Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThực hư việc danh thắng Lạc Sơn Đại Phật bị bán với...

Thực hư việc danh thắng Lạc Sơn Đại Phật bị bán với giá hơn 5.500 tỷ đồng

Theo trang tin NBD của Trung Quốc, trong vài ngày qua, một thông tin đã lan truyền trên mạng xã hội nước này, nói rằng tỉnh Tứ Xuyên ‘đã bán Lạc Sơn Đại Phật vài ngày trước’…

Lạc Sơn Đại Phật đã bị bán?

Thông tin nói trên xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 25/6 với nội dung: “Lạc Sơn Đại Phật đã bị bán cách đây vài ngày. Quyền kinh doanh 30 năm đã được bán với giá hơn 1,7 tỷ nhân dân tệ (CNY, hơn 5540 tỷ đồng). Đức Phật có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ rằng có ngày mình bị bán.”

Kèm theo thông tin là một bức ảnh đấu thầu với tiêu đề “Chuyển nhượng toàn bộ quyền kinh doanh 30 năm của xe chở khách và các gian hàng trong khu thắng cảnh Lạc Sơn Đại Phật”.

Dưới thông tin này, rất nhiều cư dân mạng đã bình luận và chia sẻ. Có cư dân mạng đặt câu hỏi: “Việc xây dựng đô thị đang diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi, và có vẻ như không hề thiếu tiền.” Một cư dân mạng khác cũng để lại lời nhắn: “Thứ này cũng có thể bán được sao?”

Theo trang web chính thức của Khu thắng cảnh Lạc Sơn Đại Phật, Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng Phật bằng đá khổng lồ nằm ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bức tượng bắt đầu được xây dựng vào năm Đường Trinh Quán thứ 19 (tức năm 713), do nhà sư Hải Thông và nhà hảo tâm Đậu Kiến Huy khởi xướng. Sau hơn 90 năm chạm khắc gian khổ, cuối cùng bức tượng đã được hoàn thành vào năm 803 và trở thành tượng Phật điêu khắc đá lớn nhất thế giới.

Mục đích ban đầu của việc tạo ra bức tượng Lạc Sơn Đại Phật là để ngăn chặn lũ lụt do hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y gây ra, đồng thời cũng để truyền bá Phật giáo. Nhà sư Hải Thông tin chắc rằng, chỉ cần tạo ra một bức tượng Phật trang nghiêm, mọi người sẽ được Đức Phật ban phước lành và có thể sống sót qua thảm họa này.

Lạc Sơn Đại Phật sau khi hoàn thành thực sự đã thay đổi đặc điểm thủy văn tại nơi hợp lưu của ba con sông, và hoàn thành được tâm nguyện vĩ đại của nhà sư Hải Đồng.

Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét, nằm trong khuôn viên chùa Lăng Vân dưới chân núi Lăng Vân, đầu tượng Phật rộng 14,7 mét, dài 10 mét, dưới chân tượng Phật có thể chứa 100 người. Ngoại trừ cấu trúc bằng gỗ của tháp chuông, toàn bộ cơ thể của Lạc Sơn Đại Phật được chạm khắc bằng đá nguyên chất, trên đầu Phật có 1051 lọn tóc được chạm khắc, và đôi tai Phật dài tới 10 mét – nơi chứa được hai người đứng cạnh nhau.

Tháng 12/1996, Lạc Sơn Đại Phật được UNESCO đưa vào “Danh sách Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới”.

Thực sự có một cuộc đấu thầu đã diễn ra

Theo trang tin The Cover của Trung Quốc, vào chiều ngày 26/6, đại diện Ban quản lý Khu thắng cảnh Lạc Sơn Đại Phật đã trả lời phóng viên rằng, cuộc đấu thầu đã diễn ra cách đây vài năm và tuân thủ các quy định. “Theo các quy định quản lý có liên quan, quyền kinh doanh cần được đấu thầu công khai”, người này nói.

Theo Jiupai News, nhân viên khu thắng cảnh tiết lộ rằng, hạng mục đấu thầu không phải Lạc Sơn Đại Phật mà là quyền kinh doanh 30 năm của xe chở khách và các gian hàng trong khu thắng cảnh. Cuộc đấu thầu đã kết thúc vào năm 2021 và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thực nghiệp Lạc Sơn Đại Phật.

Hạng mục xe chở khách tham quan thắng cảnh Lạc Sơn Đại Phật khởi hành từ cổng của khu thắng cảnh, giá vé không đổi là 20 CNY mỗi lượt (65.000 đồng) và 30 CNY khứ hồi (98.000 đồng. Quyền kinh doanh các gian hàng do một bộ phận đặc biệt phụ trách, các hộ kinh doanh cần liên hệ trước nếu muốn thuê gian hàng. Nhưng hiện tại không còn gian hàng nào trống và hàng hóa được bày bán tại các gian hàng đa phần là thực phẩm và đồ lưu niệm…

Theo thông tin công khai, thời gian niêm yết gói thầu là từ 26/10 đến 29/11/2021 và đơn vị trúng thầu quyền kinh doanh 30 năm của xe chở khách và các gian hàng trong khu thắng cảnh là Công ty TNHH Thực nghiệp Lạc Sơn Đại Phật.

Theo trang web chính thức của công ty, Công ty TNHH Thực nghiệp Lạc Sơn Đại Phật có vốn đăng ký là 200 triệu CNY (652 tỷ đồng), do ba đơn vị nhà nước của Trung Quốc là Ban Quản lý Khu thắng cảnh Lạc Sơn Đại Phật, Khách sạn Tập Phượng Lầu và Cửa hàng Di vật Văn hóa tỉnh Tứ Xuyên góp vốn. Năm 2017, công ty được chuyển giao cho Công ty TNHH (Tập đoàn) Đầu tư và Phát triển Du lịch Lạc Sơn Đại Phật. Công ty hiện có hơn 300 nhân viên.

Theo “Quy định bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới Lạc Sơn Đại Phật” do Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Lạc Sơn ban hành, nghiêm cấm chuyển nhượng tài nguyên di sản thế giới mà không được phép hoặc trá hình trong khu vực bảo vệ di sản thế giới.

Quy định này cũng đưa ra hạn chế rõ ràng rằng, tất cả các hoạt động kinh doanh được thực hiện trong khu vực bảo vệ của Lạc Sơn Đại Phật cần phải được cơ quan quản lý – bảo vệ Lạc Sơn Đại Phật xem xét và các thủ tục phê duyệt liên quan phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý – bảo vệ Lạc Sơn Đại Phật cũng có trách nhiệm giới hạn số lượng hộ kinh doanh và kiểm soát khu vực để bảo đảm khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường.

Chính quyền nhân dân quận Thị Trung của thành phố Lạc Sơn cũng sẽ tăng cường rà soát, giám sát và quản lý giá cả hàng hóa và dịch vụ được kinh doanh trong khu vực bảo vệ của Lạc Sơn Đại Phật, đồng thời nỗ lực hết sức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Bởi vậy, trang tin NBD khẳng định, thông tin về việc “Lạc Sơn Đại Phật bị bán” là không đúng sự thật.

Cũng theo trang tin NBD, việc chuyển nhượng quyền kinh doanh danh lam thắng cảnh diễn ra tương đối phổ biến tại Trung Quốc. Theo một báo cáo năm 2019 của Strait Metropolis Daily, hơn một nửa hoặc toàn bộ quyền kinh doanh các danh lam thắng cảnh ở tỉnh Phúc Kiến đã được chuyển nhượng. Đối với các danh lam thắng cảnh đã chuyển nhượng toàn bộ quyền kinh doanh thì quyền bán vé thường thuộc về các công ty du lịch.

Trang tin The Paper vào năm 2016 từng đưa tin, do gây ra tranh cãi, Cục Di tích Văn hóa tỉnh Hồ Nam đã yêu cầu chính quyền thành phố Nhạc Dương đình chỉ việc chuyển nhượng quyền kinh doanh Tháp Nhạc Dương Hồ Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới