng EEZ của Việt Nam. Cách đây bốn năm, ngày 18/3/2019, tàu “Hướng Dương Hồng 10” đã xuất phát từ Châu Sơn, Chiết Giang, Trung Quốc đến vùng biển Thái Bình Dương để “điều tra môi trường tài nguyên”, thực hiện nhiệm vụ khảo sát đại dương lần thứ 54 của Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu Hải Dương II của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc phụ trách thực hiện tổng thể, kế hoạch thực hiện theo 5 hải trình, kết thúc vào hạ tuần tháng 11, với tổng thời gian 255 ngày, tổng hành trình là 22 nghìn hải lý.
Rốt cuộc, Hướng Dương Hồng 10 hướng về đâu? Ai cũng biết, Trung Quốc chẳng hề có ý định “nghiên cứu, điều tra” gì hết mà chỉ muốn xua tàu ra để khẳng định cái gọi là chủ quyền vô lối của mình trên Biển Đông. Trong phạm vi “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang ngược vẽ ra, bất kỳ quốc gia nào tiến hành khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản đều bị Bắc Kinh vu cho là vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của họ.
Đi ngược lại những lời tuyên bố hữu nghị và hợp tác, những hứa hẹn về bảo đảm an ninh trên Biển Đông, Bắc Kinh sẽ bị các nước trong khu vực ASEAN và cộng đồng quốc tế lên án.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang bị Trung Quốc lấn lướt, bắt nạt cần nâng cao khả năng thực thi của lực lượng chấp pháp trên biển, chống tiếp cận trên biển, đồng thời phải tận dụng tối đa từng km2 trên biển để phục vụ phát triển kinh tế.
Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức như trung gian hòa giải, hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.
H.Đ