Được xem là đối thủ của Airbus và Boeing, liệu chiếc máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất có thể đánh bại các thương hiệu lâu đời của thế giới.
Sau 16 năm nghiên cứu, C919 – chiếc máy bay thương mại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất – chính thức xuất hiện trên bầu trời nước này.
Truyền thông Trung Quốc cho biết đã có hơn 10.000 người “tranh giành” 30 chiếc ghế may mắn trên chuyến bay của Hãng hàng không China Eastern Airlines đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh.
Chiếc máy bay phản lực đầu tiên được đưa vào chở khách của Trung Quốc được cho sẽ đối đầu với các dòng máy bay cỡ trung, thân hẹp có một lối đi Boeing 737 và Airbus A320.
Theo tờ Wall Street Journal, sự xuất hiện của dòng máy bay C919 do COMAC sản xuất đã đánh dấu một thách thức có phần mang tính biểu tượng đối với Boeing và Airbus.
C919 rẻ hơn Airbus và Boeing
Về giá cả, một chiếc C919 được COMAC báo giá ở mức 90 – 100 triệu USD, rẻ hơn hẳn so với hai đối thủ của nó. Hiện nay một chiếc Airbus A320neo có giá khoảng 110 triệu USD hay một chiếc Boeing 737 Max 8 có giá khoảng 121 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu so sánh về nhiều mặt khác thì C919 vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn để cạnh tranh.
Như về số lượng hành khách, chiếc C919 chỉ có thể chở tối đa 168 hành khách, trong khi Airbus A320neo chở tối đa 195 hành khách và Boeing 737 Max 8 là 210 hành khách. Lợi thế về sức chứa số lượng hành khách đang nghiêng về hai nhà sản xuất máy bay đến từ châu Âu và Mỹ.
Bên cạnh đó, C919 cũng chứa ít hơn gần 6.000 lít nhiên liệu so với A320neo, khiến thời gian bay của dòng máy bay đến từ Trung Quốc ngắn hơn.
Về kích thước, chiều dài của C919 là 38,6m, khá tương đồng với chiều dài 37,6m của Airbus A320 và 39,5m của Boeing 737. Chiều cao của C919 bằng với Boeing 737 là 12,5m, trong khi Airbus A320 chỉ 11,8m.
Tầm bay của C919 gần bằng với hai dòng máy bay thương mại hàng đầu hiện nay. Cụ thể, tầm bay của C919 là 5.555km, tầm bay của Airbus A320 là 5.700km và Boeing A737 là 5.665km.
Ngoài ra, để có thể chiến thắng trong cuộc chiến giành thị phần với Boeing và Airbus, C919 phải nhanh chóng sản xuất nhiều máy bay hơn.
Boeing và Airbus đều là những nhà sản xuất máy bay chú trọng cải tiến công nghệ nhằm tăng tính hiệu quả, độ bền, giảm tiếng ồn và khí thải cho các tàu bay của mình.
Cụ thể, dòng A320neo của Airbus có thể giảm được gần 50% mức độ ảnh hưởng tiếng ồn, 15% lượng nhiên liệu tiêu thụ và có lượng nitơ oxit (NOx) phát thải ít hơn khoảng 50% so với các dòng tàu bay trước.
Trong khi đó, dòng 787 Dreamliner của Boeing có thể giảm được 20% trong tiêu thụ nhiên liệu, giảm đến 60% tầm ảnh hưởng tiếng ồn so với các tàu bay có cùng kích cỡ hiện nay.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, chiếc C919 sử dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến như bố cục khí động tiên tiến, động cơ tốn ít nhiên liệu, tiếng ồn thấp.
Một điểm đáng chú ý, tuy “khai sinh” ở Trung Quốc nhưng gần như toàn bộ các bộ phận quan trọng gồm động cơ và hệ thống điều khiển của C919 đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Việc Mỹ đang siết chặt các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc có thể khiến COMAC gặp khó khăn trong việc chế tạo chiếc máy bay thương mại thân hẹp C919.
Các chuyên gia nói gì?
Báo Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ các số liệu về hiệu suất của C919, trong đó bao gồm độ an toàn, mức tiết kiệm nhiên liệu, tần suất chậm chuyến và hủy chuyến để có thể đưa ra nhận xét tổng quan nhất về dòng máy bay này.
Ông Mike Yeomans – người đứng đầu bộ phận định giá tại IBA (một công ty phân tích hàng không có trụ sở tại Anh) – đánh giá rằng C919 đã được ứng dụng rất nhiều công nghệ mới nhất, hiện đại nhất.
Nhà kinh tế Max J.Zenglein – người đứng đầu Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, Đức) – thì nhận định dù sự ra đời của C919 đánh dấu điểm khởi đầu trong việc thách thức hai dòng máy bay thương mại phổ biến như Boeing và Airbus, nhưng có lẽ sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể chứng kiến một sự thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu.
Chưa kể để có được điều đó, còn phải phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của C919.
T.P