Các tàu hải quân Mỹ, Trung Quốc và Nga tham gia các cuộc tập trận ở vùng biển Indonesia vào hôm thứ Hai để diễn tập ứng phó với các thảm họa nhân đạo. Đây là hoạt động hợp tác hiếm thấy trong giai đoạn ngoại giao đầy hiềm khích và cạnh tranh quốc phòng ngày càng gay gắt trên khắp châu Á-Thái Bình Dương.
Indonesia, quốc gia đã xử lý khéo léo tại cuộc họp G20 ở Bali năm ngoái trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina, sẽ đóng vai trò chủ nhà cho cuộc tập trận hải quân Komodo ở Eo biển Makassar cho đến hôm thứ Năm ngày 8/6.
Sự kiện này diễn ra vài ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore kết thúc trong một cuộc tranh cãi mới giữa các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Hoa Kỳ với tình trạng của Đài Loan là tâm điểm.
Đợt tập trận lần này diễn ra ở khu vực vùng biển giữa hai đảo Borneo và Sulawesi, quy tụ hải quân 49 quốc gia, bao gồm cả những nước thù địch như Triều Tiên và Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Là Chủ tịch ASEAN năm nay, Indonesia được đánh giá là đang lặng lẽ tìm kiếm vai trò trung gian ở khu vực, giữa bối cảnh tranh chấp chủ quyền nóng bỏng.
Prashanth Parameswaran – một thành viên tại tổ chức tư vấn của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết: “Những tương tác này là nhằm thúc đẩy trao đổi, nhưng những thực tế địa – chính trị ở khu vực vẫn còn đó”.
“Indonesia là trung tâm quản lý những căng thẳng này trong vài năm qua, với vai trò chủ tịch G20 năm ngoái và ASEAN năm nay”.
Là một quốc gia công khai trung lập, cam kết thực hiện chính sách đối ngoại “tự do và tích cực”, Indonesia dường như có ý định phát huy vai trò quốc tế lớn hơn để phù hợp với vị trí là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là quốc gia đông dân thứ tư thế giới.
Cuộc tập trận Komodo sẽ bao gồm các hoạt động cứu hộ trên biển và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp nhân đạo như thiên tai. Bên cạnh các cuộc diễn tập hải quân là các sự kiện nhẹ hơn bao gồm diễu hành trong thành phố, chương trình ẩm thực và triển lãm hàng hải.
Khi được tờ This Week in Asia hỏi liệu căng thẳng với Nga và Trung Quốc có thể gây xích mích trong cuộc tập trận Komodo hay không, một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi tôn trọng khả năng của chính phủ Indonesia trong việc lựa chọn những người tham gia với tư cách là nước chủ nhà.
“Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác, như Indonesia, để bảo đảm khu vực này luôn mở và có thể tiếp cận, vùng trời và vùng biển của khu vực được quản trị và sử dụng theo luật quốc tế”.
Còn Đại diện Đại sứ quán Nga tại Jakarta thì từ chối bình luận về câu hỏi tr.
Tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc đăng bài viết nói rằng sự tham gia của Trung Quốc vào chương trình này là nhằm tăng cường “hiểu biết, trao đổi và đối thoại với quân đội các nước, nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định khi căng thẳng gia tăng ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi cuộc tập trận diễn ra, căng thẳng địa chính trị đã gia tăng tại Đối thoại Shangri-La của Singapore. Trung Quốc đã từ chối đề xuất của Mỹ về một cuộc họp thông thường giữa các bộ trưởng quốc phòng của họ, với lý do các biện pháp trừng phạt được đưa ra đối với Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Trong khi đó, tại eo biển Đài Loan, tàu chiến Type-052D Trung Quốc đã có hàng động vô trách nhiệm và thiếu an toàn khi cắt trước mũi khu trục hạm USS Chung-Hoon của Mỹ, sau khi các tàu chiến của Mỹ và Canada đi qua tuyến đường thủy nhạy cảm.
Gần đây, cả Bắc Kinh và Washington đều đang xây dựng mối quan hệ an ninh với các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tuần này, một cuộc tập trận hải quân khác đang đồng thời diễn ra với sự tham gia của Philippines, Mỹ và Nhật Bản. Nhà chức trách Philippines khẳng định cuộc tập trận không có gì bất thường.
T.P