Trong bảng xếp hạng 20 quốc gia giàu nhất châu Á, 3 vị trí đầu bảng là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam xếp hạng 16, theo trang tài chính Insider Monkey.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), châu Á (bao gồm 55 quốc gia và vùng lãnh thổ) đã thể hiện khả năng phục hồi trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Trong đó, 3 quốc gia giàu nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của các nước châu Á được dự đoán sẽ tăng lên 5,3% vào năm 2023 và 5,4% vào năm 2024.
Đối với ASEAN, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình dự kiến đạt 4,6% vào năm 2023 và 4,8% vào năm 2024, yếu hơn một chút so với năm 2022 nhưng vẫn thể hiện khả năng phục hồi dựa trên khung dự báo của OECD.
Mặt khác, khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ có mức tăng trưởng cao hơn, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Để xác định các quốc gia giàu có nhất châu Á, trang Insider Monkey đã phân tích từ dữ liệu về sự giàu có toàn cầu của Tập đoàn tài chính Credit Suisse tính đến hết năm 2021.
Phương pháp được sử dụng trong trường hợp này chỉ dựa vào tài sản tài chính và phi tài chính trong khi trừ nợ.
Insider Monkey không xem xét các yếu tố khác đóng góp vào sự giàu có chung của một quốc gia, chẳng hạn như tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hoặc tiềm năng kinh tế của đất nước.
Riêng về Việt Nam, bảng xếp hạng nhận định: Mặc dù là một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thế kỷ XXI.
Việt Nam là thành viên của một số tổ chức quốc tế và liên chính phủ, bao gồm ASEAN, APEC, CPTPP, Phong trào Không liên kết, OIF và WTO. Tổng tài sản của Việt Nam vào năm 2021 là 985 tỉ USD, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu Á.
Xếp hạng về tổng tài sản của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á
1. Trung Quốc: Tổng tài sản 85,107 nghìn tỉ USD.
2. Nhật Bản: Tổng tài sản 25,692 nghìn tỉ USD.
3. Ấn Độ: Tổng tài sản 14,225 nghìn tỉ USD.
4. Hàn Quốc: Tổng tài sản 10,149 nghìn tỉ USD.
5. Đài Loan: Tổng tài sản 5,878 nghìn tỉ USD.
6. Đặc khu hành chính Hong Kong: Tổng tài sản 3,492 nghìn tỉ USD.
7. Indonesia: Tổng tài sản 3,405 nghìn tỉ USD.
8. Iran: Tổng tài sản 2,292 nghìn tỉ USD.
9. Saudi Arabia: Tổng tài sản 2,073 nghìn tỉ USD.
10. Singapore: Tổng tài sản 1,766 nghìn tỉ USD.
11. Israel: Tổng tài sản 1,564 nghìn tỉ USD.
12. Thái Lan: Tổng tài sản 1,341 nghìn tỉ USD.
13. Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng tài sản 1,142 nghìn tỉ USD
14. Bangladesh: Tổng tài sản 1,022 nghìn tỉUSD.
15. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất: Tổng tài sản 994 tỉ USD.
16. Việt Nam: Tổng tài sản 985 tỉ USD.
17. Pakistan: Tổng tài sản 640 tỉ USD.
18. Malaysia: Tổng tài sản 615 tỉ USD.
19. Kuwait: Tổng tài sản 545 tỉ USD.
20. Kazakhstan: Tổng tài sản 523 tỉ USD.
T.P