Hôm chủ nhật, 14/5, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Opinion (Pháp), Tổng thống Macron không hiểu có lỡ lời hay không đã nói rằng: “Nga buộc phải ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, trở thành chư hầu của nước này”.
Từ “chư hầu” nguyên văn tiếng anh là vassal. Báo chí Trung Quốc đều rất tỉnh táo khi dịch là “nước phụ thuộc”. Thật ra, theo các nhà ngoại giao Trung Quốc thì Đại Nga là một cường quốc, không hề phụ thuộc vào Trung Quốc. Và đâu chỉ có Nga dựa vào Trung Quốc mà chính xác là hai nước cùng dựa vào nhau để tồn tại và phát triển, mặc dù hai nước vào những năm 60-70 thế kỷ XX từng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Quan hệ hai nước trở nên khăng khít hơn sau khi Nga phát động cuộc chiến với Ukraine từ đầu năm 2022 và bị phương Tây trừng phạt. Nhờ mối liên kết này mà trong năm 2022 thương mại hai chiều Nga-Trung đã lên tới gần 200 tỉ USD.
Trong một bài phát biểu, giáo sư Trương Duy Vi, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc (Đại học Phục Đán) đưa ra quan điểm: Phương Tây đang cố tình khiêu khích Nga và Trung Quốc. Ông Macron – Tổng thống Pháp làm thế là muốn xóa bỏ sự đe dọa của Nga đối với châu Âu.
Theo ông Trương, Bắc Kinh từ lâu đã rất chú ý mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung. Phải thấy rõ điều này, Nga có một nền văn minh vĩ đại, là một quốc gia vĩ đại. Cho nên khi phương Tây khiêu khích thì Trung Quốc phải hết sức tỉnh táo, vì nó dễ làm tổn thương hai dân tộc. Đoàn kết vì sự ổn định, phát triển của hai nước là xu thế lớn không bao giờ thay đổi.
Về phía Nga, ngày 15/5, Thư ký báo chí điện Kremli, ông Peskov lên tiếng: Rằng Moscow “tuyệt đối không đồng ý” nhận xét “xằng bậy” của Tổng thống Pháp. Mối quan hệ giữa hai nước hoàn toàn không liên quan tới bất kỳ sự ỷ lại nào. Phương Tây thật tráo trở khi luôn thay đổi nhận xét về mối quan hệ giữa các quốc gia. Khi châu Âu dựa vào năng lượng của Nga thì Mỹ lên án châu Âu ỷ lại Nga. Thế nhưng khi Trung Quốc dựa vào nguồn năng lượng của Nga thì các nước phương Tây lại nói ngược, rằng Nga trở thành chư hầu của Trung Quốc (!).
Vẫn biết Nga buộc phải nhìn sang phía Đông là bởi chịu sự trừng phạt nặng nề của phương Tây. Song đó là chuyện khác, nó chẳng hề liên quan đến chuyện ông Macron miệt thị một quốc gia hùng mạnh là “chư hầu”. Không ai có thể bác bỏ hai “ông lớn hạt nhân” Nga và Trung Quốc. Không ai quên hai nước này có tiếng nói nặng ký vì đều là thành viên của Thường trực HĐBA Liên hợp quốc.
Những ngày này, Trung Nam Hải và Điện Kremlin đều cố “lờ” chuyện “lỡ lời” của ông Macron. Chả dại gì mà khới vào đống than chờ hực lửa. Nhưng “lờ” cũng không xong vì đấy là tiếng nói từ “miệng kẻ sang có gang có thép”. Pháp cũng là một trong 5 nước thành viên Thường trực HĐBA Liên hợp quốc, đâu có kém cạnh gì Nga và Trung Quốc. Và thế là hiệu ứng Macron cứ loang rộng như vết dầu loang ở hai quốc gia này.
Một vị phó giáo sư ở Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho rằng: Macron đã làm cho dư luận kinh ngạc. Không chỉ nói Nga trở thành chư hầu, Tổng thống Pháp còn nói rằng, Nga đã đoạn tuyệt quan hệ với phương Tây. Rõ ràng Macron có ý đồ xấu. Hồi tháng 4/2023 khi Trung Quốc và Pháp ký nhiều hiệp định hợp tác, với nguồn đầu tư khá lớn đổ vào mảnh đất tư bản già cỗi châu Âu, Macron đã vô cùng phấn khích.
Vậy mà, ông ta bỗng nhiên quay ngoắt. Cáo buộc của Tổng thống Pháp như đám mây đen dăng kín bầu trời hữu nghị Nga-Trung. Bạn đọc còn nhớ, Macron kêu gọi sớm chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, với yêu cầu Nga không được… thắng. Yêu cầu này nói khác đi là Nga phải thua. Thua rồi thì Nga sẽ không còn là mối đe dọa đối với châu Âu.
Trung Quốc không dám coi Nga là “chư hầu” mà chỉ mong là một đối tác lớn. Hai nước đã có những hợp tác mang lại lợi ích rất lớn. Mới đây, Hải quan Trung Quốc tuyên bố, dùng cảng Vladivostok (cảng biển lớn nhất của Nga trên bờ Thái Bình Dương) làm cửa khẩu trung chuyển quá cảnh cho hàng nội địa Trung Quốc. Trung Quốc có hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang có nhiều khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhưng không có cảng biển, trước đây đều phải xuất khẩu qua đường bộ và đường sắt vừa mất nhiều thời gian vừa chịu giá thành cao. Nay có cảng Vladivostok như hổ thêm cánh. Hàng hóa hai nước lưu thông thuận tiện, nhanh chóng, giảm giá thành.
Vậy là đã rõ, cả Bắc Kinh và Moscow đang xích lại gần nhau, cho dù đó chỉ là mối quan hệ mang tính đối tác, không hẳn là một liên minh vĩnh viễn. Quan hệ Nga-Trung do hai nước quyết định, không tác động nào có thể thay đổi.
Chuyện mở lời, hay lỡ lời của Tổng thống Pháp Macron không ảnh hưởng tới quan hệ mặn nồng hiện nay, dẫu vẫn biết, Bắc Kinh vẫn khôn khéo trong ứng xử với Mỹ, Pháp, Ukraine… để tránh rước lửa về nhà mình. Chỉ có như thế, Bắc Kinh mới giữ được vai trò trung tâm hòa giải của một cường quốc, thực hiện được “giấc mơ Trung Hoa” trong vài ba thập niên tới.
H.Đ