Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐâu chỉ Việt Nam thiếu điện?

Đâu chỉ Việt Nam thiếu điện?

Do thời tiết nắng nóng bất thường, việc đảm bảo nguồn cung ứng điện tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc… trong mùa hè năm nay đối mặt với nhiều thách thức.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản.

Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8.

Tỉ lệ nguồn cung điện dự phòng ở khu vực đô thị Tokyo trong tháng 7 có thể giảm xuống 3,1%, cao hơn một chút so với mức thấp nhất để duy trì nguồn cung ổn định, nếu nắng nóng cả thập kỷỉ mới có một lần bao trùm khu vực do Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) phụ trách.

Theo Bộ Công nghiệp Nhật Bản, do nhu cầu điện có thể dao động khoảng 3% so với mức dự kiến, nên cần đảm bảo dự phòng ít nhất 3%.

Nhật Bản ra yêu cầu tiết kiệm điện trên toàn quốc từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái, nhưng yêu cầu mới nhất chỉ nhắm vào khu vực do Tepco phục vụ.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho hay, chính phủ sẽ yêu cầu nỗ lực tiết kiệm điện, như tắt đèn ở các phòng và hành lang không sử dụng…

Hoạt động sản xuất điện của Nhật Bản vẫn yếu do hầu hết các lò phản ứng hạt nhân vẫn đang ngừng hoạt động bởi các quy định an toàn nghiêm ngặt hơn sau thảm họa năm 2011.

Việc các nhà máy nhiệt điện lâu năm ngừng hoạt động gần đây khiến nước này càng dễ bị thiếu điện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai.

Mối đe dọa thiếu điện ở Trung Quốc đã thấy rõ từ tháng 5 năm nay với mức tiêu thụ điện đạt kỉ lục kể từ đầu năm ở các tỉnh phía nam.

Hãng tin Jiemian cho hay, công suất tải của lưới điện phía nam Trung Quốc ngày 22.5 đạt mức cao lịch sử 200 gigawatt, sớm hơn một tháng so với năm ngoái. Mạng lưới lưới điện thuộc sở hữu nhà nước, bao phủ 5 tỉnh phía nam là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Hải Nam, dự kiến mức tải điện tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đáp ứng nhu cầu cao điểm trong đợt nắng nóng mùa hè, đơn vị cung cấp điện đã tăng cường hợp tác để đảm bảo cung cấp điện liên tỉnh và hoàn thành bảo dưỡng lưới điện.

Năm ngoái, đợt nắng nóng ở Trung Quốc – tồi tệ nhất trong 61 năm qua – đe dọa nguồn cung cấp điện của hàng triệu người, đặc biệt là ở các tỉnh phía tây nam và nam. Năm nay, các chuyên gia khí tượng dự đoán nhiệt độ thiêu đốt sẽ tiếp tục.

Gao Hui – nhà dự báo chính tại Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc – cảnh báo, hạn hán nhiều hơn có thể gây nguy hiểm cho việc sản xuất thuỷ điện – lĩnh vực vốn chiếm 15,3% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc trong năm 2022.

Vào tháng 4, người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Quốc gia Liang Changxin cho biết, Trung Quốc dự kiến ghi nhận tình trạng thiếu điện tái diễn ở một số khu vực, với tải điện tối đa đạt 1.360 gigawatt vào mùa hè này, tăng từ mức 1.290 gigawatt của năm ngoái.

Bangladesh đối mặt với gián đoạn cung cấp điện do thời tiết thất thường trong năm nay, với nhiệt độ tăng đẩy nhu cầu lên cao trong tháng 4 cùng với đó là một cơn bão cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho các nhà máy điện trong tháng 5.

Đầu tháng 6, nhà máy Payra 1,32 gigawatt ở phía nam Bangladesh đã đóng cửa tổ máy thứ 2 do thiếu than.

Trước đó, nhà máy này đóng cửa tổ máy đầu tiên vào 25.5.

Đầu tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Nasrul Hamid cho hay, Bangladesh có thể đối mặt với việc cắt điện nhiều hơn. Nhu cầu điện ở Bangladesh đạt đỉnh vào trưa 5.6, vượt xa nguồn cung 18%, một quan chức cấp cao của bộ năng lượng tiết lộ thêm.

Mất điện đe dọa ngành dệt của Bangladesh vốn chiếm hơn 80% xuất khẩu. Việc mất đi những mặt hàng xuất khẩu sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan tới dự trữ đồng USD của Bangladesh, vốn giảm gần 1/3 trong 12 tháng tính đến cuối tháng 4 xuống mức thấp nhất trong 7 năm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới