Chỉ trong tháng 5/2023, Trung Quốc đã có một loạt hành động hung hăng ở Biển Đông. Điều đáng nói là những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông ngay bước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 diễn ra ở Indonesia; cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc 20 bàn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) diễn ra ở thành phố Hạ Long của Việt Nam và trong lúc tàu hải quân Trung Quốc thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Những động thái hiếu chiến này của Bắc Kinh đã làm Biển Đông nóng lên trong những ngày đầu hè oi bức.
Kể từ ngày 07/5/2023, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh và tàu dân quân biển vào hoạt động khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhóm tàu Hướng Dương Hồng 10 đã xâm nhập sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam vài chục hải lý. Đáng chú ý là nhóm tàu này đã tiến gần tới khu vực mà các giàn khoan dầu khí đang hoạt động bình thường lâu nay để đe dọa, uy hiếp các hoạt động dầu khí của Việt Nam với các đối tác Nga và Nhật Bản. Hôm 18/5, Hà Nội đã lần đầu tiên lên tiếng công khai phản đối Trung Quốc về những hoạt động này, khi Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết “Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình”.
Tiếp đó, ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc phớt lờ yêu cầu nêu trên của Việt Nam. Ngày 26/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược khẳng định “chúng tôi chắc chắn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.” và trắng trợn nói rằng ” Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và các vùng biển lân cận, đồng thời có quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan. Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc, điều đó hợp pháp và hợp lệ, đồng thời không có vấn đề gì khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác”.
Theo một số nguồn tin thậm chí hôm 28/5 Trung Quốc còn điều thêm một tàu nghiên cứu thứ hai mang tên Gia Canh (Jia Geng) vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía Tây quần đảo Trường Sa. Đến chiều 30/5, nó đi vào vùng đặc quyền kinh tế Indonesia sau khi di chuyển trong khu vực khai thác chung của Việt Nam và Malaysia ở phía nam quần đảo Trường Sa.
Trong lúc nhóm tàu Hướng Dương Hồng 10 đang có những hoạt động xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì Trung Quốc cho lắp đặt ba phao đèn báo hiệu tại 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, gồm Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), Đá Gaven (Geven Reef) và Đá Cá Nhám (Irving Reef). Hôm 24/5, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc thông báo về việc Trung tâm Bảo đảm an toàn hàng hải lắp đặt 3 phao đèn báo hiệu kể trên để “đảm bảo sự an toàn đi lại của tàu thuyền”. Ngày 25/5, Việt Nam lên tiếng phản đối việc làm bất hợp pháp này của Trung Quốc qua phát biểu của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh: “Việc lắp đặt phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, vì vậy không có giá trị pháp lý”; “yêu cầu các bên liên quan không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biến Đông (DOC), giữ gìn môi trường hòa bình, ốn định và hợp tác ở Biển Đông.” Trước đó, Hà Nội đã lên tiếng phản đối việc Philippines lắp đặt 5 phao tiêu ở Biển Đông.
Theo một số nhà quan sát độc lập, trước đó trong các ngày 23 và 24/5 tàu thả phao Hải Tuần 173 đã hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc vừa tuyên bố lắp phao. Một số ý kiến cho rằng việc Tung Quốc cho lắp đặt 3 phao tiêu kể trên là nhằm đáp trả việc Philippines đã lắp đặt 5 phao định vị mang cờ của nước này trước đó 2 tuần. Xét từ bất cứ góc độ nào thì việc cả Philippines và Trung Quốc lắp đặt cáo phao tiêu ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay đều đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Nhất là trong bối cảnh hiện nay các nước ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thì việc làm này của Trung Quốc và Philippines đều không phù hợp, nó ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình đàm phán về COC.
Điều 6 của DOC quy định: “Trong khi chờ đợi một sự dàn xếp toàn diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Những hoạt động này có thể bao gồm các điều sau đây: bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn hàng hải và thông tin trên biển; hoạt động tìm kiếm cứu hộ; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia,….Thể thức, quy mô và địa điểm, đặc biệt là sự hợp tác song phương và đa phương, cần phải được thỏa thuận bởi các bên có liên quan trước khi triển khai thực hiện trong thực tế”.
Căn cứ vào nội dung này, đối với các hoạt động mang danh nghĩa an toàn hàng hải như thả phao, cần phải có sự thỏa thuận bởi các bên liên quan trước khi triển khai thực hiện. Trong khi đó, cả Philippines và Trung Quốc đều đơn phương thực hiện những hành động này. Trên thực tế, việc các nước chạy đua thả phao, đánh dấu ở quần đảo Trường Sa không phải là mới, mà diễn ra âm thầm trong nhiều năm qua. Các quốc gia liên quan vẫn thường xuyên trục vớt, tháo dỡ các loại phao được nước khác thiết lập, đặc biệt ở những thực thể chưa thuộc quyền kiểm soát của nước nào. Tuy nhiên, lần này thì các phao do Philippines thả không bị tháo dỡ mà để đáp lại Trung Quốc cũng lắp đặt các pháo tiêu của họ. Đây có thể là cách làm mới của Bắc Kinh mà lâu nay họ vẫn dọa dẫm các nước rằng “nếu các nước khác có các hoạt động ở trong vùng mà Trung Quốc yêu sách thì Trung Quốc cũng sẽ làm”. Giới quan sát cảnh báo nếu điều đó xảy ra hay nói cách khác các nước đua nhau triển khai các hoạt động của mình ở Biển Đông thì có thể dẫn tới một tình trạng hỗn loạn trên biển.
Cùng với những hoạt động kể trên ngày 23/5/2023 Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Trung Quốc vừa mở một cuộc tập trận với “cường độ cao” ở Biển Đông với một đội tàu hải quân được cho là khá mạnh tham gia, gồm một tàu khu trục lớn 10.000 tấn lớp 055 của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dẫn đầu; tàu khu trục Type 052D Trường Sa và các tàu khu trục Type 054A Liễu Châu và Nhạc Dương trực thuộc lực lượng hải quân của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam Trung Quốc. Cuộc tập trận diễn ra trên bốn khu vực, trong bốn ngày ba đêm với khoảng 80 tiếng.
Có thể thấy, thông qua cuộc tập trận mới này Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh là một cường quốc vô địch ở Biển Đông; nhằm mục tiêu độc chiếm Biển Đông, thì những cuộc tập trận khoe cơ bắp như thế này có hàm ý rằng nếu quốc gia nào ở khu vực mà có hành động đi ngược lại mong muốn của họ, thì sẽ có thể phải đối diện với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và tốt nhất là nên đối thoại, hợp tác riêng rẽ với Trung Quốc. Giới chuyên gia cảnh báo với việc Philippines tăng cường mạnh mẽ quan hệ quân sự với Mỹ thời gian gần đây, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ trở nên thường xuyên hơn. Mục tiêu của Bắc Kinh là chuyển tới các nước láng giềng ven Biển Đông một thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trước hành động khiêu khích và gây bất hòa thông qua sức mạnh quân sự của Mỹ, đồng thời rằng các nước nên đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc. Liên kết tất cả chuỗi hành động này của Trung Quốc, có thể thấy một điều rằng tham vọng độc chiếm Biển Đông chưa bao giờ phai nhạt trong tâm chí của giới lãnh đạo Bắc Kinh; cho dù quốc tế có phản đối như thế nào, Trung Quốc vẫn muốn đạt được điều đó trong tầm tay của họ, và bên cạnh cuộc tập trận như chính báo chí, truyền thông của Trung Quốc đưa tin, một trong những điều quan trọng là họ sẽ luôn luôn quấy nhiễu, đe dọa những quốc gia khác ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của chính quốc gia đó.