Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mới4 vấn đề chính trong chuyến công du TQ của ông Blinken

4 vấn đề chính trong chuyến công du TQ của ông Blinken

Dường như không có đột phá nào khi ông Blinken khép lại chuyến công du được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hai cường quốc.

Các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình, được coi là phép thử quan trọng, để xem liệu hai chính phủ có thể ngăn mối quan hệ tiếp tục lao dốc hay không.
Vì sao chuyến đi của ông Blinken quan trọng?

Ông Blinken là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018. Ông đã dự tính đi vào tháng 2, nhưng phải hoãn lại sau khi quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua lãnh thổ Mỹ.

Cuộc gặp của ông Blinken với ông Tập dù được truyền thông dự báo từ trước, nhưng chỉ được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ngay trước khi diễn ra.

Trong vài năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể. Mối quan hệ song phương bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề như Đài Loan, Biển Đông, cũng như sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài.

“Rõ ràng mối quan hệ đang ở điểm bất ổn và cả hai bên đều nhận ra cần thiết phải ổn định quan hệ”, ông Blinken nói trong cuộc họp báo ngày 19-6.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đến Trung Quốc để “làm rõ lập trường của đôi bên trong các lĩnh vực bất đồng và để khai phá các lĩnh vực có thể hợp tác”.
Hai quân đội chưa tái lập liên lạc

Một trong những vấn đề chính nhưng chưa được giải quyết là khôi phục liên lạc giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc gần đây đã từ chối mở cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Theo ngoại trưởng Mỹ, ông đã nhiều lần đề cập việc nối lại liên lạc quốc phòng trong các cuộc họp nhưng chưa có tiến triển.

Vấn đề chính trị – kinh tế
Ngoại trưởng Mỹ cho biết các cuộc trò chuyện của ông đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine; vấn đề Triều Tiên; các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực, như eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Blinken khẳng định lập trường của Mỹ đối với Đài Loan là không thay đổi và gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong.

Ông Blinken cho biết Trung Quốc đảm bảo với Mỹ và các nước khác rằng sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Washington chưa ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc làm trái với lời đảm bảo này.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhiều lần lưu ý rằng ông đã tìm cách làm rõ lập trường kinh tế của Washington đối với Bắc Kinh trong các cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc. Ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ không tìm cách “kiềm chế” Trung Quốc về kinh tế.
Tiếp tục đối thoại

Trong cuộc gặp ngày 18-5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói với người đồng cấp Mỹ rằng hai bên đã nhất trí “thúc đẩy đối thoại và hợp tác”, đồng thời “duy trì tương tác cấp cao”.

Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với truyền thông rằng cuộc gặp dài hơn 5 tiếng đồng hồ của hai ngoại trưởng đã đạt được tiến bộ “trên một số mặt”, và cả hai bên đều thể hiện “mong muốn giảm căng thẳng”.

Theo Đài CNN, cả Mỹ và Trung Quốc đều hạ thấp kỳ vọng về việc chuyến đi của ông Blinken sẽ có đột phá.

Lúc này, khi ông Blinken đã về Mỹ, tâm điểm không còn nằm trên bàn đàm phán nữa, mà nằm ở dư luận. Ở Mỹ, việc ứng phó Trung Quốc như thế nào đã trở thành chủ đề tranh luận chính trị sôi nổi. Một số nhà lập pháp chỉ trích chính quyền Biden vì đã ngồi xuống với Bắc Kinh.

Trung Quốc lại cho rằng Mỹ đang tìm cách cản trở họ phát triển, và Bắc Kinh cũng nhận thức rằng Mỹ đang bước vào giai đoạn bầu cử tổng thống, khiến những luận điệu chống Trung Quốc có thể gia tăng.

RELATED ARTICLES

Tin mới