Mỹ và các đồng minh châu Âu luôn sử dụng đòn trừng phạt kinh tế đối với các nước không tuân thủ luật chơi của họ. Trước đây Mỹ đã gây áp lực để Liên hiệp quốc, các nước đồng minh trừng phạt kinh tế đối với các nước xã hội chủ nghĩa bằng đòn cấm vận với Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam. Cho đến nay hai nước Triều Tiên và Cu Ba vẫn còn tiếp tục bị cấm vận và chịu nhiều tổn thất về kinh tế.
Khi Trung Quốc nổi lên thành nền kinh tế lớn thứ hai, đe doạ vị trí số một của Mỹ, Mỹ liền áp dụng các đòn trừng phạt kinh tế với Trung Quốc đặc biệt là nhằm vào các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạng như điện tử, viễn thông, hàng tiêu dùng giá rẻ. Nhưng Trung Quốc là thị trường to lớn, nhiều nước đang phát triển cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc là yêu cầu, động viên các doanh nghiệp quay về đầu tư vào thị trường trong nước, đưa nhiều chính sách ưu đãi về kinh tế cho các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi. Vì thế, bất chấp đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh kinh tế Trung Quốc không những tiếp tục phát triển, thậm chí một số ngành lại tăng trưởng cao. Lợi ích lớn hơn là Trung Quốc đã tạo lập nên nền kinh tế nội tại không phụ thuộc vào đầu tư và giao thương với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.
Cuộc chiến Nga – Ukraina bùng nổ, Mỹ và EU thực hiện ngay con bài cũ là trừng phạt kinh tế – tài chính đối với nước Nga. Đòn trừng phạt Nga lần này lớn hơn rất nhiều đòn trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc. Ông Putin từng xác nhận với đòn trừng phạt này, Mỹ muốn đánh sập nền kinh tế Nga, thậm chí làm tan rã nước Nga. Bởi vì các doanh nghiệp Nga sẽ không thể chịu đựng nổi và sẽ quay lại chống lại Putin và nhà nước Nga, gây bất ổn toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị.
Cũng như Trung Quốc, lúc đầu nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, năm 2022 có 13 doanh nhân giảm tài sản, mất tổng cộng 8,5 tỷ USD. Nhưng ngay lập tức ông Putin kêu gọi các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào trong nước, lấy thị trường trong nước làm điểm tựa, đồng thời tìm các đối tác mới, đối tác truyền thống mà đầu tiên là Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Iran. Trong 2 năm các doanh nghiệp bị trừng phạt nặng nề là dầu mỏ, khí đốt, phân bón lại là những doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ nhất.
Năm 2022 Novatek, nhà sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng lớn nhất của Nga đã trả cổ tức cao nhất trong lịch sử. Tỷ phú phân bón Andrey Guryev cũng được hưởng khoản lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi bị cắt các giao dịch bằng đồng USD, tưởng chừng bế tắc nhưng năm 2022 không những trụ vững mà thị trường chứng khoán lại tăng trưởng cao.
Forbes đã đưa ra nhận xét: Nhiều doanh nhân Nga có lợi nhuận tăng vọt trong năm 2022 bất chấp sức ép từ lệnh trừng phạt Nga của Mỹ, phương Tây và tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Danh sách tỷ phú Nga do Forbes vừa công bố đã tăng từ 88 người lên 110 người, tổng tài sản tăng từ 353 tỷ USD lên 505 tỷ USD. Mười tỉ phú Nga thành công nhất đã tăng tài sản lên tổng cộng 77,4 tỷ USD.
Chứng khoán trong nước Nga ban đầu sụt giảm khi Nga bắt đầu chiến dịch quan sự ở Ukraina tháng 2-2022 nhưng sau đó hồi phục khi nền kinh tế dần điều chỉnh trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Rõ ràng đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây có gây thiệt hại nặng nề cho các nước nhỏ, còn với Trung Quốc và Nga thì không có tác dụng, thậm chí còn làm cho hai nước này chuyển hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ và phát triền vững chắn hơn.
H.L