Thiết bị chuyên dụng để chế tạo chip được nhà chức trách Hà Lan đưa vào danh danh mục quản lý xuất khẩu. Điều này có thể ngăn chặn việc phát triển ngành bán dẫn Trung Quốc.
Chiều 30/6 (giờ Việt Nam), nhà chức trách Hà Lan chính thức công bố các quy định mới về việc xuất khẩu bán dẫn. Đây là danh mục cụ thể cho phần thông báo được nước này đưa ra hồi tháng 3, về các biện pháp kiểm soát công nghệ sản xuất chip tiên tiến.
Hà Lan tiếp bước Nhật Bản và Mỹ, ngăn chặn các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu công cụ chế tạo chip mà không có giấy phép. Điều này có thể giáng một đòn mạnh vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc.
Giới hạn xuất khẩu máy làm chip
ASML là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, trong ngành máy móc in thạch bản. Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất chip, khi các thiết kế vi mạch được in trên những tấm wafer kích thước lớn. Loại máy này là thành phần chủ chốt để chế tạo ra mọi thứ trong ngành bán dẫn, từ bộ xử lý đến chip nhớ.
Ở thông cáo báo chí đưa ra tối 30/6, ASML cho biết 2 loại máy móc tiên tiến của họ thuộc phạm vi quản lý trong quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới được ban bố. Do đó, chúng cần có giấy phép chấp thuận từ nhà chức trách để được xuất khẩu. Hai thiết bị được nhắc đến là hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV) TWINSCAN NXT:2000i và các hệ thống nhúng mới hơn.
Nikkei Asia trích lời chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, cho biết các hệ thống DUV tiên tiến cho khả năng tạo ra các con chip ở tiến trình 16 nm hoặc nhỏ hơn. Quy định của Mỹ trong lĩnh vực này cũng áp dụng ở mức độ tương tự, nhưng liên quan đến các bước khác nhau của quá trình sản xuất linh kiện bán dẫn.
“Các lô hàng khác của hệ thống từ ASML không bị kiểm soát bởi nhà chức trách”, ASML cho biết trong tuyên bố trên trang chủ. Công ty này sẽ tiếp tục tuân thủ quy định xuất khẩu hiện hành, bao gồm yêu cầu của Hà Lan, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Những biện pháp quản lý này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/9, trễ hơn bộ quy tắc của Nhật Bản, vốn áp dụng vào cuối tháng 7.
Quy định mới của Hà Lan cũng liên quan đến công cụ sản xuất lắng đọng lớp nguyên tử (ADL). Đây là thiết bị tham gia vào quá trình sản xuất chip đời mới, do ASM International chiếm thị phần cao nhất. Phía công ty cho biết họ đang xem xét quy định kiểm soát xuất khẩu.
Ngoài ra, Hà Lan cũng đã chặn các lô hàng máy quang khắc EUV từ 2019, do áp lực của Mỹ. So với hệ thống DUV vừa được đưa vào danh sách quản lý, thiết bị DUV thuộc lớp thấp cấp hơn. Nó bị phía nhà chức trách đánh giá có nhiều vai trò, gồm cả thương mại và quân sự.
Ngăn chặn Trung Quốc
Không có trong tay loại máy quang khắc EUV tiên tiến, các công ty Trung Quốc vẫn tìm cách để chế tạo thành công bộ vi xử lý trên tiến trình nhỏ. Cụ thể, hãng SMIC tạo ra chip 7 nm để khai thác Bitcoin, tương tự công nghệ của TSMC.
Theo TechInsights, SMIC có thể tạo ra bộ xử lý trên tiến trình nhỏ bởi máy DUV vẫn tạo được chip tại tiến trình này. Vấn đề là nó có mức độ mức tạp cao hơn và nhiều hạn chế khác trong sản xuất. Trong khi đó, máy EUV đời mới giúp giảm chi phí và các khó khăn chế tạo. ASML là công ty độc quyền trong việc phát triển các máy EUV, không có lựa chọn thay thế.
Động thái kiểm soát kiểm soát đường xuất khẩu máy DUV của Hà Lan được đánh giá sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc phát triển ngành bán dẫn.
Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan là 3 quốc gia nắm trong tay máy móc sản xuất chip đời mới, yêu cầu công nghệ cao. Ngoài ASML, Canon và Nikon là những nhà cung cấp lớn nhất trong ngành. Trung Quốc cũng sở hữu Shanghai Micro Electronics Equipment, nhưng trình độ thấp hơn.
Từ tháng 10/2022, Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Theo Nikkei Asia, điều này là để hạn chế tham vọng làm chủ ngành bán dẫn công nghệ cao của Trung Quốc. Các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ, gồm Lam Research và KLA, bị chặn bán công cụ chế tạo vi xử lý với khách hàng chưa được cấp phép. Bộ quy tắc cũng hạn chế công dân Mỹ làm việc với các nhà sản xuất bán dẫn Trung Quốc.
T.P