Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Tương tác không an toàn" - nỗi lo của Mỹ

“Tương tác không an toàn” – nỗi lo của Mỹ

Ngay khi kết thúc Đối thoại Shangri-La, Hải quân Mỹ công bố một video về vụ việc mà họ gọi là “sự tương tác không an toàn” ở eo biển Đài Loan. Vụ việc cho thấy, những căng thẳng trong hệ Mỹ – Trung còn lâu mới có thể tháo gỡ, làm chùng xuống.

Tàu Trung Quốc cắt mặt tàu Mỹ ở eo biển Đài Loan ngày 3-6

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã có cuộc trao đổi ngắn vào tối 2/6, trong bữa tiệc tối khai mạc Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Tuy nhiên, “đã không có cuộc trao đổi thực chất” giữa hai quan chức cấp cao.

Người khẳng định hai quan chức quốc phòng cao nhất của hai siêu cường“đã không có cuộc trao đổi thực chất”, là chuẩn tướng Pat Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc. Thông tin này được đưa ra ngay sau buổi tiệc tàn, khiến nhiều người chưng hửng về một sự kiện cần sự thu xếp một cách kỳ công, nhất là phía Mỹ.

Thật thế, diễn biến câu chuyện cho thấy, Mỹ đã nhún nhường, nén chịu tới mức nào khi trước Đối thoại Shangri-La – một trong những diễn đàn an ninh cấp cao hàng đầu thế giới, tổ chức tại Singapore, với 600 đại biểu từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Từ đầu tháng 5, trước Đối thoại Shangri-La cả tháng trời, Lầu Năm Góc đã có lời thỉnh cầu mà chỉ nhận được im lặng từ phía Trung Quốc. Đúng hơn, Trung Quốc có nói, nhưng đó là cái nói “không” cộc lốc mà vô cùng xóc óc với Mỹ vốn lâu nay luôn ngạo mạn hết mực, chỉ coi thiên hạ bằng nửa con mắt.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng: chỉ có sự lo lắng thật sự của Washington về những tình huống quân sự vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát giữa hai bên, mới khiến Lầu Năm Góc phải xuống thang bất ngờ để nỉ non với Trung Quốc đến vậy. Ngược lại, cái kiểu hành xử kênh kiệu đến mức khó chịu của Bắc Kinh cho thấy, họ “đi guốc trong bụng” đối thủ bên kia bờ đại dương.

Câu chuyện tưởng chừng diễn ra theo hướng có hậu khi bất ngờ ông Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc gặp nhau vào tối 2/6, trong bữa tiệc tối khai mạc Đối thoại Shangri-La. Chỉ có điều, họ chỉ “trao đổi ngắn”! Cánh báo chí tinh ranh lắm; họ hiểu, và có vị bỉnh bút còn “bình” rằng: cái sự không nói dài chẳng phải do hai ông này chí thú với những món cao lương mỹ vị trên bàn tiệc; cái chính, nhất là với ông Lý Thượng Phúc, chỉ muốn thể hiện chút thiện chí trước những sốt sắng và săn đón của Lầu Năm Góc. Chính thế, kỳ công, nhưng cuộc gặp đã chỉ diễn ra một cách hời hợt; và dù có muốn, người đồng cấp bên kia là ông Austin cũng chẳng có cơ hội để mà trao đổi sâu sự quan ngại về những tình huống quân sự vượt khỏi tầm kiểm soát giữa quân đội hai nước, tỷ như cú máy bay J-16 của Trung Quốc bay tạt qua phía đầu mũi của chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ ngày 26/5; hoặc trước đó, vào tháng 12/2022 với vụ việc tương tự giữa máy bay Trung Quốc và máy bay RC-135 của Mỹ, buộc máy bay Mỹ phải hốt hoảng đổi hướng để tránh va chạm.

Thực ra, không phải không có người hoài nghi rằng: kết quả cuộc gặp được thông báo là “ngắn” và “không đi vào thực chất” giữa quan chức đứng đầu cơ quan quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, chưa hẳn đã đúng. Nghĩa là, ngược với thông báo, có thể hai ông “thượng thư” này, ít nhất, cũng đạt được cái gì đó đáng kể. Có điều, cả hai đều cố ý nói khác đi, để tránh dư luận thóc mách; tránh những lời bình luận hoặc dèm pha của cánh báo chí; và đặc biệt, tránh làm cho các bên liên quan tranh chấp Biển Đông thất vọng và lo ngại sắp bị đẩy vào thế khó khăn hơn khi hai siêu cường đạt được sự “đuề huề” với nhau trong chừng mực nào đó.

Là bởi, nói cho cùng, dù không nói ra, nhưng sự cứng rắn của Mỹ, tới thời điểm này, vẫn là nhân tố chủ yếu khiến Trung Quốc buộc phải hãm bớt sự ngang ngược.

Nhưng một vụ việc mới nhất đã xua tan sự hoài nghi này. Ngày 4/6, ngày kết thúc Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore, Hải quân Mỹ công bố một video về vụ việc mà họ gọi là “sự tương tác không an toàn” ở eo biển Đài Loan, trong đó một tàu chiến Trung Quốc đi ngang qua phía trước tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon, khi tàu này cùng tàu hộ vệ Canada HMCS Montreal thực hiện chuyến quá cảnh “thường lệ” qua eo biển Đài Loan. Cú cắt mặt tàu Mỹ khiến hai tàu cách nhau chỉ 137 m.

Thông tin cho báo chí, phát ngôn viên Nhà Trắng – ông John Kirby- cùng với xem đây như “một phần của sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc”, đã cảnh báo: “Sẽ sớm có sai sót trong phán đoán hoặc phạm sai lầm”. Cảnh báo đó cũng chính là những gì mà Lầu Năm Góc lo ngại, nên buộc phải xuống thế khẩn cầu một cuộc gặp giữa ông Lloyd Austin và ông Lý Thượng Phúc, tại Singapore.

Cuộc gặp đã xảy, nhưng liền sau đó diễn ra “sự tương tác không an toàn” như trên, thì đích thị, nó chỉ là cuộc gặp hời hợt, “không đi vào thực chất” thật rồi! Nó có ý nghĩa như lời cảnh báo cho những ai lạc quan, hy vọng những căng thẳng trong hệ Mỹ – Trung dần dà sẽ được tháo gỡ và chùng xuống.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới