Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnẤn Độ tịch thu 4,8 tỷ NDT của Xiaomi

Ấn Độ tịch thu 4,8 tỷ NDT của Xiaomi

Gần đây, phía Ấn Độ đã gửi thông báo tới Xiaomi, chính thức cáo buộc họ “chuyển tiền phi pháp cho các tổ chức nước ngoài”, đồng nghĩa với việc 55,5 tỉ Rupee (4,8 tỉ NDT) mà Xiaomi bị giữ lại trước đây có thể bị tịch thu.

Điện thoại Xiaomi từng nhiều năm giữ vị trí số 1 tại thị trường Ấn Độ.

Vụ tranh chấp của Xiaomi ở Ấn Độ đã xảy ra cách đây một năm. Vào thời điểm đó, phía Ấn Độ tuyên bố Công ty Xiaomi Ấn Độ đã chuyển 55,5 tỉ rupee (4,8 tỉ NDT, 680 triệu USD) cho 3 công ty nước ngoài dưới danh nghĩa trả tiền bản quyền, nhưng Xiaomi Ấn Độ không nhận được bất kỳ dịch vụ nào từ ba công ty này nên việc chuyển tiền ra nước ngoài này bị nghi ngờ vi phạm luật quản lý ngoại hối của Ấn Độ. Vì vậy, số tiền này của Xiaomi Ấn Độ đã bị thu giữ. Đây cũng là vụ tịch thu tiền lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Vào thời điểm đó, Xiaomi đã trả lời rằng việc họ trả tiền bản quyền là hợp pháp và xác thực, đều được sử dụng cho công nghệ và tài sản trí tuệ được dùng trong phiên bản sản phẩm ở Ấn Độ. Hơn 84% trong tổng số 55,5 tỉ rupee chuyển ra ngoài là tiền bản quyền trả cho Qualcomm, nếu không có những công nghệ và tiêu chuẩn này thì điện thoại thông minh của Xiaomi sẽ không thể sử dụng ở Ấn Độ.

Sau một năm, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ (ED) mới đây đã chính thức buộc tội Xiaomi, cho thấy phía Ấn Độ không công nhận lời giải thích của Xiaomi và số tiền khổng lồ mà Xiaomi tạm giữ có thể bị chính thức tịch thu.

Đối với Xiaomi, đây rõ ràng là một đòn giáng mạnh. Ngay cả khi nó được đặt trong toàn bộ Tập đoàn Xiaomi, thì số tiền này cũng có tỷ trọng rất lớn; trong cả năm 2022, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Xiaomi chỉ có 2,47 tỉ NDT; số tiền bị Ấn Độ thu giữ gần bằng tổng số lợi nhuận trong hai năm của cả tập đoàn.

Sự tổn thất của Xiaomi ở Ấn Độ không chỉ ở mặt tài chính mà còn ở cấp độ chiến lược. Xiaomi là thương hiệu điện thoại di động thành công nhất tại thị trường Ấn Độ và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường điện thoại di động Ấn Độ trong một thời gian dài, năm 2019, thị phần của Xiaomi tới 29%. Tuy nhiên, sau mấy năm bị kìm hãm, thị phần của Xiaomi tại Ấn Độ đã giảm xuống còn 20%, trong khi Samsung tăng nhanh ở Ấn Độ với 19% thị phần, chỉ còn một bước nhỏ nữa là đuổi kịp Xiaomi.

Theo truyền thông Trung Quốc, ở Ấn Độ không chỉ mỗi Xiaomi bị kìm hãm. Sau khi xung đột biên giới Trung-Ấn nổ ra vào năm 2020, sự giám sát của Ấn Độ đối với các công ty Trung Quốc đột ngột leo thang. Năm đó Ấn Độ đã cấm hơn 100 APP ứng dụng của Trung Quốc với lý do đe dọa an ninh. Một số Công ty Trung Quốc có ảnh hưởng khá lớn ở nước này như Xiaomi, OPPO, Vivo…cũng đều đối mặt với nhiều cuộc điều tra nghiêm ngặt.

Sau 3 năm, sóng gió vẫn chưa dừng lại, không chỉ Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ chính thức cáo buộc Xiaomi chuyển tiền trái phép mà mới đây, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ (MEIT) cũng triệu tập các công ty điện thoại di động của Trung Quốc Xiaomi, OPPO, Vivo.. tới, yêu cầu các công ty này bổ nhiệm công dân Ấn Độ giữ các vị trí chủ chốt như CEO, COO, CFO và CTO. Đồng thời, chính phủ Ấn Độ cũng yêu cầu các công ty này ủy thác việc sản xuất cho các công ty Ấn Độ và xuất khẩu thông qua các nhà phân phối địa phương. Các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực kiểm soát chưa từng có ở Ấn Độ.

Trong nhiều năm nay, Ấn Độ là một “từ trường” khổng lồ, cũng là một “nghĩa địa” khổng lồ đối với vốn nước ngoài, nhiều dòng vốn nước ngoài đã đổ vào nhưng cuối cùng phải trắng tay ra đi.

Điểm hấp dẫn lớn nhất của Ấn Độ đối với đầu tư nước ngoài là lợi tức nhân khẩu. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, vào tháng 4 năm nay, dân số Ấn Độ đã vượt ngưỡng 1,428 tỉ người, cao hơn mức 1,425 tỉ người của Trung Quốc và trở thành quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Ấn Độ không chỉ có dân số đông mà còn có cơ cấu dân số tương đối hợp lý, với độ tuổi trung bình chỉ 28, điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ đã trở thành quốc gia giàu tiềm năng thị trường nhất thế giới. Đối với vốn nước ngoài, đối mặt với Ấn Độ, quốc gia có dân số và cơ cấu tốt, giống như nhìn thấy Trung Quốc trong quá khứ, nên nhiều tư bản nước ngoài coi Ấn Độ là vùng đất phải có của các chiến lược gia quân sự.

Nhưng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau khi vào Ấn Độ, đã dần nhận ra rằng đây là một trong những quốc gia khó kinh doanh nhất trên thế giới. Trong nhiều năm, môi trường kinh doanh của Ấn Độ luôn bị chỉ trích. Trước năm 2014, trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ chỉ đứng ở vị trí hơn 130 trong số 190 quốc gia. Sau khi Narendra Modi được bầu làm Thủ tướng vào năm 2014, ông đã tuyên bố sẽ cải thiện môi trường kinh doanh của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, thứ hạng của Ấn Độ đã được cải thiện đáng kể. Dữ liệu trước khi dịch bệnh bùng phát (2019) cho thấy, thứ hạng của Ấn Độ đã tăng lên thứ 63. Mặc dù đã vươn lên nhanh chóng, nhưng xét về quy mô của một nền kinh tế như Ấn Độ, đây vẫn là một vị trí tương đối lạc hậu.

Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, môi trường kinh doanh của Ấn Độ mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn xa mới đáp ứng được tiêu chuẩn lý tưởng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh tồi tệ và nhu cầu thấp hơn dự kiến ​​tại thị trường Ấn Độ đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ cuộc. Trong đó một số Công ty nổi tiếng như Carrefour, Ford Motor và Harley Motorcycle, v.v. Theo số liệu chính thức của Ấn Độ, từ năm 2014 đến hết năm 2021, gần 2.800 công ty nước ngoài đã ngừng hoạt động tại Ấn Độ, chiếm khoảng 1/6 tổng số công ty đa quốc gia tại Ấn Độ.

Sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện và Ấn Độ đã nhìn thấy cơ hội, năm 2020 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra khẩu hiệu “Ấn Độ tự cung tự cấp”, khuyến khích các công ty Ấn Độ giảm mua hàng từ Trung Quốc và xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Ấn Độ hy vọng trong thời kỳ hậu dịch ngành chế tạo Ấn Độ sẽ khởi sắc.

Tháng 11/2020, RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) chính thức được ký kết, trong số 16 quốc gia dự kiến ​​ban đầu, chỉ mỗi Ấn Độ chọn cách rút lui vào phút chót do lo ngại RCEP sẽ tác động tiêu cực đến các ngành liên quan trong nước. Trong bối cảnh này, một số công ty điện thoại di động Trung Quốc phát triển mạnh ở thị trường Ấn Độ đã tự nhiên trở thành tâm điểm chú ý của Ấn Độ.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ áp chế vốn nước ngoài, trong đó có các công ty Trung Quốc, cũng vấp phải phản ứng dữ dội. Mấy năm gần đây, nhiều chuỗi công nghiệp, trong đó có Apple, bắt đầu phân tán bố cục tại Trung Quốc, chuyển hướng sang các thị trường như châu Phi, Đông Nam Á, trong đó Ấn Độ được coi là điểm đến quan trọng để di chuyển chuỗi công nghiệp từ Trung Quốc. Tháng 4 năm nay, CEO Tim Cook của Apple đã đến thăm Ấn Độ và bày tỏ hy vọng mở rộng quy mô sản xuất và doanh số bán hàng tại Ấn Độ trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Modi. Động thái này được nhiều người coi là dấu hiệu quan trọng của việc di chuyển dây chuyền công nghiệp của Apple sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, ngay sau chuyến thăm Ấn Độ của Tim Cook, Công ty Đài Loan Wistron, nhà gia công lớn thứ ba của Apple, gần đây đã tuyên bố rút khỏi thị trường Ấn Độ và dự định chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ trong vòng một năm. Là một công ty trong danh sách Fortune top 500, Wistron đã hoạt động ở Ấn Độ hơn 10 năm; ngay khi Apple có kế hoạch tăng năng lực sản xuất ở Ấn Độ, Wistron đã chọn rút khỏi Ấn Độ vì tranh chấp phức tạp với lao động ở Ấn Độ, chuỗi công nghiệp không hoàn thiện và lợi nhuận thấp…

Tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, chiếc vương miện tưởng như chói lọi này cũng có thể trở thành gánh nặng lớn đối với Ấn Độ. Do dân số trẻ đông nên cần có đầy đủ cơ hội việc làm, nhưng ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ đang tăng nhanh, mới nhất đã vượt quá 8%. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cần việc làm do nước ngoài tạo ra hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa bảo hộ dẫn đến sự rút lui của một lượng lớn vốn nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, thì tình trạng thất nghiệp gia tăng sẽ tác động rất lớn đến quốc gia đông dân này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới