Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bớt tập trung vào các nhà máy than, chuyển hướng sang các dự án công nghệ sinh học và kỹ thuật số.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang chuyển từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn sang các lĩnh vực ít thâm dụng vốn hơn như công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, theo Nikkei Asia mới đây phân tích dữ liệu đầu tư.
Tờ báo đã thống kê khoản đầu tư mới vào “lĩnh vực xanh” của Trung Quốc, từ công cụ giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài fDi Markets của tờ Financial Times.
Máy bay chở khách ‘Made in China’ bắt đầu hoạt động
Kỹ thuật số
Theo số liệu thống kê, đầu tư vào công nghệ thông tin, truyền thông và linh kiện điện tử đạt tổng cộng 17,6 tỉ USD vào năm 2022, cao hơn gấp 6 lần so với năm 2013, khi sáng kiến Vành đai và Con đường ra mắt.
Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều dự án hơn, như trung tâm dữ liệu mới của chính phủ Senegal. Cơ sở này nằm dưới sự bảo vệ của quân đội và cách thủ đô Dakar nửa giờ lái xe. Hoàn thành vào năm 2021, cơ sở này là một dự án hợp tác với Trung Quốc, với các máy chủ do Huawei Technologies cung cấp.
Ông Cheikh Bakhoum, tổng giám đốc Senegal Numerique – cơ quan nhà nước quản lý cơ sở trên – cho biết trung tâm đã đưa dữ liệu trở lại Senegal, trước đó vốn được lưu trữ trên các máy chủ nước ngoài do các công ty phương Tây điều hành. Điều này giúp giảm chi phí, đồng thời lấy lại chủ quyền kỹ thuật số.
Senegal cũng đã lắp đặt một tuyến cáp quang biển và camera giám sát đô thị bằng nguồn vốn từ Trung Quốc. Dữ liệu từ các camera được phân tích bằng phần mềm chuyên dụng.
Theo phó giáo sư Dai Mochinaga tại Viện Công nghệ Shibaura của Nhật Bản, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được phát triển trong nước vào cuối những năm 2000.
“Xu hướng này tăng mạnh vào khoảng năm 2013, khi Huawei mở rộng đầu tư ra nước ngoài”, ông cho biết.
Công nghệ sinh học
Bên cạnh kỹ thuật số, công nghệ sinh học là một lĩnh vực tăng trưởng lớn khác trong đầu tư của Trung Quốc, tăng gấp 29 lần từ năm 2013 đến năm 2022 lên 1,8 tỉ USD.
Phát triển vắc xin Covid-19 là một ví dụ điển hình. Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 2 tỉ liều vắc xin trên toàn thế giới vào cuối năm 2022, tiếp cận các quốc gia mới nổi.
Trong khi đó, châu Âu có các nhà sản xuất vắc xin lớn lại chủ yếu tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu địa phương.
Công ty Abogen Bioscatics của Trung Quốc đã cấp phép công nghệ phát triển vắc xin ARN thông tin cho công ty khởi nghiệp Etana Biotechnologists của Indonesia, công ty đã hoàn thành một cơ sở sản xuất vắc xin vào năm ngoái, với mục tiêu sản xuất 100 triệu liều.
Ông Andreas Donny Prakasa, trưởng bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại Etana Biotechnologies, cho biết việc cấp phép công nghệ là cách nhanh chóng để bắt kịp thế giới và Trung Quốc đã phản ứng nhanh nhạy.