Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) mới đây tỏ ra rất sòng phẳng khi nói về sức mạnh Trung Quốc. Và cũng rất sòng phẳng khi Úc tuyên bố, cần phải tăng cường hợp tác trong các nước AUKUS, nhất là hợp tác với Mỹ thì mới có thể ngăn chặn âm mưu bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Hôm 5/6 ASPI công bố một thông tin nhạy cảm: Bắc Kinh hiện dẫn đầu trong việc nghiên cứu 19/23 lĩnh vực công nghệ. Đó là các lĩnh vực mà đối tác quốc phòng AUKUS của Úc-Anh-Mỹ ưu tiên đầu tư, bao gồm công nghệ siêu thanh, tác chiến điện tử và tàu không người lái dưới biển.
Sau đó một ngày, hôm 6/6, ASPI lại công bố một thông tin nóng không kém. Đó cuộc khảo sát của Viện này về các bài báo khoa học hàng đầu thế giới. Kết quả khảo sát: Trung Quốc dẫn đầu nghiên cứu về hầu hết các công nghệ có khả năng thuộc cái gọi là Trụ cột Hai của quan hệ đối tác quốc phòng.
Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc. Các phương tiện tự hành dưới nước có thể thực hiện các nhiệm vụ tầm xa mà không cần người điều khiển từ xa, để giám sát hoặc tác chiến chống tàu ngầm.
Về khả năng hoạt động dưới nước, bạn đọc lưu ý, vào tháng 9 /2022 đã xảy ra một số vụ nổ không rõ nguyên nhân dưới đáy biển. Các vụ nổ bất ngờ đã làm vỡ đường ống Nord Stream 1 và 2 nối Nga và Đức qua Biển Baltic. Mỹ chỉ trích, đây là “vụ phá hoại nghiêm trọng”. Còn Moscow thì đổ lỗi cho phương Tây. Cuộc đôi hồi không phân thắng bại, nhưng không bên nào đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Tuy Trung Quốc có nhiều thành tựu nghiên cứu mới về khoa học công nghệ quốc phòng, nhưng vẫn chưa thể đẩy Mỹ xuống hàng thứ hai. Trên một số lĩnh vực, các quốc gia AUKUS đã có sự phối hợp chặt chẽ và đã dẫn đầu các nghiên cứu trên thế giới, bao gồm những công nghệ tiên tiến nhất: kỹ thuật đảo ngược AI của đối thủ, khả năng an ninh mạng và cảm biến lượng tử.
Mỹ còn dẫn đầu về điện toán lượng tử – thế hệ máy tính tiếp theo dự kiến sẽ giải quyết được các vấn đề nan giải và cho phép giao tiếp nhanh hơn. Tới đây, cảm biến lượng tử có thể được sử dụng để phát hiện mối đe dọa để phòng thủ.
Đáng lưu ý, công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là lĩnh vực Mỹ có lợi thế về năng lực so với Trung Quốc. Mỹ sẽ chuyển giao công nghệ này cho Úc, và khi đó sẽ là dự án AUKUS nổi tiếng nhất trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Thỏa thuận về hợp tác quân sự thể hiện lòng tin giữa ba quốc gia đồng minh Úc, Anh và Mỹ. Quan hệ đồng minh đã được nâng lên thêm một mức mới, tạo điều kiện để ba nước hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm, trong đó, điều không ai nói ra nhưng lại rất cốt lõi đó là ngăn chặn và sẵn sàng giáng trả âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Đến nay Úc đã chi tới 245 tỷ USD để mua các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm tăng cường an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Động thái này nhằm đáp trả khi Trung Quốc tiến hành mở rộng và phát triển hải quân.
Theo hợp tác an ninh Mỹ-Úc, sắp tới, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc Pat Conroy sẽ tới Mỹ để thảo luận với Quốc hội về dự thảo luật cho phép bán hai tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ cho Úc, nhằm duy trì phòng vệ chung của quân đội hai nước.
Rõ ràng quân đội Mỹ và Úc đang hợp tác chặt chẽ để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng hải quân. Giải thích cho sự tăng cường hợp tác, Hải quân Mỹ hôm đã công bố một đoạn video về cái mà họ gọi là “sự tương tác không an toàn” của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên: “Không lâu nữa sẽ có tổn thương! Tôi muốn nghe Bắc Kinh biện minh cho những gì mà họ đang làm”.
Thế trận trên Biển Đông vẫn giằng co. Phía sau sự tăng cường hợp tác, tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ quốc phòng, là cuộc chiến thông tin không kém phần gay gắt để tranh giành lợi thế địa-chính trị, hướng tới mục tiêu lâu dài của các cường quốc.
H.Đ