Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐối thoại Shangri-La lần thứ 20: Cơ hội cho những thông điệp...

Đối thoại Shangri-La lần thứ 20: Cơ hội cho những thông điệp quan trọng

Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 diễn ra cuối tuần này tại Singapore sẽ quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia để bàn về thách thức an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tại một sự kiện trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Các bộ trưởng quốc phòng, quan chức chính phủ cấp cao, nhà hoạch định chính sách, học giả đến từ hơn 40 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore để thảo luận về một loạt thách thức an ninh cấp bách của khu vực và thế giới. Đối thoại sẽ kéo dài trong thời gian 2-4/6 với khoảng hơn 550 đại biểu tham dự.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ là diễn giả chính với bài diễn văn khai mạc vào ngày 2/6 tới. Đối thoại năm nay sẽ được tổ chức với một chương trình nghị sự mở rộng, tăng cường tính tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự.

Các chủ đề được thảo luận tại Đối thoại bao gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cân bằng và ổn định; giải quyết những căng thẳng trong khu vực; trật tự an ninh hàng hải nổi lên ở châu Á; các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc; quan hệ đối tác mới cho an ninh châu Á – Thái Bình Dương và phát triển các hình thức hợp tác về an ninh.

Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức thường niên tại Singapore. Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.

Căng thẳng Mỹ – Trung

Theo Straits Times, một trong những vấn đề được quan tâm tại Đối thoại Shangri-La năm nay là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng xấu đi. Năm ngoái, tại Đối thoại Shangri-La, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, người đồng cấp Trung Quốc khi đó là ông Ngụy Phụng Hòa cáo buộc Washington tìm cách kiềm chế và “bôi nhọ” Bắc Kinh.

Năm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận, Bộ trưởng Lý Thượng Phúc sẽ lên đường tới Singapore dự Đối thoại Shangri-La vào ngày mai 31/5. Ông sẽ có bài phát biểu tại sự kiện, trong đó nêu ra sáng kiến an ninh mới của Bắc Kinh. Ngoài ra, theo kế hoạch, ông Lý Thượng Phúc sẽ có các cuộc gặp với trưởng đoàn của một số nước bên lề diễn đàn.

Tuần trước, Mỹ cũng thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thăm Singapore và dự Đối thoại Shangri-La. Ông Austin dự kiến gặp gỡ một số nhà lãnh đạo bên lề sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng của Mỹ ở khu vực, thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, lấy ASEAN làm trọng tâm.

Diễn đàn Shangri-La được coi là cơ hội để Trung Quốc và Mỹ đối thoại. Tuy nhiên, báo Wall Street Journal cho hay, Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc tổ chức cuộc họp giữa hai bộ trưởng quốc phòng vào dịp này.

“Đêm qua, quân đội Trung Quốc đã thông báo với phía Mỹ rằng họ từ chối lời đề nghị hồi đầu tháng 5 của chúng tôi về tổ chức cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Lý Thượng Phúc tại Singapore vào cuối tuần này”, thông cáo của Lầu Năm Góc gửi đến báo WSJ cho biết.

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh leo thang căng thẳng kể từ tháng 8 năm ngoái sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan bất chấp sự phản đối gay gắt của Trung Quốc. Tình hình càng xấu đi sau vụ Mỹ bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc đi vào không phận hồi tháng 2 năm nay.

Thông điệp của châu Âu

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm tại Đối thoại Shangri-La 2023 là thông điệp từ các quốc gia châu Âu về mức độ can dự của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tình hình địa chính trị ở khu vực này hiện tác động trực tiếp đến an ninh của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trong khi NATO, Liên minh châu Âu và nhiều nước ở đây mong muốn đóng vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh, quốc phòng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình dương, thông điệp của họ về an ninh khu vực đôi khi không nhất quán.

Hơn nữa, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu châu Âu còn bao nhiêu nguồn lực quân sự cho an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi họ phải tìm cách tăng cường năng lực phòng vệ và răn đe để đối phó cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Do vậy, Đối thoại Shangri-La được coi là cơ hội để các lãnh đạo an ninh châu Âu đưa ra thông điệp then chốt liên quan đến các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của họ đối với vấn đề quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Điều này sẽ rất quan trọng sau sự bất đồng quan điểm ngoại giao gần đây giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen trong chuyến công du đến Trung Quốc. Sau chuyến thăm này, ông Macron nói, châu Âu nên giảm phụ thuộc vào Mỹ để tránh bị cuốn vào các cuộc khủng hoảng như căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, đây không phải quan điểm nhận được sự ủng hộ của toàn châu Âu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới