Thursday, May 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - Trung căng thẳng tăng cao, đối thoại khó khăn

Mỹ – Trung căng thẳng tăng cao, đối thoại khó khăn

Căng thẳng Mỹ – Trung tiếp diễn không chỉ bên trong Đối thoại Shangri-La, mà còn cả trên biển khi giữa lúc hội nghị này đang diễn ra thì tàu chiến 2 bên suýt đụng nhau.

Hôm qua, Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, bước vào phiên thảo luận chính thức trong lịch trình kéo dài từ ngày 2 – 4.6.
Gay gắt lời qua tiếng lại

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 3.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ trích Trung Quốc đã thiếu thiện chí đối thoại để giải quyết căng thẳng giữa hai bên.

Trước đó, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị của Washington về việc Bộ trưởng Austin sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-La. Đến tối 2.6, tại tiệc tối của sự kiện, hai ông bắt tay và có trao đổi ngắn. Nhưng Bộ trưởng Austin cho rằng: “Một cái bắt tay thân mật trong bữa tối không thể thay thế cho một sự gắn kết thực chất”.

Reuters dẫn lời lãnh đạo Lầu Năm Góc, phát biểu tại đối thoại, nhấn mạnh: “Tôi lo ngại sâu sắc rằng Trung Quốc không sẵn sàng tham gia nghiêm túc hơn vào các cơ chế tốt hơn để kiểm soát khủng hoảng giữa quân đội hai nước”. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với chuỗi cung ứng.
Đáp trả lại, trả lời phỏng vấn CCTV bên lề Đối thoại Shangri-La, một trung tướng đại diện phái đoàn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng: “Quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang gặp khó khăn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ”. Vị trung tướng này cũng khẳng định: “Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ quân sự Trung Quốc – Mỹ, các tương tác và liên lạc của chúng tôi chưa bao giờ bị đình chỉ”. Qua đó, ông chỉ trích Washington đang “củng cố chủ nghĩa bá quyền, kích động đối đầu”. Về vấn đề Đài Loan, vị trung tướng Trung Quốc còn cho rằng các bình luận của Bộ trưởng Austin là “hoàn toàn sai lầm”.
Căng thẳng khó giải quyết

Trả lời Thanh Niên tối 3.6, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật cho biết: “Liên lạc và đối thoại là những trụ cột cơ bản để đảm bảo ngăn chặn khủng hoảng leo thang và làm rõ những gì các quốc gia đang làm. Những phát biểu của Bộ trưởng Austin phù hợp với kinh nghiệm của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh khi tìm kiếm các kênh liên lạc với Nga để tránh một cuộc xung đột hạt nhân”.

GS Nagy phân tích thêm: “Đối với Trung Quốc, nước này nhìn mọi thứ qua lăng kính của sự bất an lâu năm, trong đó Bắc Kinh cho rằng Washington sẽ sử dụng những biện pháp tạm dừng chiến thuật để làm suy yếu và kiềm chế Trung Quốc càng nhiều càng tốt”.

Ở cấp độ sâu hơn, theo ông Nagy, Bắc Kinh có thể cho rằng việc Mỹ tăng cường hợp tác với các nước lân cận Trung Quốc hay những biện pháp cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc đang đè nặng lên Bắc Kinh. Vì thế, với Bắc Kinh thì bất kỳ sự hợp tác nào với Washington, bao gồm cả việc duy trì liên lạc, cũng nằm trong ý đồ của Mỹ.
“Những nhận thức này của Trung Quốc có thể hiểu được, nhưng cũng chứng tỏ rằng hoặc Trung Quốc không nhận ra những động thái của nước này đang gây nên sự lo lắng của nhiều nước trong khu vực, hoặc Trung Quốc chỉ chủ đích định hình lại cấu trúc an ninh và kinh tế chính trị của khu vực theo lợi ích riêng của mình”, GS Nagy nhận định.

Trong khi đó, ngay giữa lúc Đối thoại Shangri-La đang diễn ra thì chiến hạm Mỹ và Trung Quốc suýt đụng nhau ở eo biển Đài Loan, thuộc khu vực bắc Biển Đông. Cụ thể, tờ Global News (Canada) tối 3.6 đưa tin 1 tàu chiến Trung Quốc đã chạy nhanh, cắt ngang mũi tàu khu trục USS Chung-Hoon của Mỹ.

Vụ việc xảy ra vào ngày 3.6 khi tàu USS Chung-Hoon và tàu hộ tống HMCS Montreal của Canada đang hoạt động chung ở vùng biển trên. Phóng viên tờ Global News đã có mặt trên tàu HMCS Montreal vào thời điểm trên. Tờ báo dẫn lời đại úy Paul Mountford, một sĩ quan chỉ huy trên tàu HMCS Montreal, cho rằng tàu chiến Trung Quốc đã hành xử thiếu chuyên nghiệp và cố ý gây hấn. Sau khi cảnh báo tàu Trung Quốc, tàu khu trục Mỹ đã chuyển hướng để tránh va chạm.

Đây là sự cố mới nhất giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc sau nhiều diễn biến căng thẳng gần đây. Cuối tháng 5, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quân đội Mỹ (INDOPACOM) đưa ra cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc J-16 đã “áp sát nguy hiểm” máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế ở Biển Đông ngày 26.5. Vụ việc xảy ra khi máy bay Mỹ đang theo dõi hoạt động tập trận của hải quân Trung Quốc – có sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới