Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - Trung vẫn "ăn miếng trả miếng".

Mỹ – Trung vẫn “ăn miếng trả miếng”.

Dù hai bên tiếp tục chỉ trích nhau, nhưng cuộc đàm phán giữa bộ trưởng thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn được xem là nỗ lực “giữ cầu” đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh hai bên vẫn “ăn miếng trả miếng”.

Ngày 25.5 (theo giờ địa phương) tại Washington (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại nước này Gina Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc hội đàm song phương.
Quan ngại lẫn nhau

Đây là đối thoại trực tiếp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra hồi giữa tháng 11.2022 tại Bali (Indonesia).

Hai bên đã đưa ra những chỉ trích về chính sách thương mại, đầu tư và xuất khẩu của nhau, nhưng nội dung đối thoại được phía văn phòng của Bộ trưởng Raimondo mô tả là “thẳng thắn và thực chất”.

Cụ thể, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho hay: “Hai bộ trưởng đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và thực chất về các vấn đề liên quan quan hệ thương mại Mỹ – Trung, bao gồm môi trường tổng thể ở cả hai nước về thương mại và đầu tư cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”. Cũng theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ: “Bộ trưởng Raimondo cũng nêu lên mối lo ngại về hàng loạt hành động gần đây của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc”.
Ngược lại, thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay Bộ trưởng Vương nêu lên những lo ngại chính về các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn, kiểm soát xuất khẩu và đánh giá đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng thông tin hai bên đã đồng ý thiết lập và duy trì các kênh liên lạc cởi mở – điều mà phía Washington cho là nhằm “kiểm soát mối quan hệ một cách có trách nhiệm”. Theo Bắc Kinh, cầu nối liên lạc sẽ cho phép trao đổi về các mối quan tâm kinh tế thương mại cụ thể và các vấn đề hợp tác.

Dự kiến, Bộ trưởng Vương gặp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai bên lề cuộc họp các bộ trưởng thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại TP.Detroit (bang Michigan, Mỹ) dự kiến kết thúc vào ngày 26.5 (theo giờ địa phương).
Rào cản còn đó

Trả lời Thanh Niên ngày 26.5, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận xét: “Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều nhận ra tình trạng hiện tại trong quan hệ song phương không có lợi cho cả hai nước. Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng Gina Raimondo và Vương Văn Đào ở Washington thể hiện nỗ lực khiêm tốn để tìm kiếm quan hệ thương mại ổn định. Đây là điều cần thiết cho Bắc Kinh nhằm phát triển kinh tế xã hội ổn định trong bối cảnh có nhiều thách thức cho Trung Quốc như hiện nay”.

“Mặc dù cuộc gặp lần này chưa đủ để thay đổi các vấn đề tổng thể trong quan hệ hai nước, nhưng bất kỳ cuộc đối thoại nào thúc đẩy sự ổn định trong quan hệ kinh tế đều có thể là nền tảng cho hợp tác và hoặc đối thoại trong các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm”, GS Nagy đánh giá và nhận xét thêm: “Tuy vậy, thách thức đối với Washington và Bắc Kinh là chính trị trong nước đang bị chi phối bởi các quan ngại như “mối đe dọa Trung Quốc” và “chiến lược ngăn chặn của Mỹ”. Các quan ngại đó gây khó khăn cho việc hai bên tìm ra các đường thỏa hiệp để thúc đẩy các mối quan hệ theo hướng tích cực hơn”.

Cũng trả lời Thanh Niên vào ngày 26.5, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) chỉ ra các vướng mắc sâu sắc về thương mại giữa hai bên.

“Bắc Kinh đã đe dọa Mỹ rằng sẽ trả đũa việc Mỹ loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý nhất là Bắc Kinh đang tiến hành biện pháp cấm Micron (Mỹ) bán chip ở Trung Quốc. Mối đe dọa này xuất hiện sau khi Mỹ cấm xuất khẩu chip bán dẫn tiên tiến cho các công ty điện tử Trung Quốc và khiến các đồng minh của Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu thiết bị và vật liệu sản xuất cho phía Trung Quốc”, GS Sato chỉ ra.

Ông cũng nhận xét thêm: “Trung Quốc đang cố gắng thay thế nguồn nhập khẩu chip bằng cách hỗ trợ để các doanh nghiệp nội địa tự lực sản xuất. Vì thế, việc cấm Micron tiếp tục tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc mở rộng thị phần tại thị trường nước này”.

Trả lời Thanh Niên gần đây, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) đánh giá: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích trong việc đặt ra các kênh trao đổi, nhưng những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình xấu đi trong mối quan hệ vẫn không thay đổi”.

Thực tế, Washington và Bắc Kinh vẫn tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới