Ngày 6/6, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc diễn ra Diễn đàn Hợp tác truyền thông “Đối tác ASEAN” 2023 do Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) và Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đồng tổ chức.
CMG đưa tin, hơn 200 người làm trong giới truyền thông, đại diện tổ chức quốc tế và chuyên gia, học giả Trung Quốc và các nước ASEAN đi sâu đối thoại và trao đổi xoay quanh chủ đề “Sáng tạo, chung tay, tương lai” theo hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp, đóng góp trí tuệ và sức mạnh cho việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc – ASEAN gắn bó hơn.
Tại diễn đàn, Tổng thư ký Trung tâm Trung Quốc – ASEAN Sử Trung Tuấn cho biết, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều bất ổn, hợp tác Trung Quốc – ASEAN vẫn duy trì đà phát triển mạnh mẽ, trở thành hình mẫu thành công và năng động nhất của khu vực. Về mặt chính trị, hai bên tăng cường tin cậy lẫn nhau, cùng giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực, hai bên không ngừng tăng cường giao lưu kinh tế – thương mại, cùng thúc đẩy khu vực phát triển phồn thịnh.
Theo ông Sử, Trung Quốc và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thương mại giữa hai bên đạt 305 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2023, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng nhanh nhất giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn. Trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, giao lưu trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục, văn hóa, truyền thông, thể thao và thanh niên… vẫn được duy trì chặt chẽ, góp phần thúc đẩy tương lai tươi sáng của mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN.
Năm 2023 là tròn 20 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác Trung Quốc – ASEAN, cũng là tròn 10 năm Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Tại diễn đàn, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) Thận Hải Hùng khẳng định, trong bối cảnh đó, vai trò của truyền thông là không thể thay thế, là cầu nối hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa nhân dân các nước.
Theo đài CMG, trong những năm gần đây, giao lưu giữa đài này và truyền thông các nước ASEAN ngày một mật thiết, thành quả hợp tác rõ rệt. CMG đã hợp tác xây dựng 10 chương trình truyền hình với cơ quan truyền thông chủ chốt của 6 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Malaysia.
Còn theo Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) Phạm Dịch, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam đã hợp tác xuất bản tập san song ngữ Việt – Trung “Hoa sen”, giúp độc giả hai nước hiểu thêm về tình hình Việt Nam và Trung Quốc.
Hàng năm, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Tây và các đơn vị truyền thông lớn của Việt Nam cũng hợp tác tổ chức “Cuộc thi biểu diễn ca khúc hữu nghị Việt – Trung”, thông qua phương thức người Trung Quốc hát ca khúc Việt Nam, người Việt Nam hát ca khúc Trung Quốc, trở thành thương hiệu nổi tiếng, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Tại diễn đàn, một loạt thành quả hợp tác mới nhất giữa CMG, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và truyền thông ASEAN cũng được công bố.
Trong đó, Phòng phát sóng trí tuệ nhân tạo Cảng truyền thông Trung Quốc – ASEAN chính thức được đưa vào hoạt động. Công nghệ này được mô tả là tiên tiến hàng đầu, sẽ giúp mở rộng không gian giao lưu và hợp tác truyền thông ngày càng sâu rộng hơn giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.
Ngoài ra, nền tảng truyền thông “Vân thính” hoàn toàn mới của CMG tại khu vực ASEAN cũng chính thức đi vào hoạt động, góp phần truyền bá tiếng nói giao lưu hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
T.P