Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông có “quà” cho ông Biden

Không có “quà” cho ông Biden

Dù “không kỳ vọng” một kết quả đột phá cải thiện quan hệ giữa hai siêu cường như giới chức Mỹ nhận định, tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ tới một cái gì đó tích cực mà ông Blinken có thể cầm về làm “quà” cho ông Biden.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh

Nhưng tới lúc này, mọi chuyện coi như đã rõ. Đúng như nhận định không hề lạc quan của giới chức Mỹ trước thềm chuyến đi: “Ngoại trưởng Blinken sẽ giải thích chính sách của Mỹ là theo đuổi con đường ngoại giao để kiểm soát căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang tới đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc”, ông Blinken coi như đã trắng tay trong chuyến trở về. Nói cách khác, đã chẳng có “món quà” nào Bắc Kinh dành cho Washington để khiến ông Biden vợi bớt nỗi trăn trở trước những diễn biến ngày một xấu hơn trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

Nói đúng hơn, ông Blinken cũng có một “gói nhỏ” mang về. Nhưng nó chỉ là những ngôn từ mà cả Washington và Bắc Kinh đều biết là “sáo rỗng”. Sáo rỗng vì nó chẳng hề có tính khả thi, dù hai bên đã kỳ công tổ chức tới hai cuộc làm việc quan trọng.

Cuộc thứ nhất, tất nhiên rồi, là giữa ông Blinken với người đồng cấp Trung Quốc – Ngoại trưởng Tần Cương.

Khá khen cho nghị lực của cả hai bên. Nghị lực nên dù “bằng mặt mà không bằng long” cả hai vẫn đủ kiên nhẫn để ngồi được với nhau tới hơn 5 giờ đồng hồ mà bàn về những điều vốn là nguyên nhân khiến hai quốc gia trở thành đối thủ của nhau từ nhiều chục năm nay, như: vấn đề Đài Loan; cuộc chiến thương mại; những tình huống có thể gây hiểu nhầm, mất kiểm soát, có nguy cơ thành “bé xé ra to” trên biển, trên không…

Những gì diễn ra tại cuộc hội đàm cho thấy, về lý thuyết thì chằng có gì phải cãi. Cả hai đều cố tỏ ra thông tuệ, thiện chí.

Nếu như ông Blinken thao thao một cách cao thượng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại và duy trì các kênh liên lạc cởi mở nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai; nêu ra một số vấn đề đáng quan tâm; kêu gọi hai bên tìm kiếm sự hợp tác về các vấn đề xuyên quốc gia với Trung Quốc, nơi mà hai bên có chung lợi ích…, thì trong tư cách chủ nhà, ông Tần Cương cũng ra vẻ rộng lòng tới mênh mông rằng: Bắc Kinh sẵn sàng thiết lập một mối quan hệ “ổn định, có thể dự đoán được và mang tính xây dựng” với Washington.

Tuy nhiên, cái chốt chặn khiến cuộc nói chuyện của hai nhân vật ngoại giao hàng đầu của hai cường quốc rơi vào bế tắc là câu chuyện Đài Loan.

Cuộc hội đàm 5 tiếng hay gấp đôi, gấp ba thời lượng đó cũng đến thế mà thôi, khi đụng đến vấn đề nhạy cảm này. Hơn cả nhạy cảm, đây còn là “vấn đề có tính nguyên tắc”. Nguyên tắc tới mức, diễn đạt về nó, Bắc Kinh coi đây là chuyện nội bộ, là “lằn ranh đỏ” nếu Washington dám cả gan “đụng” vào. Còn Washington thì ra mặt bênh Đài Loan chằm chặp.

Cũng vậy, tiếp theo hội hội đàm với ông Tần Cương, trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị – nhân vật ví như “cáo già ngoại giao” của Bắc Kinh, hiện đóng chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – người tiền nhiệm của ông Tần Cương – dù cả hai bên đều tung ra những lời hoa mỹ về bối cảnh; về hợp tác trong những lĩnh vực hai nước cùng quan tâm; về sự cần thiết phải đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì xung đột…, thì đụng đến câu chuyện Đài Loan, cái “hố” sâu thăm thẳm lại hiện ra.

Những cái “hố” sâu đó phản ảnh điều gì? Tất nhiên, phản ảnh xung đột không thể điều hòa giữa hai bên lâu nay về vấn đề Đài Loan: Trung Quốc muốn thu hồi và tuyên bố sẽ thu hồi bằng mọi cách, không loại trừ vũ lực; còn Mỹ thì khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi một mặt cam kết tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, nhưng mặt khác, lại “không khuyến khích Đài Loan độc lập”, và “thề sống thề chết” sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công – như tuyên bố của ông Biden với đài CBS trong cuộc phỏng vấn tháng 9 năm ngoái.

Mà đâu chỉ một lần, giọng điệu thách thức ấy được Washington lặp đi lặp lại tới hàng chục lần trong hai ba năm vừa qua.

Thế nên, tiếp sau sự hiện diện của ông Blinken tại Bắc Kinh, dẫu ông Tần Cương có tới Washington theo lời mời của ông Blinken “vào thời điểm phù hợp” chăng nữa, thì cũng khó lạc quan về việc hai bên có thể đạt được cái gọi là “đột phá” nào trong quan hệ song phương.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới