Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ chiêu mộ nhiều cựu phi công NATO, phương Tây lo lắng

TQ chiêu mộ nhiều cựu phi công NATO, phương Tây lo lắng

Với mức lương khủng, nhiều cựu phi công chiến đấu của NATO đã tới Trung Quốc để huấn luyện và điều này được coi là mối đe dọa đối với an ninh của phương Tây.

Chính phủ Đức thông báo sẽ dừng “ngay lập tức” việc các cựu phi công Luftwaffe của nước này tới Trung Quốc để tham gia đào tạo phi công chiến đấu. Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến các cựu phi công từ nhiều quốc gia NATO được Bắc Kinh tuyển mộ, nhằm hỗ trợ tham vọng mở rộng sức mạnh không quân của nước này. 

Động thái này diễn ra sau khi một phương tiện truyền thông Đức tiết lộ thông tin chi tiết về một cựu sĩ quan Luftwaffe, cụ thể là một cựu phi công chuyên điều khiển chiến đấu cơ Eurofighter EF2000, đã được Trung Quốc tuyển dụng để chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn của mình.

Chính phủ Đức hành động

Theo Der Spiegel, tạp chí tin tức hàng tuần của Đức, cũng là nơi ban đầu đưa tin về câu chuyện cho biết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius trong cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc để các cựu quân nhân Đức huấn luyện phi công chiến đấu. Cuộc gặp được cho là diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng ở châu Á.
Hơn nữa, ông Pistorius cũng đã nói với Lý Thượng Phúc rằng “Bắc Kinh chắc chắn sẽ không lấy làm vui” nếu Đức cố gắng làm điều gì đó tương tự để hiểu rõ hơn về chuyên môn quân sự của Trung Quốc.

Pistorius mô tả cuộc gặp là một cuộc trò chuyện “rất cởi mở” cho phép bày tỏ những khác biệt về quan điểm giữa Berlin và Bắc Kinh, nhưng lưu ý rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng “rất thận trọng” trước yêu cầu của ông.

Được biết, ông Lý Thượng Phúc đã cố gắng làm giảm bớt tầm quan trọng của các cựu phi công người Đức, những người được tuyển dụng thông qua các kênh hợp pháp.

Theo báo chí Đức, các cựu phi công Luftwaffe đã được tuyển dụng bởi các công ty ở New Zealand và Nam Phi, sau đó được phân công đảm nhận các vị trí ở Trung Quốc và những phi công này được trả lương rất cao.
Những lo ngại về an ninh

Không ngạc nhiên khi những tiết lộ về vụ việc trên đã dẫn đến sự chỉ trích gay gắt từ các đối thủ chính trị của Pistorius và Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của ông.

Marie-Agnes Strack-Zimmermann, thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đồng thời là nữ Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đức, nói với Der Spiegel: “Đã đến lúc sự ngây thơ này phải chấm dứt. Việc các cựu quân nhân Luftwaffe đào tạo phi công máy bay chiến đấu ở Trung Quốc sau thời gian phục vụ là một sự phẫn nộ, chúng tôi không thể chấp nhận điều đó”.

Strack-Zimmermann kêu gọi siết chặt các quy tắc quản lý những loại công việc mà cựu quân nhân có thể đảm nhận, gợi ý rằng họ chỉ được phép cung cấp hướng dẫn cho các đồng minh NATO và các “đối tác chiến lược” khác.

Nhiều thông tin chi tiết về một trong số cựu phi công tham gia hoạt động huấn luyện cho Trung Quốc đã được công bố. Cụ thể là phi công Alexander H, với biệt hiệu “Limey”, anh từng là phi công Eurofighter của Lực lượng Không quân Chiến thuật 73 “Steinhoff” của Luftwaffe, có trụ sở tại Rostock-Laage ở phía đông nước Đức. Tại đây, Alexander H. đã từng hướng dẫn cho đơn vị huấn luyện Eurofighter của Đức.

Vào năm 2013, Alexander H. rời Đức và được cho là đã đăng ký chuyển ra nước ngoài. Điểm đến của anh ta là Qiqihar ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.

Căn cứ này hiện là nơi đóng quân của các máy bay ném bom chiến đấu đa năng J-16 thuộc Lữ đoàn Không quân số 3 của Không quân Trung Quốc. Vào thời điểm Alexander H. lần đầu tiên làm việc ở đó, đơn vị này vẫn trang bị máy bay chiến đấu J-8, cho đến năm 2018 mới tiếp nhận những chiếc J-16 hiện đại hơn.
Về loại hình đào tạo và chuyên môn mà Alexander H. đã truyền lại cho Không quân Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các quan chức an ninh Đức đã xác nhận rằng “rất có thể phi công này đã truyền lại chuyên môn quân sự và chiến thuật tác chiến bí mật, thậm chí là kịch bản thực hành tấn công”.

Cách để tuyển dụng các cựu phi công

Bộ Quốc phòng Đức xác nhận “Trung Quốc đang cố gắng thông qua các cơ quan bên ngoài, tuyển dụng cựu phi công NATO làm người hướng dẫn và các cựu phi công Luftwaffe của Đức đã bị nhắm mục tiêu trong những nỗ lực này”.

Đối với các cựu phi công Luftwaffe, những người thường nghỉ hưu ở tuổi 41 khi đứng trước lời đề nghị hấp dẫn từ Trung Quốc, họ khó có thể từ chối. Thay vì lương hưu chỉ bằng một nửa tháng lương cuối cùng của họ, những người đảm nhận công việc ở Trung Quốc có thể nhận được mức lương khoảng 270.000 USD một năm.

Theo Der Spiegel, các cựu phi công Luftwaffe được tuyển dụng bởi Học viện bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA), đây là một công ty từng huấn luyện các phi công Trung Quốc ở Nam Phi.

Một cựu phi công Luftwaffe khác, tên là Peter S, người cũng từng phục vụ tại Laage, cũng được cho là đã huấn luyện cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), dưới sự bảo trợ của TFASA.

Cựu phi công quân sự người Đức thứ ba cũng tham gia hỗ trợ PLA được xác định là Dirk J, là cựu phi công lái máy bay tấn công Tornado cho Hải quân Đức. Năm 2013, Dirk J. bắt đầu làm việc với tư cách là “nhà tư vấn hàng không cấp cao” ở Trung Quốc.
Những quốc gia khác trong NATO

Vấn đề các cựu phi công NATO làm việc cho PLA đã trở nên rất nổi bật vào năm ngoái, khi Daniel Edmund Duggan, cựu phi công lái máy bay phản lực AV- 8B Harrier II của Thủy quân lục chiến Mỹ bị bắt tại Australia.

Anh ta bị cáo buộc đã giúp huấn luyện các phi công hải quân Trung Quốc hoạt động từ các hàng không mẫu hạm. Duggan phủ nhận việc vi phạm bất kỳ luật nào và vẫn bị giam giữ ở Australia. Anh ta vẫn có thể phải đối mặt với việc dẫn độ về Mỹ.
Phương Tây lo lắng khi Trung Quốc chiêu mộ nhiều cựu phi công NATO – 5

Một hình ảnh từ trang web của TFASA cho thấy các phi công phương Tây đứng trước một máy bay huấn luyện phản lực FTC-2000 của Trung Quốc.

Cũng trong năm ngoái, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh tiết lộ hàng chục cựu phi công quân sự của Anh cũng đã tham gia đào tạo phi công cho quân đội Trung Quốc, chủ yếu thông qua TFASA. Những người được tuyển mộ chủ yếu từng là phi công chiến đấu cơ phản lực và các phi công trực thăng.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các bước quyết định để ngăn chặn các kế hoạch tuyển dụng của Trung Quốc. Tất cả nhân viên đang phục vụ và cựu nhân viên đều phải tuân theo Đạo luật Bí mật chính thức, trong khi Dự luật An ninh Quốc gia mới sẽ tạo ra các công cụ bổ sung để giải quyết các thách thức an ninh đương đại – bao gồm cả vấn đề này”.

Các quốc gia khác cũng đã nỗ lực giải quyết vấn đề cựu quân nhân phục vụ cho PLA. Australia đã điều tra một số cựu phi công chiến đấu của họ khi đang tìm cách để làm việc tại Trung Quốc. Canada cũng đang xem xét các cáo buộc tương tự liên quan đến một số cựu phi công chiến đấu của nước này.

Mặc dù hành động của các cựu phi công này không vi phạm nguyên tắc hay quy định nào, nhưng rõ ràng là phương Tây rất lo ngại về việc chia sẻ thông tin nhạy cảm với PLA, đặc biệt là trong thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây trở nên căng thẳng.
Phương Tây lo lắng khi Trung Quốc chiêu mộ nhiều cựu phi công NATO – 6

Một máy bay chiến đấu J-15 của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh vào tháng 4/2018.

Khi Trung Quốc ngày càng được xác định là thách thức số một đối với an ninh của Mỹ, không có gì đáng ngạc nhiên khi vấn đề các cựu phi công từ các lực lượng không quân phương Tây hỗ trợ PLA đã trở thành một mối quan tâm đáng kể.

Một lần nữa, thật khó để xác định PLA được hưởng lợi ở mức độ nào từ kiến ​​thức chuyên môn của những cá nhân này và liệu họ có truyền đạt thông tin nhạy cảm về mặt chiến thuật hay không. Tuy nhiên, không chỉ riêng Đức mà còn nhiều quốc gia khác trong khối sẽ phải hành động để ngăn chặn lỗ hổng bảo mật đáng báo động này.

RELATED ARTICLES

Tin mới