Sau 389 ngày ở Bắc Cực trong một dự án ngốn hơn 160 triệu USD, không ngờ các nhà khoa học lại mang về một tin dữ.
Vào ngày 12/10/2020, các nhà khoa học tham gia sứ mệnh lớn nhất thế giới về thám hiểm Bắc Cực đã trở về sau hành trình kéo dài 389 ngày. Theo đó, nhóm chuyên gia gồm 300 nhà khoa học tới từ 20 quốc gia trên thế giới đã tận mắt chứng kiến những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu với băng ở Bắc Cực.
Mục tiêu của chuyến thám hiểm với chi phí lên tới 165 triệu USD này chính là tìm hiểu quá trình kết hợp khí hậu tại khu vực Bắc Cực, từ đó có thể thêm những mô hình chính xác hơn vào mô hình khí hậu toàn cầu. Những phát hiện về bầu khí quyển, lượng băng trên biển, những hệ sinh thái… có thể giúp các chuyên gia cải thiện về dự báo thời tiết, đồng thời có những đánh giá tốt hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực và trên thế giới.
Con tàu Polarstern thuộc Viện Alfred Wegener (Đức) đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển, là nơi ở, đồng thời giúp các chuyên gia khám phá và thu thập dữ liệu, mẫu vật ở Bắc Cực.
Theo các chuyên gia, sứ mệnh Polarstern hay còn gọi là MOSAiC. Các chuyên gia đã dành hơn 1 năm để tiến hành thu thập dữ liệu, từ băng biển, đại dương, đến hệ sinh thái, địa sinh học và thiết lập các mô hình.
Không giống như Nam Cực, khu vực Bắc Cực không có trạm nghiên cứu khoa học cố định. Chính vì vậy, có rất ít nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu ở đây trong một thời gian dài.
Thế nhưng, Bắc Cực lại đóng một vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau khi trải qua chuyến hành trình kéo dài 389 ngày, các nhà khoa học trở về và mang đến một tin dữ.
Theo dự đoán ban đầu của các nhà khoa học, Bắc Cực có thể sẽ không còn băng vào mùa hè trong vài thập kỷ tới của thế kỷ 21. Sự thay đổi lớn này sẽ tác động rất mạnh, thậm chí bao trùm lên thời tiết và khí hậu của toàn bộ Bắc Bán Cầu.
Sự thật không thể chối cãi từ Bắc Cực
Băng tan dần đã làm lộ ra những nguyên liệu thô như khí đốt tự nhiên, dầu thô và kim loại ở Bắc Cực. Mặt khác, với sự biến mất của các thềm băng, nhiều tuyến vận chuyển và các ngư trường mới đang bắt đầu xuất hiện ở Bắc Cực. Với tất cả những thay đổi này có nghĩa là cần phải có một khuôn khổ rõ ràng để bảo vệ sự phát triển bền vững của Bắc Cực. Do đó, việc hiểu rõ hơn về khí hậu và các hệ thống môi trường có thể giúp bảo vệ Bắc Cực.
Một điều tra viên của nhóm nghiên cứu hệ sinh thái thuộc cuộc thám hiểm này, đã chỉ ra rằng, sự nóng lên ở Bắc Cực đã tăng lên nhanh chóng kể từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Các nghiên cứu liên quan cũng chỉ ra rằng mất băng là lý do chính. Theo đó, khi băng tan, vùng nước sâu hơn có thể nhận được nhiều bức xạ mặt trời hơn, từ đó dẫn tới sự khuếch đại ở Bắc Cực, hay thực trạng ấm lên nhanh hơn ở khu vực này.
Theo các nhà khoa học, kể từ năm 1980, độ dày của băng biển ở Bắc Băng Dương ngày càng giảm và nó hiện chỉ bằng một nửa so với kích thước ban đầu. Độ dày của các tảng băng đã giảm trong nhiều năm. Điều này tương ứng là sự nóng lên ở Bắc Cực là rất nghiêm trọng.
Việc lấy mẫu vật là các tảng, mẩu băng có thể giúp các nhà khoa học phân tích những thay đổi của vi sinh vật trong băng cũng như vai trò của ảnh hưởng khí hậu.
Sứ mệnh MOSAiC đã kết thúc vào ngày 12/10/2020, muộn hơn khoảng một tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu. Sau hơn 1 năm, chuyến thám hiểm này đã mang về 150 terabyte và hơn 1.000 mẫu băng.
Trưởng đoàn Markus Rex cho biết: “Cuộc thám hiểm này đương nhiên sẽ cho ra kết quả với nhiều cấp độ khác nhau”.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, việc tiến hành phân tích dữ liệu sẽ mất nhiều năm để phát triển các mô hình giúp dự báo những đợt nắng nóng, mưa lớn… trong 20, 50 hoặc 100 năm tới.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi là Bắc Cực “đang chết dần”. Ngay cả khi có những hành động tích cực hơn thì băng ở khu vực này vẫn sẽ bị mất vào mùa hè trong những thập kỷ tới. Điều này khó có thể đảo ngược được.
Bà Stefanie Arndt, chuyên gia về đặc điểm vật lý của biển băng, cho biết: “Thật đau lòng khi biết rằng chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng được chứng kiến một Bắc Cực vẫn còn có băng bao phủ vào mùa hè”.
Việc giảm diện tích của Bắc Băng Dương do tình trạng ấm lên toàn cầu khiến nhiều loài vật cư trú tại đây như gấu Bắc Cực, hải cẩu, chim biển, cá voi đầu cung phải đứng trước nguy cơ lớn về sự diệt vong.
Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu đang làm chậm các dòng đối lưu mang nước ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc Đại Tây Dương, hệ thống này có thể bị sụp đổ hoàn toàn. Kết quả, biến đổi khí hậu lan rộng ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Cuối cùng, sự biến mất của Bắc Băng Dương sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống khí hậu.
Những gì đang xảy ra ở Bắc Cực là hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả mọi người về tác động của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, chúng ta cần hạn chế phát thải khí nhà kính càng nhanh càng tốt và chung tay bảo vệ môi trường xung quanh.
T.P