Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cây tre” đi Tây

“Cây tre” đi Tây

“Cây tre” trong trường hợp này là cách ví von chính sách đối ngoại của Berlin trong quan hệ với Trung Quốc nhằm bảo đảm những lợi ích của cường quốc Tây Âu này.

Ông Tập Cận Bình đón ông Olaf Scholz tại Bắc Kinh tháng 11/2022

Thuật ngữ “ngoại giao cây tre” hàm ý một nền ngoại giao mềm mại, khôn khéo, dẻo dai, giàu sức chống chịu…Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá đã vận dụng khá thành công “ngoại giao cây tre” để thoát khỏi sự đô hộ của phương Tây. Gần đây, Việt Nam – quốc gia đang phát triển, đã chính thức dùng thuật ngữ “ngoại giao cây tre” để diễn đạt chính sách đối ngoại linh hoạt và thực tiễn dựa trên lợi ích quốc gia; nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa, làm bạn với tất cả các nước…

Tình hiệu quả trong việc bảo vệ những lợi ích cốt lõi quốc gia của “ngoại giao cây tre” khiến nó đã và đang lan tỏa, vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á, được một số quốc gia quan tâm và vận dụng. Nói cách khác, “ngoại giao cây tre” đang được “quốc tế hóa”.

Thí dụ điển hình cho xu hướng này, có người nghĩ ngay tới Cộng hòa Liên bang Đức. Trong các quốc gia châu Âu, Đức được coi là đầu tàu, là động lực kinh tế của cả EU. Chính thế, nhất cử nhất động của Đức đều kéo theo những hệ lụy, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực, tác động tới EU. Vai trò nền kinh tế Đức lớn tới mức, từng có lúc thời kỳ, nó là động lực kéo cả châu Âu ra khỏi khủng hoảng.

Về quân sự, Đức là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm trịch. Là đầu tầu về kinh tế thì về quân sự cũng là bậc vai vế; thế nên, một mặt, tiếng nói của Đức được nể trọng; mặt khác, Đức thường bị Mỹ săm soi và Washington chỉ hài lòng khi Berlin sốt sắng ủng hộ các quyết định của NATO để “làm gương” cho các quốc gia còn lại. Mỹ thừa hiểu, nếu NATO phân tán; nếu các thành viên đều “ông chẳng bà chuộc” như Đức, sức mạnh của khối sẽ suy giảm và điều đó chỉ có lợi cho đối thủ.

Tuy nhiên, thế giới ngày một phức tạp. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế khiến các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, tạo nên các quan hệ chồng chéo dựa trên các giá trị lợi ích cốt lõi. Thực tế đó càng phơi bày trần trụi khi cuộc chiến Ukraine nổ ra với những diễn biến vượt ra ngoài mọi dự kiến. Sau hơn một năm, “chiến dịch quân sự đặc biệt” – như diễn ngôn của Kremlin – trong thực tế, thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa một bên là Mỹ và các quốc gia NATO thông qua đối tác địa phương là Ukraine, một bên là Nga như kẻ “đơn thương độc mã”.

Là thành viên NATO, nhưng ban đầu, Đức thể hiện vai trò kém phần xăng xái, khiến Mỹ không hài lòng. Một năm sau, Berlin mới sốt sắng trong việc tự mình và hô hào các thành viên khác viện trợ vũ khí cho Ukraine theo “lệnh” Mỹ.

Sự chểnh mảng trách nhiệm của Berlin trong năm đầu của cuộc chiến chẳng phải vì người Đức ghét người Ukraine hay bênh Nga. Cái chính, ai cũng thấy rõ, là do lợi ích của chính họ.

Đức là nhà nhập khẩu nhiên liệu Nga nhiều nhất. Nhiều tới mức coi như phụ thuộc. Chính thế, từ trước khi tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga khiến giá dầu thô thị trường tăng dựng đứng, tới 140 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái, nhiều người dân Đức và chính quyền Berlin thảy đều lo lắng đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, ngay thời điểm đó đã tuyên bố: “Tôi thậm chí sẽ phản đối điều đó (lệnh cấm vận). Chúng tôi cần những nguồn cung cấp năng lượng này để duy trì sự ổn định giá cả và an ninh năng lượng ở Đức”.

Đồng thời với tuyên bố rắn như đanh đó, chính giới Đức còn “oán” Mỹ vì Washington cấm vận dầu mỏ Nga, những lại chậm như rùa trong thực thi các giải pháp cung cấp năng lượng thay thế. Nói cách khác, Berlin cho rằng Washington chỉ cốt được việc cho chính mình, và họ là kẻ “ích kỷ”.

Không chỉ khó chịu với việc Đức ra mặt “chống” lệnh cấm vận năng lượng Nga, Washington còn khó chịu về việc Berlin “thắm thiết” với Bắc Kinh.

Khó chịu vì sao? Vì rằng: đúng thời điểm quan hệ Mỹ – Trung được coi là xuống đáy do những xung đột về lợi ích, thì tháng 11/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm chính thức Trung Quốc. Sau chuyến đi, vào tháng 12/2022, ông Scholz, trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, còn nói rằng phương Tây cần tìm ra cách dung hoà với Trung Quốc và các nước có hệ thống tương tự khác, trong khi tiếp tục ủng hộ các nền dân chủ trên thế giới.

Mỹ không bất ngờ về chuyến công du này; cũng không bất ngờ về lời nói “vô trách nhiệm” (?) của ông Scholz. Nhưng Washington cay cú vì cách hành xử không biết điều của một đồng minh: lẽ ra, thấy Mỹ và Trung Quốc đang căng nhau, thì Đức nên tránh ra một bên chứ đừng tối mắt vì chút lợi.

Tuy nhiên, đó là Washington muốn. Còn Berlin sao có thể chờ được khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức từ năm 2016 trở lại đây. Đến Mỹ, quát tháo, đe nẹt thế, những cũng có “thoát Trung” trong chuyện làm ăn được đâu? Thế nên, cho dù có không ít vấn đề bất đồng, Berlin vẫn phải toan tính làm ăn với Trung Quốc để giữ cho được vị thế đầu tàu kinh tế của EU và châu Âu.
Vấn đề là người Đức phải biết thời biết thế để không già néo đứt dây, khi Mỹ không thể cấm đoán ông Scholz có mặt ở Bắc Kinh, nhưng luôn nhìn sự kiện này với cái nhìn soi mói.

Nói cách khác, đó là một nước cờ ngoại giao khôn khéo của Berlin trong một bối cảnh vô cùng phức tạp. Bằng vào điều đó, nhiều người mới có lý để nói rằng; trong thực tế, Berlin cũng đang chủ trương và thực thi con bài “ngoại giao cây tre”. Thậm chí, ngày 14/6 vừa qua, khi công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên gọi Trung Quốc là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống”, cáo buộc Bắc Kinh nhiều lần hành động đi ngược lợi ích Đức nhằm tái định hình trật tự thế giới, Berlin cũng đồng thời khẳng định Trung Quốc “vẫn là một đối tác cần thiết để giải quyết nhiều thách thức và khủng hoảng toàn cầu”.

Một khi đã thẩm thấu câu chuyện thế giới hiện tại tới mức đó, Berlin, trong quan hệ với Bắc Kinh, còn lâu mới chỉ tuyền nghĩ tới sự đối đầu mà quên đi các cuộc đối thoại bàn về những cái lợi khổng lồ nếu hai bên gật gù tiếp tục là đối tác thương mại lớn của nhau.

Điều đó định danh là gì? Dù là gì, thì nó cũng là một phần nằm trong sách lược ngoại giao ví như “ngoại giao cây tre” như Việt Nam và một số quốc gia Châu Á diễn ngôn chính thức vậy.

Đừng vội ngạo mạn nghĩ là họ học nó từ Hà Nội. Cái chính là thực tiễn. Một thế giới phẳng, một thế giới hội nhập chẳng ai một mình có thể làm mọi thứ từ A tới Z. Vậy nên nếu thật sự đang có chuyện lý thuyết và thực tiễn “ngoại giao cây tre” được “quốc tế hóa”, suy cho cùng, dễ hiểu thôi mà!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới