Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDấu hiệu “kết đoàn” của ASEAN

Dấu hiệu “kết đoàn” của ASEAN

Cuộc tập trận chung trên Biển Đông, dù dời sang phía nam quần đảo Natuna, tránh xa khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, thì vẫn được coi là dấu hiệu về một ASEAN đang đi tới “đoàn kết”hơn.

Một số tướng lĩnh các quốc gia Đông Nam Á bên lề cuộc họp tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 07/06/2023.

Thông tin ASEAN diễn tập quân sự chung trên Biển Đông trên biển từ 18 đến 25/9 tới đây được thông báo chính thức bởi Tư lệnh quân đội Indonesia Yudo Margono từ ngày 8/6. Theo đó, cuộc tập trận đã được Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM) lần thứ 20 tổ chức ở Nusa Dua, Bali nhất trí, dự kiến diễn ra trong vùng biển phía bắc đảo quần Natuna, với sự tham gia của quân đội 10 quốc gia ASEAN; Đông Timor tham gia với tư cách quan sát viên.

Biển Đông từ lâu, nhất là từ khi Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” đòi tới 90% diện tích, đã thành khu vực “nóng”. Sức nóng ngày một tăng lên trước sự phản đối quyết liệt của các bên liên quan, điển hình là Việt Nam, Philippines, Malaysia…một bên, với bên kia là Trung Quốc.

Đặc biệt, vài năm nay, sự hiện diện quân sự của Mỹ và các cường quốc phương Tây nhân danh “tự do hàng hải” trên Biển Đông càng khiến sóng gió nơi này thêm dữ dội. Washington và một số quốc gia trong khối, nhất là Philippines, còn nhiều lần tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự hoặc tuần tra chung. Bằng cách làm đó, Mỹ có cơ hội để khẳng định sự hiện diện cùng vai trò, trách nhiệm đồng minh (với Philippines); chuyển tải được thông điệp cứng rắn về phía Trung Quốc. Còn các nước trong khu vực thì lấy đó như một trong những giải pháp đối chọi lại với một Trung Quốc ngày một ngang ngược.

Tuy nhiên, tận tới nay, chưa hề có một cuộc tập trận quân sự chung của ASEAN trên Biển Đông.

Chẳng phải các quốc gia trong khối không muốn điều đó. Muốn quá đi! Có điều, nó bị cản trở bởi những vấn đề tinh tế và phức tạp. Một Biển Đông ổn định không bão bùng là điều mong muốn của cả 10 quốc gia trong khối. Nhưng tranh chấp, trong thực tế, chỉ là “chuyện riêng” của 5 nước 6 bên. Một số quốc gia còn lại, điển hình là Campuchia và Lào vốn nhiều “ân oán” với Bắc Kinh, chỉ muốn đứng riêng thành một “tổ”. Thế nên, chỉ định tỏ thái độ (dĩ nhiên hoan hô rồi) đối với phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện đình đám của Philippines với Trung Quốc về Biển Đông, mà từng còn không làm được, chỉ vì sự phản đối của một thành viên (Lào) nữa là. Trước đó, vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông cũng không vào nổi tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 2012. Vậy thì sao có thể nghĩ tới một cuộc tập trận chung của cả khối được?

Vậy mà điều không tưởng đó đang tới gần, như thông báo chính thức nêu trên của Indonesia.

Lý giải cho điều này, nhiều nhà phân tích cho rằng: Bắc Kinh phải tự trách mình.

Tự trách bởi chính họ chứ nào ai khác, đã ngày một phơi bày thêm trước thiên hạ lòng tham vô lối với Biển Đông. Chính họ, chứ ai, đã khiến cộng đồng quốc tế không chỉ nhận ra, mà còn ngày một thêm căm phẫn về sự trái ngược giữa lời nói và việc làm trong câu chuyện Biển Đông. Chính họ, chứ nào ai khác, đã phơi bày dã tâm qua những vụ đâm húc tàu thuyền ngư dân; những hành động “khảo sát địa chấn” sâu trong vùng thuộc chủ quyền của các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Indonesia…Chính họ chứ ai, đã ngang nhiên quấy nhiễu hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, Philippines, Malaysia với tần suất ngày một nhiều thêm…

Tất cả những điều đó cho thấy, cái gọi là “trách nhiệm, đạo đức” của Bắc Kinh trong câu chuyện Biển Đông chỉ là “đồ giả”. Nó khiến ngay cả các nước như Lào, Campuchia, trong chừng mực nào đó, cũng thấy rằng, cách hành xử của Bắc Kinh là không thể chấp nhận; buộc phải điều chỉnh thái độ để tham gia vào các hoạt động chung của “tập thể” – như cuộc tập trận chung dự kiến vào nửa cuối tháng 9 tới, tập trung vào các bài tập về an ninh hàng hải và cứu hộ, thay vì né tránh, thậm chí ngăn cản như đã từng làm.

Một số người, khi biết cuộc tập trân này thay đổi địa đểm: sẽ diễn ra trong vùng biển phía nam quần đảo Natuna, thay vì vùng biển phía bắc đảo quần đảo như dự kiến ban đầu, nhằm tránh xa khu vực tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Indonesia và Trung Quốc, đã có phần thất vọng. Tuy nhiên, không ít người lại cho đó là tính toán khôn ngoan của “ban tổ chức”. Là bởi, làm gì thì làm, giữ gìn ổn định hòa bình mới là khó. Còn làm cho khu vực này nổi giông gió, sấm chớp đùng đùng, thì là quá dễ trước một quốc gia láng giềng phương Bắc không chỉ khổng lồ mà còn côn đồ, hung hãn, luôn tìm cách kiếm cớ gây sự.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới