Chiến lược “vành đai- con đường” do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đã trải qua rất nhiều lực cản, nhưng Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện chiến lược này.
Lúc đầu chiến lược được nhiều nước đón nhận, trước hết là các nước châu Á, rồi châu Phi đặc biệt là các nước lân cận với Trung Quốc. Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào các nước để xây dựng cơ sở hạ tầng từ đường bộ, đường sắt đến cảng biển.
Lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc trên toàn cầu, Mỹ và nhiều nước Tây Âu đã cảnh báo hù dọa các nước can thiệp để không rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Điều đó làm cho sự đầu tư của Trung Quốc chững lại. Một số nước dù đã có văn bản ghi nhớ, hiệp ước song đã dừng lại và từ chối như Malaysia đã từ chối xây dựng đường sắt.
Trước những rào cản từ Mỹ và các nước phương Tây, Trung Quốc có sự điều chỉnh trong đầu tư, thuyết phục các nước chấp nhận và chỉ ra lợi ích của sự hợp tác.
Trong một thời gian rất ngắn đường sắt cao tốc nối từ Trung Quốc đến thủ đô Viêng Chăn của Lào được khánh thành. Nếu trước kia việc đi từ Viêng Chăn đến Louangphabang rất khó khăn thì nay đã rất thuận tiện cho người dân và khách du lịch. Cảng biển và cơ sở hạ tầng ở Campuchia được Trung Quốc đầu tư cũng đã làm cho Campuchia có nhiều thay đổi, kể cả thay đổi trong quan hệ với Mỹ.
Ở khu vực Trung Đông là trọng điểm của chiến lược “vành đai- con đường” cũng gặp nhiều trở ngại vì vậy Trung Quốc đã giành rất nhiều sự quan tâm cho khu vực này. Tháng 12/2022 Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự cả hai Hội nghị thượng đỉnh: Trung Quốc –các nước Arab và Hội đồng hợp tác Trung Quốc – vùng vịnh. Đây là hai hội nghị lần đầu tiên diễn ra giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông và rất được ca ngợi.
Hợp tác giữa Trung Quốc và Trung Đông sẽ phát triển trên mọi mặt, từ thương mại, năng lượng đến quốc phòng, trong khi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực nhìn chung được các nhà phân tích địa chính trị coi là đã suy giảm và đang suy giảm.
Trung Quốc đã là đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Aralia và họ cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua tại tỉnh Liêu Ninh bắc Trung Quốc, công ty Saudi Aramco đã khởi công xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tích hợp lớn với trị giá 60 tỉ USD để mua khí tự nhiên hóa lỏng của Qatar.
Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang vướng bận vào cuộc chiến ở Ukraina thì vai trò của Trung Quốc trên thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông càng gia tăng.
Trong hai ngày 11,12/6 Hội nghị kinh doanh Trung Quốc – Arab được tổ chức ở Saudi Arabia, quy tụ hơn 3500 quan chức chính phủ và doanh nghiệp từ Trung Quốc và từ các nước Arab. Ngay trong ngày đầu tiên nhiều dự án đầu tư đã được ký kết với giá trị hàng chục tỉ USD.
Các quan chức Trung Quốc và các nước cho rằng “Hội nghị này là cơ hội để xây dựng một tương lai chung hướng tới kỷ nguyên mới, có lợi cho người dân”.
H.L