Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”

“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”

Một trong những hành động ngang ngược của Bắc Kinh nhằm thực hiện “chiến thuật vùng xám” ở Biển Đông là xây dựng các lực lượng cảnh sát biển, dân quân biển có vũ trang để thực thi nhiệm vụ khẳng định các tuyên bố chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Để có được một lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, can thiệp mạnh mẽ vào “vùng xám” giữa thực thi pháp luật biển và sức mạnh hải quân, Trung Quốc đã dành 10 năm để xây dựng hạm đội này. Chính vì sự “đổi chỗ” giữa Cảnh sát biển và Hải quân, Bắc Kinh đã gây đảo lộn truyền thống, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển 200 năm qua của thế giới. Hành động này còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chạy đua vũ trang trong khu vực.

Cảnh sát biển Trung Quốc bao gồm các lực lượng: Hải giám (CMS), Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng – BCD), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Theo đó, các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đều phải lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và sẽ chịu sự “chỉ huy nghiệp vụ” của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và Tài nguyên.

Ấy là chức năng,nhiệm vụ trên giấy trắng mực đen, còn sự thật thì khác xa!

Việc nhầm chỗ này ngày càng diễn ra một cách lộ liễu, trắng trợn. Mới đây, từ ngày 30/3 đến 2/4, Trung Quốc đã huy động một hạm đội tàu bảo vệ bờ biển tuần tra trong 80 giờ 36 phút. Khu vực tuần tra là quần đảo tranh chấp Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài). Sử dụng tàu bảo vệ bờ biển làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Hải quân là chuyện chỉ có ở Trung Quốc.

Một dẫn chứng khác, cay cú về việc nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp thân mật Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy, từ ngày 8/4, các tàu tuần tra lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã quây lại để chặn và khám xét các tàu Đài Loan.

Ngày 23/4, một tàu tuần tra lớn của lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã bất ngờ lao cắt vào luồng đường an toàn tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ngày 28/4, Nhật Bản thông báo, đã thông qua chính sách hàng hải trong 5 năm tới. Chính sách này nhằm đối phó với hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Ngày 25/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng phản đối Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOC-1982) khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, yêu cầu tàu Hướng Dương Hồng 10 và một số tàu cảnh sát biển, tàu cá Trung Quốc phải rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Kết cục sau 28 ngày lượn lờ trên biển tàu Hướng Dương Hồng 10 đã lặn mất tăm.

Một sự đánh tráo giữa bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu rõ nhất thể hiện ở chỗ, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua “Luật Cảnh sát Biển” vào tháng 1/2021. Theo Luật này, Cảnh sát biển thuộc Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc, có thể sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền nước ngoài ở những vùng biển như Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Đủ thấy lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc thực hiện nhiệm vụ trên biển. Việc đảm nhiệm các nhiệm vụ ứng phó buôn lậu, tìm kiếm cứu nạn hàng hải ngày càng ít đi. Trong khi đó, gia tăng hành động dọa nạt, chèn ép tàu biển của các nước khác, nhằm thôn tính các vùng biển đang có tranh chấp.

Để tăng cường sức mạnh cho “hải quân trá hình”, Trung Quốc có hạm đội được trang bị pháo hải quân 76mm và tên lửa chống hạm (lớn hơn cả tàu khu trục của Hải quân Mỹ). Hiện Trung Quốc có khoảng 150 tàu tuần duyên cỡ lớn hơn 1.000 tấn. Nhiều tàu của Cảnh sát biển vốn là tàu khu trục của Hải quân, được trang bị sân bay trực thăng, vòi rồng mạnh và súng cùng cỡ với xe tăng M1 Abrams, cho phép tàu hành trình trong thời gian dài.

Dẫn ra những hành động nêu trên, dễ dàng nhận thấy, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ của Hải quân. “Hải quân trá hình” không chỉ can thiệp vào địa- chính trị của các nước châu Á, mà còn tìm cách kiểm soát các tuyến đường thủy quốc tế quan trọng bằng lực lượng quân sự hùng mạnh, khiến tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Nói cách khác, lực lượng bảo vệ bờ biển của Bắc Kinh đang lấn sâu vào vùng xám giữa thực thi pháp luật biển và sức mạnh hải quân. Nghĩa là có sự chéo ngoe giữa chống tội phạm và bảo vệ chủ quyền. Cái sự vô lý ấy đang trở thành có lý trong cách hành xử của Bắc Kinh (!).

Sự vô lý ấy là nguyên nhân gây ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương, buộc họ phải đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc. Và, như một hiệu ứng đô-mi-nô, nhiều nước đã dùng cảnh sát biển để bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia.

Điều này có thể thấy qua Eo biển Đài Loan và các vùng biển xung quanh. Nơi được cộng đồng quốc tế coi là có khả năng xảy ra chiến tranh do yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Để chống trả sự leo thang can thiệp và đối đầu của cảnh sát biển Trung Quốc, cảnh sát biển của các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, đã tăng cường hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và quân đội. Đó là lý do có thể dẫn đến xung đột vũ trang hoặc thậm chí chiến tranh nóng giữa các nước.

Nói “chiến thuật vùng xám” có thể bạn đọc chưa hình dung hết sự nguy hiểm của nó. Nhưng chỉ nêu lên sự đổi chỗ cố ý giữa hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc thì chúng ta đã thấy rõ mối nguy cơ tiềm tàng dẫn đến leo thang chiến tranh. Trong khi đó, tại các diễn đàn được tổ chức đa phương, hay các cuộc gặp song phương, Bắc Kinh luôn cao giọng nói rằng, tình hình Biển Đông luôn ổn định. Và Trung Quốc đang làm hết sức mình vì hòa bình, an ninh, hợp tác quốc tế (!).

Thật là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới