Diễn đàn an ninh cấp cao khu vực thường niên hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 2-4/6/2023 tại Singapore với sự tham dự của gần 600 đại biểu từ trên 40 quốc gia, cùng chương trình nghị sự dày đặc. Trong 3 ngày làm việc khẩn trương, nhiều vấn đề an ninh quốc phòng nóng của khu vực và thế giới đã được các đại biểu thảo luận. Bên cạnh vấn đề khủng khoảng Ukraine, vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan trở thành tiêu điểm của các cuộc tranh luận về an ninh khu vực. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023 hôm 3/6, đề cập tới vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Washington sẽ không chấp nhận việc “cưỡng bức và bắt nạt” của Trung Quốc đối với các đồng minh và đối tác của mình. Liên quan đến hành vi máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc bay chặn ngang một máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ ở Biển Đông, Bộ trưởng Austin chỉ trích Trung Quốc về hành động nguy hiểm đối với máy bay Mỹ và đồng minh hoạt động hợp pháp trong không phận quốc tế ở Biển Đông, đồng thời khẳng định “chúng tôi (Mỹ) không muốn có xung đột hay đối đầu, nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước sự ức hiếp hay chèn ép”.
Liên quan đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, Bộ trưởng Austin khẳng định Mỹ cam kết mạnh mẽ về việc duy trì hiện trạng tại đó; nhất quán với chính sách “một Trung Quốc” và với việc hoàn thành cam kết lâu nay theo Đạo luật quan hệ với Đài Loan; nhấn mạnh Mỹ phản đối những thay đổi đơn phương từ cả hai phía và nói rằng “xung đột không phải sắp xảy ra mà cũng không phải không thể tránh khỏi. Sự răn đe ngày nay rất mạnh và nhiệm vụ của chúng ta là duy trì nó như vậy”.
Bộ trưởng Austin nhắc lại rằng Mỹ không hề muốn Chiến tranh Lạnh. Ông Austin cho rằng cạnh tranh không bao giờ trở nên xung đột và khu vực này sẽ không bao giờ bị chia ra thành những khối thù địch nhau. Ông Austin nói Washington không tạo ra và cũng không muốn tạo nên một “NATO tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như cáo buộc mà Bắc Kinh luôn lặp đi lặp lại. Washington muốn xây dựng “những liên minh nhanh nhẹn nhằm tăng tiến tầm nhìn chung” để làm cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “thêm ổn định và linh hoạt hơn”.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã phê phán việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ chối yêu cầu gặp mặt của ông Austin tại Đối thoại Shangri-La. Ông Austin chỉ trích việc đối tác từ chối tiến hành các cuộc đối thoại quân sự, khiến hai cường quốc mắc kẹt trong những khác biệt; cho rằng đối với những vị lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thì thời điểm phù hợp để nói chuyện là bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào và sự liên lạc liên tục giữa các quốc gia là điều cần thiết để tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột khi nhấn mạnh đối thoại “không phải là phần thưởng, mà là sự cần thiết”; đồng thời, khuyến khích Trung Quốc duy trì mở các đường dây liên lạc giữa hai nước.
Đáp lại, trong bài phát biểu tại Shangri-La hôm 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đổ lỗi cho Mỹ và cáo buộc: “Một số quốc gia ngoài khu vực đang thực hiện ‘bá quyền về hàng hải’ với cái tên là ‘tự do hàng hải’. Họ muốn khuấy đục vùng nước vì lợi ích của mình” và cao giọng rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ và các đồng minh trở thành “một tiền đề thực thi quyền bá chủ hàng hải”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng: “Nhờ những nỗ lực chung của các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, các trao đổi và hợp tác đã phát triển mạnh hơn”. Không những thế, ông Lý Thượng Phúc còn lập luận rằng: “Trong khi các quốc gia trong khu vực đang có những trao đổi và tư vấn để giải quyết hợp lý những khác biệt thì các quốc gia bên ngoài liên tục gieo bất đồng và đổ lỗi”.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, các học giả trong khu vực đã liên tục đưa ra các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trung Quốc về việc một tàu khu trục của nước này đã di chuyển “không an toàn” gần một tàu chiến Mỹ ở eo biển Đài Loan vào ngày 3/6, cũng như Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên vùng Biển Đông chồng lấn các yêu sách chủ quyền. Trước đó, đã có các thông tin về việc tàu Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ Chong Hoon và tàu khu trục Canada HMCS Montreal khi 2 tàu chiến này đi qua eo biển Đài Loan ngày 3/6 sau khi hoạt động ở Biển Đông. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết 2 tàu này chỉ thực hiện các hoạt động thường lệ theo quy định về quyền tự do trên biển.
Giới quan sát nhận định phát biểu của ông Lý Thượng Phúc hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra trên thực tế. Tình hình Biển Đông trong các tháng qua đang căng thẳng với việc các nước bao gồm Philippines, Việt Nam tố cáo Trung Quốc điều tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. Hôm 25/5, Hà Nội chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của mình sau nhiều ngày các tàu này hoạt động trái phép. Tuy nhiên, bất chấp những phản đối của Hà Nội, các tàu Trung Quốc tiếp tục hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược nói rằng các tàu này hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Kinh và rằng “tàu Trung Quốc không đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”. Tình hình này cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đang “đổi trắng thay đen” để lừa dư luận.
Chứng kiến “lời qua tiếng lại” giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, ông Ian Chong – Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng “cạnh tranh Mỹ-Trung là một tiêu điểm của Đối thoại Shangri-La 2023 vì nó ảnh hưởng lớn tới tình hình trong và cả bên ngoài khu vực”. Còn nhà nghiên cứu chính trị Trương Gia Dĩnh (Chong Ja Ian), làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, bình luận: “Những thực tế này phản ánh rõ khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc, cho thấy bất kỳ hy vọng về một giải pháp nào đó đều là ngây thơ. Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ còn kéo dài”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Thu Hương thuộc Trung tâm Chiến lược & Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho rằng “sự chia rẽ giữa hai cường quốc đã trở nên một thực tế mới”. Việc Bắc Kinh từ chối đề nghị của Lầu Năm Góc về tổ chức cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước bên lề Đối thoại Shangrri-La càng chứng tỏ sự thiếu thiện chí của Trung Quốc. Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định: “Trong các cuộc thảo luận song phương bên lề diễn đàn, Trung Quốc có thể không nhất thiết phải tỏ ra hung hăng. Họ có thể tham gia vào một phần thảo luận ‘tích cực hơn hoặc ở cấp độ ít hung hăng hơn’”.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo các nước tham gia Đối thoại Shangri-La trong phát biểu của mình đã đề cập tới những căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng theo hướng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho rằng Trung Quốc là một lực lượng gây ra trục trặc trong khu vực, mặt khác khẳng định tàu thuyền Canada sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông hay eo biển Đài Loan.
Hiểu rõ tính phức tạp của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng, phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La hôm 2/6, Thủ tướng Úc Anthony Albanese – khách mời cao nhất của Đối thoại Shangri-La 2023 – kêu gọi Mỹ và Trung Quốc hãy tương tác với nhau nhiều hơn nữa; nhấn mạnh “Nếu không có van giảm áp là đối thoại, luôn luôn có một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là các suy diễn nảy sinh thành hành động và phản ứng không thể cứu vãn nổi” và “Hậu quả của một sự cố như vậy – dù ở eo biển Đài Loan hay ở nơi nào khác (hàm ý Biển Đông) – sẽ không chỉ giới hạn với những cường quốc hay nơi xảy ra xung đột, mà các hậu quả đó sẽ cực kỳ ghê gớm đối với thế giới”.
Về những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, trong trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều nay 4/6 khi kết thúc Đối thoại Shangri-La 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bày tỏ hy vọng, một triển vọng tích cực, nồng ấm hơn trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc là điều mà nhiều nước mong đợi để đóng góp cho các nỗ lực giải quyết các thách thức chung; nhấn mạnh: “Cả hai bên phải chấp nhận thực tế là sẽ không tránh khỏi những quan điểm đối lập trong chính sách của mỗi nước, dù là về vấn đề Đài Loan hay Biển Đông. Và dù là cả hai bên đều không muốn xảy ra xung đột, nhưng họ phải thừa nhận sẽ là chặng đường dài để thu hẹp những bất đồng, bởi có những bất đồng sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ. Nhưng hãy luôn tin tưởng vào một mối quan hệ khả thi”.
Sự có mặt hùng hậu của đoàn đại biểu Liên minh châu Âu cũng là một điểm mới tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Tình hình địa chính trị ở châu Á- Thái Bình Dương được cho là sẽ tác động trực tiếp đến an ninh của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng. Chính vì thế, Đối thoại Shangri-La được coi là cơ hội để các lãnh đạo an ninh châu Âu đưa ra thông điệp then chốt liên quan đến các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của họ đối với các vấn đề an ninh khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Điều này phù hợp với sự chuyển hướng chính sách của châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời gian gần đây và sự hiện diện của tàu chiến các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý tại Biển Đông và khu vực từ năm 2021 tới nay. Phát biểu tại diễn đàn, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh châu Âu và châu Á- Thái Bình Dương lợi ích trực tiếp đối với an ninh của nhau và hợp tác cùng nhau là giải pháp duy nhất để duy trì một trật tự dựa trên pháp luật.
Đáng chú ý, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh các nước cần ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng. Bộ Quốc phòng Đức thông báo: “Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Liên bang Đức đã gửi một tàu khu trục nhỏ đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2021, và một lần nữa, vào năm 2024, sẽ triển khai các phương tiện hàng hải – lần này là một tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế – đến khu vực”. ông Boris Pistorius nhấn mạnh: “Việc triển khai này đóng góp vào bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà tất cả chúng ta đã ký kết và là thứ mà tất cả chúng ta nên được hưởng lợi – có thể là ở Địa Trung Hải, Vịnh Bengal hay Biển Đông”. Mặc dù ông Boris Pistorius bày tỏ việc triển khai tàu chiến của Đức không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, song giới phân tích đều cho rằng đây là động thái của Berlin phối hợp cùng đồng minh can dự vào Biển Đông và khu vực nhằm kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez thể hiện lập trường kiên quyết đối với các tranh chấp ở Biển Đông khi nhấn mạnh “Chúng tôi coi phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 không chỉ đặt ra chân lý và lẽ phải ở Biển Đông, mà còn là nguồn cảm hứng cho cách thức các quốc gia đối mặt với hoàn cảnh thách thức tương tự nên xem xét các vấn đề”. Phát biểu của ông Galvez báo hiệu đường lối cứng rắn của Manila, đồng thời hàm ý kêu gọi các nước ven Biển Đông khác noi gương Philippines trong cuộc đấu tranh bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Với 7 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận song song và nhiều cuộc gặp song phương bên lề, Đối thoại Shangri-La đã bế mạc chiều Chủ nhật 4/6. Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí còn khốc liệt hơn đã chi phối sự chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2023, vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan tiếp tục là những chủ đề nóng được các đại biểu quan tâm. Đã có những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc thể hiện qua phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước, song một điểm toát lên tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 là đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Hầu hết các đại biểu ủng hộ quan điểm chung là thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực, lên án cách hành xử hung hăng, cường quyền dù lả ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan.