Theo các chuyên gia năng lượng hạt nhân Mỹ, nước này cần mất ít nhất 10 năm để thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào nguồn uranium từ Nga.
Tờ New York Times, bất chấp lệnh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn của Washington đối với Moskva, các công ty Mỹ vẫn mua uranium của Nga trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Những nỗ lực của ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ nhằm giải sự phụ thuộc vào Nga đều không mang lại kết quả.
Sau hơn một năm xung đột ở Ukraine diễn ra, nhiên liệu hạt nhân từ Nga hầu như không chịu ảnh hưởng từ hàng chục gói trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Moskva.
Washington và Brussels trừng phạt dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga, nhưng vẫn tiếp tục mua uranium làm giàu từ Rosatom – Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga.
Đối với Mỹ, việc tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hạt nhân vào Nga là điều cần thiết. Các nhà máy làm giàu uranium của Mỹ đều đã bị đóng cửa sau Chiến tranh Lạnh, vì các nhà nhập khẩu Mỹ mua uranium của Nga với giá rẻ hơn đáng kể.
Hiện tại Mỹ chỉ có duy nhất hai cơ sở làm giàu uranium – một ở Ohio và một ở New Mexico – được cấp phép sản xuất nhiên liệu hạt nhân cấp cao.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phân bổ 700 triệu USD thúc đẩy sản xuất tại các nhà máy này nhưng cơ sở ở Ohio vẫn chưa hoàn thành và cơ sở ở New Mexico đang hoạt động với một nửa công suất, theo một bài báo của GHS Climate, một công ty tư vấn năng lượng sạch.
Công ty điều hành nhà máy Ohio nói với New York Times rằng có thể mất hơn một thập kỷ để ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ bắt kịp sản lượng của Rosatom.
Theo ước tính của New York Times khoảng một phần ba lượng uranium đã làm giàu được sử dụng ở Mỹ là nhập khẩu từ Nga. Gần một nửa lượng uranium được làm giàu trên thế giới được sản xuất tại Nga.
Trước đó, vào tháng 4, cả Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp đều tuyên bố họ sẽ phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân mới nhằm loại trừ các sản phẩm từ Nga.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm khởi động Lò phản ứng modul cỡ nhỏ (SMR) thế hệ tiếp theo đã bị cản trở bởi thực tế rằng Rosatom là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất uranium có độ làm giàu thấp (HALEU) mà các lò phản ứng này yêu cầu. Trong khi đó, Pháp đã tăng gấp 3 lần nhập khẩu uranium từ Nga vào năm ngoái và tháng trước tuyên bố sẽ tiếp tục mua nhiên liệu hạt nhân từ Moskva trong thời gian tới.
Với việc Mỹ cho đến nay vẫn chưa thể đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium của nước này đang giúp Nga trở thành nhà cung cấp uranium đã làm giàu lớn nhất thế giới. Hiện Rosatom chiếm 20 trong số 53 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng vào giữa năm 2022, trong đó có 17 lò ở nước ngoài.
Rosatom gần đây đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ ở Akkuyu. Nga cũng đang cung cấp nhiên liệu cho một số lò phản ứng ở Ấn Độ và Trung Quốc, mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở Hungary và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Bangladesh.
T.P