Người Hồi giáo Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam đã đụng độ với cảnh sát vũ trang khi cố gắng ngăn cản chính quyền cưỡng chế phá hủy một phần kiến trúc của một nhà thờ Hồi giáo tại địa phương.
Một số video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, vào ngày 27/05, những người biểu tình đã tập trung ở lối vào Nhà thờ Hồi giáo Najiaying ở thị trấn Nagu, thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc.
Rất đông cảnh sát đặc nhiệm được trang bị dùi cui và khiên chống bạo động đã tạo thành bức tường người chặn lối vào nhà thờ Hồi giáo để cấm người dân vào trong.
Trong một đoạn video, một số người biểu tình đã cố gắng tấn công hàng rào cảnh sát, một số khác đã đẩy giàn giáo – vốn được dựng để phá hủy bức tường bên ngoài của nhà thờ Hồi giáo từ thế kỷ 14 này.
Cảnh sát đã sử dụng biện pháp bạo lực để giải tán đám đông, dẫn đến xô xát ác liệt giữa hai bên.
Các cuộc thảo luận trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc về vụ việc đã nhanh chóng bị kiểm duyệt.
Một người dùng có tên Ma Ju đã đăng một số đoạn video lên Twitter để cập nhật về vụ việc; điều này thu hút sự chú ý của nhiều hãng truyền thông lớn của phương Tây.
Trong một bài đăng, người dùng Ma Ju cho biết chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã triển khai một lượng lớn cảnh sát khắp thành phố.
Cũng theo ông Ma, các phương tiện chặn sóng cũng đã được triển khai để ngắt kết nối điện thoại di động trong khu vực với Internet.
“Hôm nay, hơn 30 người đã bị bắt, một số người đã được những người biểu tình khác giành giật lại từ tay cảnh sát”, ông Ma viết trong một bài đăng trên Twitter ngày 27/05. Bài đăng có video quay cảnh một người đàn ông bị còng tay với vết bầm tím trên ngực và có thể nghe thấy một người phụ nữ phàn nàn về cách anh ta bị đối xử.
Ngày 28/05, một đoạn video cho thấy dưới sự hộ tống của cảnh sát vũ trang, đội công binh tiếp tục tiến vào Najiaying, chuẩn bị cho việc cưỡng chế phá dỡ.
Cũng trong ngày 28/05, cảnh sát địa phương Trung Quốc đã đưa ra một thông báo, trong đó nói rằng một vụ việc “gây rối trật tự xã hội nghiêm trọng đã xảy ra ở thị trấn Nagu vào ngày 27/05” và đưa thời hạn ngày 06/06 cho những người biểu tình tự ra đầu thú.
Ông Ma đã viết trên Twitter vào ngày 29/05 như sau: “Tôi hẳn đã làm điều gì đó đúng đắn. Trong vài ngày qua, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn riêng trên Twitter dọa giết tôi”. Ông đính kèm các ví dụ về việc bị dọa giết trong bài đăng.
‘Hán hóa’ các nhà thờ Hồi giáo
Yang Na (hóa danh), một người đàn ông Hồi giáo Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 29/05 rằng xung đột bắt đầu nổ ra khi người Hồi giáo từ chối yêu cầu của chính quyền Trung Quốc rằng nhà thờ Hồi giáo phải được làm lại theo phong cách Trung Quốc.
“Họ [chính quyền Trung Quốc] muốn phá hủy một số phần của nhà thờ Hồi giáo và xây dựng lại [theo phong cách Trung Quốc]. Hai phong cách sẽ không phù hợp; nó quá xấu”, ông Yang nói.
Nhà thờ Hồi giáo Najiaying có lịch sử hơn 600 năm. Nhà thờ này cao 4 tầng, có mái vòm và 4 tháp nghi lễ, có thể chứa hơn 3.000 người. Chính quyền có kế hoạch dỡ bỏ mái vòm và tháp của nhà thờ.
Trong những năm gần đây, chính quyền ĐCSTQ đã yêu cầu “Hán hóa” tôn giáo, yêu cầu các nhà thờ Hồi giáo mới được xây dựng phải có mái vòm kiểu cung điện Trung Quốc thay cho mái vòm kiểu Hồi giáo.
Ông Yang nói rằng có hơn 10.000 cư dân ở Najiaying, hầu hết là người Hồi giáo Trung Quốc (Hui Muslims).
“Kể từ sáng ngày 27/05, cảnh sát đặc nhiệm đã phong tỏa tất cả các con đường ở thị trấn Najiaying; không ai có thể vào, chỉ có thể ra”, ông Yang nói.
“Vào thời điểm đó, ít nhất 1.000 cảnh sát đặc nhiệm đã tiến vào thị trấn với súng và đạn dược. Họ đã cố gắng đột nhập vào nhà thờ Hồi giáo, nhưng những người biểu tình địa phương không cho phép họ vào”.
“Yêu cầu của chúng tôi đơn giản là không phá hủy những thứ đó. Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Hiện tại, chúng tôi, những người Hồi giáo, quyết tâm chết vì nó, và chúng tôi không thể làm điều gì khác. Nếu thêm vài người nữa bị bắt đi, đổ máu nhất định sẽ xảy ra. Bây giờ nó đã leo thang đến mức [chính quyền] phải triển khai cảnh sát chống bạo động, sử dụng các phương tiện vốn dùng để đối phó với những kẻ bạo loạn để chống lại chúng tôi”.
Ông Yang nói thêm rằng các nhà chức trách hiện đã chặn tin tức về vụ việc.
“Họ không nói chuyện gì đã xảy ra trong thông báo của cảnh sát mà chỉ nói rằng đã xảy ra vụ việc gây rối trật tự xã hội. Nếu ai đó đưa tin lên mạng, họ sẽ gọi điện đe dọa. Tôi đã nhận được một cuộc gọi từ cảnh sát, đe dọa tôi không được đăng bất cứ điều gì về vụ việc”.
Ngoài ra, chính quyền đã lắp đặt camera trong các nhà thờ Hồi giáo trước khi vụ việc xảy ra và cử mật vụ đóng giả người Hồi giáo tham dự lễ thờ phượng để tìm kiếm thông tin, ông Yang cho biết.
The Epoch Times đã gọi đến hơn chục số điện thoại di động và điện thoại cố định ở Najiaying vào ngày 29/05. Hầu hết cho thấy rằng các cuộc gọi đã được trả lời, nhưng không có âm thanh nào phát ra.
Quốc tế chú ý
Các phương tiện truyền thông phương Tây và Trung Đông đã đưa tin về vụ việc và đăng lại các video về cuộc đụng độ.
Ông Ma viết trên Twitter vào ngày 30/05 như sau: “Nhờ sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu, các bài đăng lại trên Twitter và lời kêu gọi của các bạn, kể từ ngày 30/05 theo giờ địa phương, mọi thứ hiện tại đều ổn”. Các vụ bắt giữ hàng loạt và đổ máu vẫn chưa xảy ra.
Người phát ngôn Dilshat Rishit của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới nói với The Epoch Times vào ngày 29/05 rằng cộng đồng quốc tế cần phải thừa nhận một điều, đó là mục đích của ĐCSTQ là tước bỏ quyền tín ngưỡng tâm linh của mọi người.
“ĐCSTQ đã mở rộng các chính sách cực đoan nhằm xóa bỏ niềm tin tâm linh và phá hủy các nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương, chống lại người Duy Ngô Nhĩ và chống lại phần còn lại của Trung Quốc”, người phát ngôn Rishit nói.
Ngày 30/05, Hội đồng Quan hệ Mỹ – Hồi giáo, tổ chức vận động về quyền dân sự của người Hồi giáo lớn nhất ở Hoa Kỳ, đã kêu gọi chính quyền Biden hành động để ngăn chặn Trung Quốc phá hủy một phần nhà thờ Hồi giáo, ngăn chặn Trung Quốc đàn áp người thiểu số Hồi giáo cũng như các hoạt động của người Hồi giáo ở Trung Quốc đại lục.
T.P