Khi Bắc Kinh và Washington thận trọng khôi phục trao đổi cấp cao thì ông Tập Cận Bình đẩy mạnh nỗ lực củng cố Trung Quốc trước “những kịch bản cực đoan nhất”.
Kể từ cuối tháng trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hai lần kêu gọi quốc gia chuẩn bị cho điều mà ông mô tả là “các tình huống hoặc kịch bản cực đoan nhất” – cụm từ ám chỉ khả năng leo thang căng thẳng khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Tại một cuộc họp cấp cao tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia vào ngày 30/5, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và cực đoan nhất, đồng thời sẵn sàng đương đầu với thử thách của những cơn gió lớn, của biển động và thậm chí là cả những cơn bão nguy hiểm.”
Một tuần sau đó, ông Tập đã mở rộng khái niệm này sang cả lĩnh vực kinh tế. Trong chuyến đi thị sát một khu công nghiệp ở Nội Mông, ông Tập cho biết những nỗ lực xây dựng thị trường nội địa là nhằm “đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế quốc gia trong những hoàn cảnh khắc nghiệt”.
Các bình luận trên được đưa ra giữa bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang lên kế hoạch công du Trung Quốc trong tháng này như một phần trong nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm xây dựng lại các tuyến liên lạc bị trật bánh sau sự kiện khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua vùng trung tâm của Mỹ vào đầu năm nay.
Những cảnh báo về các tình huống cực đoan diễn ra song song với nỗ lực hàn gắn quan hệ với Washington, điều này cho thấy ông Tập không từ bỏ nỗ lực bảo vệ nền kinh tế và đất nước trước những căng thẳng kéo dài với phương Tây.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu cho biết, ông Tập đã nói rõ rằng hai bên nên làm việc cùng nhau để đảm bảo mối quan hệ song phương “tiến lên đúng hướng mà không mất phương hướng hay tốc độ, đồng thời ít xảy ra va chạm”.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng bày tỏ mong muốn thiết lập các rào cản xung quanh mối quan hệ song phương để ngăn nó phát triển thành xung đột hoàn toàn.
Tờ WSJ nhận định, Bắc Kinh dường như quan tâm nhiều hơn tới các nguyên tắc chung làm nền tảng cho các mối quan hệ. Đặc biệt, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng Mỹ không vượt qua các lằn ranh đỏ đối với những vấn đề mà Trung Quốc coi là vượt quá giới hạn, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề cập đến những rủi ro bên ngoài trước đây, nhưng việc đề cập đến các tình huống cực đoan đã thực sự làm dấy lên những báo động mới. Động thái này diễn ra sau khi ông Tập chỉ trích Mỹ vì đã tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại phiên họp lập pháp vào tháng 3.
Jin Canrong, một học giả chính sách đối ngoại Trung Quốc, nói với Global Times rằng các kịch bản cực đoan mà Chủ tịch Tập đề cập có thể đồng nghĩa với “nguy cơ chiến tranh”.
Sau khi tái đắc cử được nhiệm kỳ thứ 3 vào tháng 10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần báo hiệu rằng quan hệ của Trung Quốc với phương Tây – đặc biệt là Mỹ – có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, đồng thời chỉ ra rằng mục tiêu phát triển chính trong 5 năm tới của Trung Quốc là xây dựng một nền kinh tế bền vững dựa trên yếu tố địa chính trị, ít phụ thuộc hơn vào thị trường và công nghệ nước ngoài.
Các cố vấn chính sách Bắc Kinh cho rằng, lời cảnh báo về các kịch bản cực đoan nhất của Chủ tịch Tập sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo phương Tây tăng gấp đôi nỗ lực. Song, việc này cũng không hề dễ dàng đối với một nền kinh tế vừa coi xuất khẩu là động lực tăng trưởng truyền thống, vừa phụ thuộc vào công nghệ cao của phương Tây.
Các trợ lý cấp cao của ông Tập, bao gồm cố vấn kinh tế lâu năm của ông, cựu Phó Thủ tướng Lý Hạc và người kế nhiệm ông Liu – Hà Lập Phong, đã được giao nhiệm vụ vạch ra các kế hoạch để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển trong trường hợp Mỹ và phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt – kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp xung đột.
Cụm từ “cực đoan” dường như đang nổi lên như một loại câu khẩu hiệu mới và xuất hiện ở cả các cấp chính quyền địa phương. Các nhà lãnh đạo địa phương từ đô thị ven biển Thượng Hải đến tỉnh Hồ Nam không giáp biển cũng đã tuyên bố sẽ sẵn sàng cho hệ thống của họ trong những trường hợp xấu nhất xảy ra.
Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Mỹ và là cựu cố vấn của Tổng thống về Trung Quốc và châu Á, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Tập trong nhiệm kỳ tới là củng cố Trung Quốc khỏi những tổn thương từ bên ngoài. Nhìn qua lăng kính đó, ta sẽ thấy điều này là hợp lý khi Tập Cận Bình tìm cách nâng cao ý thức của quốc gia về tính cấp bách và tầm quan trọng xung quanh việc củng cố khả năng của Trung Quốc để chống lại các điều kiện ‘cực đoan’.”
Trong bài phát biểu mới của ông Tập tại cuộc họp an ninh quốc gia, nhà lãnh đạo đã ngầm ám chỉ điều mà Bắc Kinh coi là thách thức gia tăng từ Washington đối với sứ mệnh mà họ coi là thiêng liêng, đó là sự thống nhất cuối cùng với Đài Loan.
Có thể kể đến việc máy bay Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các cuộc xâm nhập vào vùng không phận của Đài Loan trong năm qua. Đầu tháng này, Mỹ cáo buộc một tàu chiến Trung Quốc có động thái áp sát một tàu khu trục Mỹ đang tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Canada ở eo biển Đài Loan.
Trong khi đang đối mặt với những thách thức về khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục nỗ lực thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, điều này cho thấy những mâu thuẫn trong chính sách của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Bắc Kinh gần đây nhằm chinh phục các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các cuộc truy quét, giam giữ và điều tra nhắm vào các công ty tư vấn của Mỹ, đã khiến nhiều công ty toàn cầu vốn đã lo lắng về căng thẳng địa chính trị lại càng thận trọng hơn khi mở rộng hoạt động ở nước này.
Theo tờ WSJ, cách tiếp cận hai hướng này của Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho những căng thẳng ngày càng tồi tệ bằng cách cố gắng hàn gắn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.